Báo chí 24h
Rạng danh “MẮT THẦN” make-in-Vietnam
Nhật Minh Lv.4
Bên cạnh bằng sáng chế quốc tế được Cơ quan Quản lý Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ chứng nhận, năm đầu tiên của thập kỷ mới chứng kiến Trung tâm Ra-đa, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) có thêm một bước tiến đặc biệt, đưa thương hiệu Viettel/VHT lên một tầm cao mới với một Công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh 2021.

Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng danh giá nhất tại Việt Nam, được xét và công bố 5 năm/lần, là giải thưởng đầu tiên về Thiết kế, chế tạo sản phẩm trong lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật được Hội đồng Nhà nước xét duyệt. VHT là đơn vị đầu tiên của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) nhận được giải thưởng cao quý này. Tên công trình đạt giải là “Thiết kế, chế tạo ra-đa cảnh giới biển tầm trung trên nền tảng công nghệ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trang bị cho Quân đội Nhân dân Việt Nam” – đứa con tinh thần của Trung tâm Ra-đa.

Bài toán xây dựng “mắt thần” biển Đông

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương những năm qua chứng kiến nhiều thay đổi to lớn, mang tính bước ngoặt trong việc định hình cục diện mới. Trong bối cảnh đó, việc xác lập, nâng cao vị thế quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạch định chiến lược phát triển của đất nước. Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài 3.260 km, vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam chiếm diện tích khoảng 1.000.000 km2  với nguồn lợi hải sản và trữ lượng hải sản được đánh giá là rất lớn. Bên cạnh đó, Biển Đông là khu vực có mật độ giao thông lớn thứ 2 thế giới với nhiều loại tàu thuyền qua lại mỗi ngày, là yết hầu giao thương hàng hóa của nhiều nước Châu Á. Theo thống kê của Cơ quan năng lượng Mỹ, lượng dầu thô và khí hóa lỏng được vận chuyển qua Biển Đông lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, Biển Đông trở thành khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc với các diễn biến phức tạp, đứng trước nhiều thách thức và nguy cơ lớn.

Được coi là “mắt thần” trên biển, việc đảm bảo trang thiết bị, chủ động tăng cường phạm vi cảnh giới, hiện diện quân sự và bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên biển cũng như giám sát, quản lý các tàu dân sinh, tàu thương mại hoạt động thông qua hệ thống khí tài ra-đa hiện đại là yêu cầu cấp thiết.

Tuy nhiên, tính đến năm 2015 hầu hết các đài ra-đa cảnh giới biển được trang bị cho Quân đội Nhân dân Việt Nam là các loại đài ra-đa thế hệ cũ, công nghệ của những năm 1960. Các ra-đa này có khả năng quan sát hạn chế, không có khả năng chống tác chiến điện tử, xuất xứ từ nhiều nước với nhiều chủng loại, gây khó khăn cho công tác đảm bảo kỹ thuật, huấn luyện và khai thác sử dụng. Hiện tại, chỉ có loại đài ra-đa Score-3000, với số lượng trang bị hạn chế của Pháp là dòng ra-đa cảnh giới biển hiện đại, chủ lực đang được QĐNDVN vận hành, khai thác. Mặc dù các đài ra-đa Score-3000 cơ bản đáp ứng được yêu cầu chiến - kỹ thuật, nhưng trong quá trình khai thác, sử dụng, thực hiện nhiệm vụ thực tế phát sinh các khó khăn trong yêu cầu tác chiến. Số lượng các đài hiện có chỉ đáp ứng 20% nhu cầu sử dụng của quân đội. Bên cạnh đó, giá thành thiết bị cao cùng công tác đảm bảo, bảo dưỡng kỹ thuật chưa đảm bảo tính bí mật quân sự quốc gia. Khả năng sẵn sàng chiến đấu của khí tài chưa đảm bảo do thời gian khắc phục sự cố, đặt hàng mô-đun phục vụ bảo hành kéo dài.

Ra-đa là sản phẩm quân sự thực hiện nhiệm vụ cảnh giới vùng trời, vùng biển Quốc gia nên các nước trên thế giới bảo mật rất cao. Vì vậy, ngay từ ngày đầu thành lập, Trung tâm Ra-đa (VHT) xác định chỉ có một con đường là chủ động, tự lực nghiên cứu. Đó là giải pháp duy nhất để Trung tâm giải quyết các vấn đề then chốt và sáng tạo nhiều công nghệ mới, độc quyền để áp dụng vào Công trình Ra-đa cảnh giới biển tầm trung như: Công nghệ ăng-ten mặt phản xạ băng X giúp tăng khả năng quan sát và phân biệt mục tiêu; Công nghệ thiết kế bộ thu phát cao tần băng X, băng thông tức thời tới 45MHz giúp tăng độ phân giải mục tiêu đến 3m; Công nghệ phát hiện mục tiêu mặt nước trong môi trường nhiễu sử dụng AI ; Công nghệ khởi tạo và bám sát tự động mục tiêu mặt nước trong nhiễu thụ động; Công nghệ tự động nhận diện mục tiêu; Công nghệ phát hiện mục tiêu di chuyển bất thường… Do đó, có thể đánh giá công trình này có nhiều sự khác biệt so với các ra-đa cùng loại trên thế giới (ELM2226/Isarel, Score-3000/Pháp, Scanter 5000/Đan Mạch).

1

Trung tâm Ra-đa (VHT) quyết tâm giải quyết các vấn đề then chốt và sáng tạo nhiều công nghệ mới, độc quyền để áp dụng vào Công trình Ra-đa cảnh giới biển tầm trung đạt giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 6.

Rạng danh ra-đa Việt Nam sánh tầm thế giới

Kiểm chứng thực tế từ năm 2018 tới nay cho thấy, đài ra-đa cảnh giới biển tầm trung hoạt động tốt, có tính năng chiến - kỹ thuật hiện đại, đảm bảo đưa vào trang bị cho đường bờ biển Việt Nam, giúp phủ kín trường quan sát, củng cố khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Công trình làm chủ hoàn toàn về mặt công nghệ và tối đa nội địa hóa trong sản xuất nên giá thành chế tạo thấp hơn các sản phẩm có tính năng tương đương của nước ngoài. Việc triển khai loạt đài ra-đa cảnh giới biển tầm trung sẽ thay thế các đài ra-đa đã cũ, giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng so với việc nhập khẩu toàn bộ từ nước ngoài.

Ngoài ra, việc làm chủ nền tảng của ra-đa này giúp quân đội Việt Nam tự chủ trang bị để có thể sản xuất các dòng ra-đa biển khác nhau, góp phần đưa lực lượng Hải Quân Nhân dân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại, khẳng định vị thế khoa học (lĩnh vực công nghiệp quốc phòng) trong khu vực và trên thế giới. Theo báo cáo Tổng quan lực lượng Quân sự thế giới 2020 của Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS, Vương quốc Anh), Viettel là một trong những doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị quốc phòng mới và tiêu biểu của khu vực châu Á, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào phát triển các sản phẩm quân sự, trong đó có ra-đa.

2

Sản phẩm ra-đa của VHT được áp dụng các công nghệ mới nhất trên thế giới hiện nay với đa dạng về chủng loại Ra đa 2D, 3D thuộc các thế hệ thứ 2, 3, 4.

Đến nay, các sản phẩm ra đa do VHT nghiên cứu phát triển đã đạt được những thành tựu mới, với đa dạng về chủng loại Ra đa 2D, 3D thuộc các thế hệ thứ 2, 3, 4, nhằm thực hiện các nhiệm vụ cảnh giới, phát hiện các mục tiêu phục vụ nhiệm vụ chiến đấu của Quân chủng Phòng không không quân và Quân chủng Hải Quân. Sản phẩm ra-đa của VHT được áp dụng các công nghệ mới nhất trên thế giới hiện nay như: công nghệ số hóa trực tiếp cao tần; công nghệ ăng-ten mảng pha quét búp sóng điện tử chủ động; công nghệ thu phát và xử lý tín hiệu điều tần tuyến tính liên tục; ứng dụng AI trong bài toán xử lý, hiển thị mục tiêu và nhiễu… Đó là quả ngọt được kết trái từ những nỗ lực và trí tuệ của đội ngũ nghiên cứu phát triển ra đa của VHT.

3

Công trình đạt giải Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ là quả ngọt được kết trái từ những nỗ lực và trí tuệ của đội ngũ nghiên cứu phát triển ra đa của VHT.

  • 113
  • 0 bình luận
  • 0