Linh hoạt, an toàn, chính xác và giá thành phù hợp là những từ khóa mô tả về 2 thành tựu công nghệ của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Trong đó, thiết bị viễn thông 5G do Viettel nghiên cứu, phát triển với nhiều thứ “lần đầu thế giới”. Công nghệ đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng viễn thông cũng đem lại tính năng vượt trội so với giải pháp thương mại.
Hợp tác và tự chủ - chinh phục công nghệ theo cách của người lính
Năm 2017, Viettel lần đầu công bố chế tạo thành công hệ thống tính cước thời gian thực vOCS. Thiết bị đóng vai trò “trái tim” của mạng viễn thông này cũng chứa đựng sáng chế của Viettel được bảo hộ độc quyền tại Mỹ giúp năng lực xử lý, tính toán tăng gấp 5 lần hệ thống tương đương, giảm chi phí đầu tư phần cứng xuống còn một nửa.
Viettel trở thành trường hợp đầu tiên trên thế giới vừa là nhà khai thác dịch vụ viễn thông (operator), vừa sản xuất thiết bị (vendor). Làm chủ được vOCS, Viettel có thể độc lập phát triển các dịch vụ trên nền hạ tầng viễn thông, không phụ thuộc vendor như nhà mạng khác. Thành tựu mở đường để Viettel tiếp tục theo đuổi nghiên cứu, chế tạo thành công toàn bộ thành phần mạng 4G và chinh phục 5G.
Tháng 3/2023, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cùng với hãng Qualcomm công bố nghiên cứu, sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset (bộ điều khiển lõi - PV) ASIC theo tiêu chuẩn Open RAN. Sự kiện thu hút sự quan tâm lớn của tại sự kiện Hội nghị Di động Toàn cầu (MWC) 2023 – sự kiện gặp gỡ B2B lớn nhất thế giới của ngành viễn thông. Một sản phẩm nhưng mở ra cơ hội thay đổi ngành công nghiệp sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông, xóa bỏ sự lệ thuộc vào chipset độc quyền của vendor trên thế giới. Lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang Ấn Độ tháng 12/2023 là tín hiệu khẳng định tiềm năng thương mại hóa sản phẩm.
Lựa chọn nền tảng chuẩn mở OpenRAN, thiết bị 5G của Viettel có khả năng tích hợp chéo với các phần tử mạng của các nhà cung cấp khác nhau. Giải pháp linh hoạt này giúp các nhà mạng triển khai mạng 5G với tốc độ cao, vùng phủ rộng, độ trễ thấp trong khi đó vẫn duy trì được chi phí đầu tư (CAPEX) và vận hành (OPEX) ở mức hợp lý.
Lợi thế làm chủ công nghệ lõi
Làm chủ công nghệ lõi viễn thông đã giúp Viettel năng lực tự chủ ứng phó với các tình huống đặc biệt. Đầu năm 2023, khách hàng sử dụng điện thoại di động bất ngờ nhận được khối lượng lớn tin rác quảng cáo gây phiền nhiễu, thậm chí lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bộ TT&TT lập tức yêu cầu Viettel làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Các kỹ sư Viettel nhanh chóng xác định thủ đoạn tội phạm mới sử dụng thiết bị làm giả trạm phát sóng (BTS) để phát tán tin nhắn vào các thuê bao di động. Để tránh truy vết, đối tượng liên tục di chuyển, thay đổi tần số, công suất phát nhằm tránh bị phát hiện.
“Thủ đoạn tinh vi khiến 10 trạm BTS giả có thể “trông” như hàng nghìn trạm đang hoạt động, gây khó khăn cho đội ngũ giám sát”, anh Đinh Văn Doanh, Trưởng phòng Tối ưu Vô tuyến - Trung tâm Kỹ thuật Toàn cầu - TCT Mạng lưới Viettel, cho biết.
Quyết tâm “chiến đấu”, ban lãnh đạo Viettel Networks cùng đội chuyên gia do anh Doanh phụ trách gấp rút nghiên cứu, tìm nguyên nhân gốc và phương án khắc phục. Khi đó, một số đối tác cũng chào bán giải pháp phòng chống tội phạm tương tự. Tuy nhiên, thời gian để phát hiện trạm BTS giả lên đến 15 phút không hiệu quả. Người Viettel quyết tâm nghiên cứu cách riêng.
Gấp rút “chiến đấu” 1 tuần, anh Doanh và các đồng nghiệp hoàn thành giải pháp truy vết và phát hiện trạm BTS giả của riêng Viettel. Thời gian phát hiện và xử lý chỉ từ 1 – 2 phút, thấp hơn nhiều so với 15 phút của các sản phẩm thương mại. Chi phí đầu tư cũng chỉ cần máy chủ khoảng 400 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với triển khai giải pháp 161 tỷ đồng do đối tác chào bán.
Triển khai trên mạng lưới, Viettel nhanh chóng phát hiện các trạm BTS giả, ngăn chặn hơn 20 triệu tin nhắn rác của các đối tượng phát đi. Kết quả của hệ thống cũng phối hợp hỗ trợ lực lượng chức năng xử lý tội phạm. Áp dụng thành công, giải pháp này cũng được Viettel chia sẻ cùng Vinaphone, MobiFone cùng khai thác.
Làm nhiều hơn để đi nhanh hơn
Chia sẻ về nguồn lực nghiên cứu 5G, anh Hoàng Đinh Hải Truyền, Giám đốc Trung tâm Viễn thông Băng rộng (VTBR) - TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, cho biết quân số tham gia của Viettel khoảng 150 người – chỉ bằng 1% so với bộ phận có chức năng tương tự tại các vendor khác (5.000 – 10.000 nhân sự). Hơn nữa, Viettel chọn phát triển cả 3 nền tảng lớn song song của Qualcomm, Intel, AMD. Cách tiếp cận đòi hỏi nhiều công sức nghiên cứu, nhưng cho phép sản phẩm 5G của Viettel sự cân bằng bởi công nghệ nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu.
“Lợi thế đặc biệt của Viettel so với các nhà phát triển khác là có hạ tầng mạng lưới thử nghiệm. Tuy nhiên kỳ vọng sản phẩm có tiêu chuẩn tương đương các hãng khác với giá thành cạnh tranh, Viettel bắt buộc phải làm nhiều hơn, nhanh hơn theo cách riêng của mình”, Giám đốc Trung tâm VTBR, cho biết.
Chia sẻ quan điểm này, Trưởng phòng Tối ưu Vô tuyến Viettel Networks, cho biết để có được giải pháp phát hiện và xử lý trạm BTS giả, anh và các đồng nghiệp phải làm việc liên tục “bất kể ngày đêm” kể từ khi nhận nhiệm vụ. Bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng, vì “màu cờ sắc áo” thương hiệu là động lực để chạy đua với thời gian để chiến đấu với tội phạm. Trong 1 tuần nghiên cứu giải pháp, cũng có những thời điểm mệt mỏi, thách thức ý chí, nhưng bản lĩnh người lính đã chiến thắng.
“Cũng có lúc tinh thần của cả nhóm đi xuống, cũng có người thấy nản. Tôi nghĩ không thể thua những đối tượng đó được, vì người thân mình cũng có thể trở thành nạn nhân của tin nhắn lừa đảo”, Đinh Văn Doanh cho biết.