Tác giả Hà Thành (trưởng ban Truyền thông Tập đoàn Viettel)
------------------------
Trường Sa ơi, mai tàu rời bến
Ta lại về phố thị thân thương
Vòng tay ấm, bao chuyện buồn vui
Biển dẫu yên, lòng ta xao động
Được đi nhiều nhưng chưa có chuyến đi nào để lại nhiều cảm xúc trong tôi đến vậy!
Về đất liền rồi mà lòng vẫn còn chênh chao với biển, với đảo.
“10 ngày không deadline, không mạng xã hội bắt đầu”. Đấy là dòng đầu tiên tôi viết trong cuốn nhật ký Trường Sa của mình. Chuyến đi mơ ước và mong đợi đã từ rất lâu, nhưng thực ra, tôi không có nhiều thời gian chuẩn bị. Phải hoàn tất nhiều việc, phải bàn giao nhiều thứ khiến phút cuối cùng trước khi lên đường vẫn là những cuộc họp và các văn bản cần phê duyệt.
15h chiều ngày 19/4 tàu Kiểm ngư KN 491 chở hơn 200 con người của đoàn công tác Trường Sa số 4 dần dần rời cảng quốc tế Cam Ranh, bắt đầu chuyến hải trình dài gần 2.000 km.
Con tàu dài 90,5m, rộng 14m có lượng giãn nước lên đến 2.200 tấn, với tầm hoạt động 5.000 hải lý hụ lên 3 tiếng còi gửi lời chào đất mẹ.
Lúc ấy, cảm giác của sự mênh mông của biển, hoang mang trước chuyến hải trình dài mới thực sự bắt đầu.
Ai đó đã nói rằng, con tàu dù to lớn đến đâu thì cũng chỉ như chiếc lá tre trên biển. Mong manh và cô đơn lắm.
Tất cả đổ dồn lên boong tàu ngắm cảnh các chiến sỹ hải quân thực hiện nghi lễ chào đoàn công tác, tạm biệt con tàu. Cả chuyến hành trình, hình ảnh mà tôi luôn thấy xúc động là cảnh các chiến sỹ hải quân đứng nghiêm trang giơ tay chào, mỗi khi tàu hay xuồng của chúng tôi rời đảo. Tôi nhớ nhất là cái đêm chia tay ở Trường Sa lớn. Quân và dân trên đảo đều dồn ra bến cảng để chào tàu. Những người lính không thể ra được thì dùng đèn chiếu sáng nhấp nháy và gọi điện cho chúng tôi để gửi lời chào. Khi con tàu đã đi rất xa, vẫn còn thấy những ánh sáng đèn nhấp nháy. Nhưng xúc động nhất lại là hình ảnh chia tay ở các đảo chìm. Giữa trời nắng gắt, các chiến sỹ mặc giúp chúng tôi từng chiếc áo phao, chào từng chiếc xuồng rời cảng, đưa đoàn chúng tôi trở lại tàu đầy bịn rịn. Trên điện thoại của mình, tôi đã ghi lại rất nhiều hình ảnh ấy. Những hình ảnh thật ấm áp, thật thiết tha.
Đ/c Nguyễn Hà Thành và đoàn công tác làm việc vs CBCS Trạm Rada Song Tử Tây.
Con tàu lớn rồi cũng nhanh chóng ra tới cửa biển. Chúng tôi tranh thủ liên lạc về đất liền khi còn có thể kết nối bằng điện thoại.
100km là khoảng cách xa nhất mà các nhà kỹ thuật của Viettel nghiên cứu tìm ra giải pháp để có thể phủ xa ra biển. Gấp gần 3 lần thiết kế thông thường của một trạm BTS. Nhưng, khoảng cách đó cũng chỉ kéo dài vài giờ. Quãng đường ra tới điểm đảo đầu tiên dài gấp 6 lần như thế. Nghĩa là còn hơn 30 tiếng, chúng tôi sẽ không thể liên lạc về đất liền theo cách thông thường. Và đó cũng là cách để tôi có thể tạm rời xa công việc hàng ngày, rời xa thói quen lướt mạng. Những tưởng sẽ khó khăn lắm nhưng hóa ra không phải. Suốt chuyến hải trình, nhiều hoạt động được tổ chức rất ý nghĩa. Chúng tôi được nghe giới thiệu về từng hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa; được thi tìm hiểu về biển, đảo; được tham gia trại sáng tác về biển đảo. Và một sự kiện vô cùng ý nghĩa, đó là lễ tưởng niệm các chiến sỹ Gạc Ma. Tôi đã nghe nhiều người kể về nghi lễ đặc biệt trên biển khi đi qua vùng đảo Cô lin – Gạc Ma. Nhưng có được trực tiếp tham gia, ở ngay cái nơi mà các anh đã anh quả cảm quyết tâm giữ đảo và anh dũng hy sinh, mới thấy mình thật nhỏ bé, thật cảm phục các anh. Từng cánh hoa được mỗi người trong đoàn công tác thả xuống biển, tôi tin rằng, trong đó chất chứa tâm sự của mỗi người, nhưng chắc chắn, không thể thiếu lời hứa với các anh sẽ góp phần giữ gìn quê hương, đất nước, giữ gìn vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.
Và thật tự hào, giờ đây ngoài sóng viễn thông, Viettel đã trang bị cả các đài rada cảnh giới tầm trung made by Viettel, một con mắt thần canh trời, giữ biển. Các đài ra da này có khả năng nhận diện, phân loại và xử lý tín hiệu, phát hiện mục tiêu mặt nước trong môi trường nhiễu; có khả năng tự động nhận diện, phát hiện và cảnh báo mục tiêu di chuyển bất thường. Các trang thiết bị này có tính năng chiến – kỹ thuật tiên tiến, hiện đại so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu, phù hợp với nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu của Quân đội như khả năng làm việc trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, tính bảo mật cao, công tác bảo đảm kỹ thuật, bảo hành, bảo trì nhanh và hiệu quả.
Ảnh chụp với đc Nguyễn Hoàng Thông - Đài trưởng Radar Song Tử Tây
Sau 36h lênh đênh trên biển, Đoàn công tác Trường Sa số 4 đã đặt chân đến Song Tử Tây – đảo đầu tiên trong chuyến hải trình tới 9 đảo và 1 nhà giàn.
Nhìn thấy đảo thì cũng là nhìn thấy cột phát sóng Viettel. Thực ra, chưa thấy đảo là đã thấy sóng Viettel.
3h sáng, khi cả tàu còn chìm trong giấc ngủ, những tín hiệu đầu tiên của sự kết nối đã bắt đầu vang lên.
Sau hơn 30h mất thông tin liên lạc, những tin báo ấy thật có sức hấp dẫn lạ thường. Bởi thế mà, trong suốt chuyến hải trình, ban đêm trong lúc mọi người say ngủ, con tàu vẫn cần mẫn đưa chúng tôi vượt trùng khơi đến với đảo. Vì thế, mỗi ban mai trở dậy, lên boong tàu ngắm bình minh và kết nối về đất liền là sự háo hức của bất cứ thành viên nào trong đoàn.
Nhưng với riêng đoàn Viettel chúng tôi, nhìn thấy cột phát sóng sừng sững trên đảo còn như nhìn thấy đồng chí, đồng đội, như nhìn thấy nhà mình, thân thương đến lạ. NSND, Đạo diễn Việt Hương, người từng 10 năm trước đã tới Trường Sa nói với chúng tôi, “cột phát sóng Viettel như là một người chiến sỹ thầm lặng, cùng góp phần canh giữ biển đảo”.
Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy vùng 4 Hải Quân cho biết: “Sóng điện thoại là kênh thông tin quan trọng trong chỉ huy tác chiến và trong cuộc sống đời thường, góp phần động viện CB, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo chắc tay súng, yên tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Chúng tôi, những người Viettel thật tự hào trước những lời nhận xét ấy nhưng cũng thấy được trọng trách của chính mình.
Để phủ sóng biển đảo, các chuyên gia của Viettel đã phải mất 1 năm trời tìm giải pháp phát sóng xa. Theo thiết kế, một trạm phát sóng có thể phát xa 35km. Nhưng chuyên gia của Viettel đã tìm ra giải pháp phát xa tới 100 km. Có giải pháp rồi, họ lại phải lênh đênh trên biển rất nhiều tháng để khảo sát, tìm vị trí lắp đặt trạm. Các đảo nổi đã khó thì với đảo chìm, hạn chế về vị trí, thách thức còn lớn hơn rất nhiều. Thậm chí, nhiều vị trí đảo phải dùng giải pháp tiếp sóng từ đảo lân cận. Chi phí để xây dựng một trạm BTS phát sóng biển đảo cũng cao gấp nhiều lần so với thông thường.
Ảnh chụp với CBCS Trạm Ra-đa Trường Sa lớn.
Hiện tại ở Trường Sa, toàn bộ 21 đảo với 33 điểm đảo và khu vực nhà giàn, mỏ Hàm Rồng đều đã có sóng Viettel.
Trước kia, thông tin liên lạc tại các điểm đảo chỉ là các máy thông tin quân sự sóng ngắn. Chỉ một vài đảo lớn mới được trang bị máy điện thoại VSAT, và hầu hết cũng chỉ sử dụng vào mục đích thông tin quân sự. Điện thoại về nhà 2 phút là phần thưởng quý nhất đối với cán bộ chiến sĩ có thành tích thi đua cao nhất trong tháng. Giờ đây, chiến sỹ ở Trường Sa mỗi ngày đều có thể kết nối với người thân.
Trung úy Vũ Văn Toàn, nhân viên thông tin đảo An Bang kể cho chúng tôi về cuộc điện thoại ngày 14/2. Do đang làm nhiệm vụ, anh không được cầm điện thoại theo nên đã để lỡ 17 cuộc gọi từ mẹ để báo bố vừa qua đời. Vì dịch bệnh, vì nhiệm vụ, anh đã không thể về quê chịu tang bố. Nhưng anh bảo, nếu là ngày xưa, chắc 6 tháng hoặc 1 năm em mới biết tin, dù buồn, nhưng biết tin sớm cũng là một điều an ủi, có đồng đội bên cạnh, cùng anh báo hiếu từ xa khiến anh cũng ấm lòng.
Chuyến đi này, chúng tôi đến được tất cả các đảo lớn là Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa lớn. Những đảo này có dân sinh sống. Khi hỏi thăm, người dân ở đây đều nói không có cảm giác xa đất liền. Bởi hàng ngày, họ đều có thể gọi điện cho người thân của mình, các cháu đều có thể bi bô nói chuyện với ông, bà.
Thiếu tá Đỗ Tiến Dũng, nhân viên thông tin đảo Đá Lớn B thì ví, có kết nối viễn thông ở đảo giống như là có điện về làng vậy. Có thể kết nối về đất liền là một động lực rất lớn với cán bộ, chiến sỹ, giúp vơi đi nỗi nhớ nhà. Trường Sa không còn xa nữa.
Đại úy Bùi Minh Toàn nhân viên thông tin đảo Song Tử Tây kể về trận bão lớn chưa từng có xảy ra năm 2020. Bão giật cấp 17 quần thảo trên đảo hơn 1 giờ đồng. 90% cây xanh trên đảo bị quật ngã. Rất may, trạm phát sóng Viettel vẫn kiên cường trước bão. Thế là đảo vẫn có thể kết nối về sở chỉ huy, cập nhật tình hình và nhận nhiệm vụ. Trong nguy nan, chỉ một cuộc điện thoại từ đất liền là sự an ủi và niềm tin rất lớn đối với cán bộ, chỉ huy và chiến sỹ trên đảo.
Viettel thường xuyên nghiên cứu, tìm ra các công nghệ mới để áp dụng cho các trạm tại khu vực này, để tăng tuổi thọ, tính bền vững của mạng lưới và đảm bảo đáp ứng điều kiện thời thời tiết khắc nghiệt ở Trường Sa. Trung tá Nguyễn Vũ Trà My- Giám đốc KV2, Tổng Công ty Viettel Network cho biết Viettel sẽ thay thế cột phát sóng sang loại cột carbon nhằm tránh bị muối biển ăn mòn và tăng tuổi thọ; sử dụng máy phát điện chuyên dụng cho khung vực biển đảo; sử dụng tủ minishelter bằng vật liệu chống ăn mòn; sử dụng công nghệ nano lên các bọ mạch thiết bị. Ngoài ra, các thiết bị thay thế, dự phòng, Viettel cũng luôn bố trí gấp đôi để đảm bảo có thể thay thế bất kỳ lúc nào.
Trung tá Nguyễn Huy Dũng, PTGĐ Tcty Công trình Viettel cho biết, anh em kỹ thuật trên đảo cũng được đào tạo để làm chủ được thiết bị và xử lý được các tình huống. Hàng năm, các chuyên gia của Viettel cũng phải dành 4 tháng đi tới tất cả các điểm đảo để thực hiện việc duy trì bảo dưỡng toàn bộ hạ tầng mạng lưới tại Trường Sa. Tổng chi phí lên đến 15 tỷ đồng.
Chuyến hải trình dài 9 ngày rồi cũng kết thúc. Những cuộc gọi, những dòng tin nhắn từ đảo xa vẫn hàng ngày gửi về khiến Trường Sa vẫn như đang ở bên tôi. Quả thật, Trường Sa không hề xa.
Chúng tôi về bờ, thì chuyến tàu đi bảo dưỡng nhà trạm của các chuyên gia Viettel cũng rời bến. Họ mang theo hơn 40 tấn thiết bị, sẽ lênh đênh trên biển 4 tháng trời để đảm bảo kết nối thông suốt cho Trường Sa thân yêu, góp phần cùng canh gác, bảo vệ đất nước nơi tiền tiêu.
Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa! Những lời ca của đoàn văn công ra phục vụ quân dân huyện đảo cứ văng vẳng bên tai tôi. 10 ngày ngắn ngủi nhưng thật ý nghĩa, một kỷ niệm không thể nào quên trong đời.