Riêng năm 2024, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp 4 chứng nhận bảo hộ độc quyền cho 4 sáng chế thuộc cả 3 lĩnh vực mà VHT hoạt động gồm quân sự, viễn thông, dân sự.
Các sáng chế gồm có: “Cơ cấu khoang khuyếch đại đầu phát la-de sử dụng cấu trúc bơm dọc” được sử dụng cho nhiều thiết bị quân sự như đo xa lade và chỉ thỉ mục tiêu; sáng chế “Hệ thống truyền video trực tiếp thích nghi dựa trên việc ước tính méo sử dụng mạng nhận thức nhiều lớp” nhằm mang lại một tính năng mới giúp nâng cao trải nghiệm người dùng trong các sản phẩm thông tin quân sự thế hệ mới nhất.
Ngoài ra, sáng chế “Phương pháp tự động phân tích và lọc bỏ những cảnh báo dư thừa trong hệ thống quản lý lỗi các trạm thu phát sóng vô tuyến” giúp hỗ trợ các kỹ sư vận hành khai thác trong quá trình giám sát các lỗi xảy ra đối với trạm thu phát sóng 4G và 5G, phát hiện nhanh các lỗi. Từ đó giảm thiểu công sức, chi phí thiết bị và giảm thời gian gián đoạn dịch vụ mạng viễn thông.
Cuối cùng, sáng chế “ Hệ thống và phương pháp số hoá hình dạng người từ số đo cơ thể” cho phép xây dựng nhanh và chính xác hình dạng người 3D mà không cần sử dụng phương tiện quét và dựng người phức tạp với giá thành cao cũng như có hại cho sức khoẻ người dùng.
3 năm gần đây, số lượng bằng sáng chế mà VHT được cấp độc quyền tại Mỹ đã tăng từ 8 lên 24 sáng chế. Với con số này, VHT là đơn vị dẫn đầu bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền của Mỹ tại Việt Nam. Ngoài 24 sáng chế được USPTO cấp bằng, VHT đã nộp 73 đơn đăng ký sáng chế quốc tế đang chờ cơ quan này xét duyệt.
Xét về tài sản sở hữu trí tuệ nói chung (gồm có sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu), từ năm 2017 đến năm 2024, VHT đã có 198 tài sản trí tuệ được cấp bằng. Trong đó, 119 sáng chế với 95 sáng chế trong nước, 24 sáng chế Mỹ; 28 giải pháp; 42 kiểu dáng và 9 nhãn hiệu. Hiện nay, VHT hoàn thành đăng ký trong và ngoài nước cho 605 sở hữu trí tuệ.
Các sáng chế của VHT xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong quá trình nghiên cứu sản phẩm. Do đó, với những sáng chế này, các kỹ sư VHT đã giải quyết thành công những thách thức kỹ thuật đặt ra trong lĩnh vực chuyên môn. Từ đó, tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm công nghệ cao của mình. Ví dụ như, đối với sáng chế được cấp bằng bảo hộ tại Mỹ “Phương pháp tự động phân tích và lọc bỏ những cảnh báo dư thừa trong hệ thống quản lý lỗi các trạm thu phát sóng vô tuyến”, đại diện nhóm tác giả Nguyễn Tiến Lực (TT Kỹ thuật Công nghệ, Khối 2) cho biết, sáng chế được ra đời bởi trong quá trình vận hành, một lỗi xảy ra trong trạm phát sóng thường kéo theo nhiều cảnh báo “hệ quả” (cảnh báo phát sinh từ lỗi gốc rễ) dẫn đến khó xác định đâu là lỗi gốc rễ khiến việc ưu tiên xử lý không chính xác. Sáng chế của nhóm tác giả sẽ giúp giảm số lượng các cảnh báo gẫy nhiễu, không phái là nguyên nhân gốc gây lỗi dịch vụ. Từ đó, quá trình xử lý lỗi trạm nhanh hơn, giảm thời gian gián đoạn dịch vụ người dùng. Sau khi được cấp bằng, sáng chế này sẽ tiếp tục được nhóm tác giả tiếp tục tối ưu, ứng dụng phục vụ cho việc sản xuất 500 trạm gNodgeB trong năm 2025.
Những năm qua, việc liên tục được công nhận các tài sản sở hữu trí tuệ là minh chứng cho khả năng học hỏi, năng lực sáng tạo không ngừng của đội ngũ kỹ sư R&D tại VHT.
Số lượng bằng sáng chế VHT gia tăng liên tục một phần đến từ sự quan tâm thích đáng của Ban Tổng Giám đốc TCT. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong chiến lược sản xuất kinh doanh, VHT có cơ chế khen thưởng dành cho những tác giả có thành tích trong lĩnh vực sáng chế nhằm khích lệ, tạo động lực cho các anh em kỹ sư nghiên cứu khoa học. Theo đó, khi Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký sở hữu trí tuệ là hợp lệ, Tổng Công ty khen thưởng nhóm tác giả 10 triệu đồng. Khi sáng chế được cấp bằng bảo hộ, số tiền khen thưởng lên đến 50 triệu đồng, sáng chế Mỹ là 100 triệu đồng.