E-Megazine
Dấu ấn Viettel 2022
Viettel Family Lv.1
Đối với người Viettel, năm 2022 là năm rất đặc biệt. Cơ hội dồn dập đến từ khát khao hồi phục sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch COVID. Thách thức cũng bủa vây bởi những khủng hoảng địa chính trị, năng lượng và kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, người Viettel vẫn tìm cho mình lối đi riêng, vượt qua thách thức trước mắt, đặt nền tảng cho tương lai bền vững.

Dấu ấn Viettel năm 2022 có những điều là thành tựu của nhiều thế hệ đi trước đến bây giờ mới gặt hái, có những điều sẽ mở ra tương lai cho 10 - 20 năm sau. Nhưng tất cả đều hội tụ một điểm: Giải những bài toán, vấn đề chiến lược của đất nước, của dân tộc Việt Nam. Từ chuyển giao thế hệ lãnh đạo, hoàn thành dự án vũ khí chiến lược, phát triển thị trường viễn thông, kiến tạo hạ tầng số, kinh tế số, xã hội số… tầm vóc và sự ảnh hưởng tác động đến hàng triệu người trên phạm vi toàn cầu.

Quan trọng hơn, đằng sau những con số, sự kiện, chúng ta đều cảm nhận được đó là niềm tin của Đảng, Chính phủ và nhân dân dành cho một tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước.

2 dau-an 2

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Đại tá Tào Đức Thắng chính thức điều hành hoạt động của Viettel từ ngày 1/1/2022 trên cương vị Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn thay cho Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nghỉ hưu theo chế độ.

Đại tá Tào Đức Thắng cam kết luôn giữ vững tinh thần tiên phong, duy trì vị thế số 1, tiếp tục hiện thực hóa khát vọng của các thế hệ đi trước, đồng thời mở ra hướng phát triển mới cho Viettel.

Cùng thời gian này, Quân ủy Trung ương chuẩn y đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam giữ chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn. Tiếp đó, Thượng tá Đào Xuân Vũ được trao quyết định bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn. Trong năm, Viettel cũng kiện toàn mô hình tổ chức các cơ quan, đơn vị và bổ nhiệm nhiều lãnh đạo, cán bộ quản lý trẻ.

2 dau an 3

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Kinh tế TW, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và nhiều đoàn đại biểu lãnh đạo Bộ, Ban, ngành, cơ quan TW, địa phương đã đến thăm, làm việc với Viettel.

Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tin tưởng Viettel và giao nhiều nhiệm vụ, trọng trách mới như nghiên cứu, sản xuất chip; giữ vai trò trung gian thanh toán chuyển mạch và bù trừ điện tử; tham gia tích cực vào chuyển đổi năng lượng xanh, chuyển đổi số, nghiên cứu sản xuất công nghệ cao.

Thông qua các buổi làm việc với Thủ tướng và lãnh đạo Bộ, Ban, ngành, Tập đoàn đã được hỗ trợ, tháo gỡ nhiều cơ chế, chính sách quan trọng trong giai đoạn phát triển tới. Nổi bật phải kể tới cơ chế sử dụng nguồn vốn ngân sách 30% lợi nhuận sau thuế; chiến lược, đề án tái cơ cấu của Tập đoàn giai đoạn 2021-2025 hay cơ chế tiền lương công ty Mẹ…

Trong năm, Viettel vinh dự đón nhiều đoàn khách quốc tế là lãnh đạo cấp cao các quốc gia như Chủ tịch Quốc hội Mozambique, Campuchia, Phó Thủ tướng Lào; Đại sứ các nước Hoa Kỳ, Mozambique, Cuba, Ai Cập, Angola; lãnh đạo các Tập đoàn Nokia, Nvidia, Intel, Google, Cisco, Thales…

2 dau an 4

Chương trình thực tập sinh tài năng - Viettel Digital Talent năm 2022 đã thu hút gần 1.000 hồ sơ ứng tuyển, tuyển chọn 115 thực tập sinh ở giai đoạn đào tạo và 70 thực tập sinh tham gia dự án thực tế với sự kèm cặp, đồng hành của các chuyên gia ngay trong Viettel.

Năm nay, các thực tập sinh đã đóng góp hơn 65 sáng kiến, ý tưởng mới cho các dự án của Tập đoàn. Con số này gấp 3 lần Viettel Digital Talent mùa đầu tiên, năm 2021. Kết thúc chương trình, 45 ứng viên xuất sắc đã được tuyển dụng chính thức vào Viettel.

Đây không chỉ là chương trình tìm kiếm, đào tạo nhân sự  trẻ cho Viettel mà xuất phát từ mong muốn phát triển nhân tài công nghệ cao cho đất nước, phục vụ chuyển đổi số và xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

2 dau an 5

Viettel là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công chương trình tắt mạng 3G diện rộng trên toàn quốc với quy mô 35.000 trạm. So với thế giới, Viettel là một trong số ít nhà mạng tiên phong triển khai tắt mạng 3G với quy trình bài bản và chuyên nghiệp. Chất lượng mạng và trải nghiệm dịch vụ khách hàng sau khi tắt vẫn duy trì ổn định và hiệu quả tăng trưởng.

Nỗ lực tắt trạm 3G giúp Viettel đơn giản hóa mạng lưới, tối ưu hạ tầng phục vụ phát triển công nghệ mới, tối ưu chi phí vận hành khai thác, bổ sung tài nguyên tần số cho mạng 4G để nâng cao chất lượng dịch vụ trong bối cảnh lưu lượng và thuê bao data 4G ngày càng lớn - 40,65 triệu, chiếm 75% tổng số thuê bao toàn mạng.

Viettel cũng triển khai tắt mạng 3G tại các quốc gia đang đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung ưu tiên trước ở các thị trường châu Á.

2 dau an 6

Bứt phá trong thị trường truyền hình số, TV360 - ứng dụng do Viettel phát triển đã đạt con số 10 triệu người dùng hàng tháng và vươn lên số 1 về ứng dụng OTT truyền hình của Việt Nam với 44% thị phần. Như vậy, chỉ sau hơn 1 năm chính thức ra mắt, TV360 đã vượt xa về thị phần so với các nhà cung cấp dịch vụ OTT truyền hình tại Việt Nam.

Hoạt động đa nền tảng, kho nội dung của TV360 gồm 160 kênh và có thế mạnh vượt trội về hạ tầng mạng lưới giúp tốc độ truyền cực nhanh, kể cả khi streaming với độ phân giải cao nhất.

2 dau an 7

Tháng 10/2022, Viettel Money là đại diện duy nhất của Việt Nam trở thành Quán quân giải thưởng Excellence Awards 2022 của TM Forum, hạng mục “Vươn tầm kết nối” (Beyond Connectivity).

Viettel Money đã chứng minh sức ảnh hưởng trong làn sóng chuyển đối số, kinh tế số khi xóa bỏ mọi rào cản về địa lý công nghệ, tiên phong phổ cập tài chính số với sứ mệnh “Ở đâu có sóng viễn thông, ở đó có hạ tầng và dịch vụ số”.

Năm 2022 cũng là năm Viettel sở hữu số lượng lớn giải thưởng trong nước và quốc tế. Tại IT World Awards, Viettel giành nhiều giải nhất thế giới khi được vinh danh tại 37 hạng mục. Cùng với đó là hàng loạt danh hiệu, giải thưởng lớn, uy tín như Sao Khuê, Vietnam Digital Awards, Smart City Award, Cybersecurity Excellence Award, Stevie Awards, AI City Challenge, Pwn2Own 2022, thương hiệu tuyển dụng hấp dẫn nhất, nơi làm việc tốt nhất dành cho nhân sự châu Á…

2 dau an 8

Doanh thu đầu tư quốc tế của Viettel năm 2022 là 1,54 tỷ USD, đạt 106% kế hoạch. Doanh thu dịch vụ viễn thông nước ngoài lần đầu tiên trong lịch sử cán mốc gần 3 tỷ USD, tăng trưởng gần 21%, giữ vững mức tăng 2 con số trong 6 năm liên tiếp, cao hơn 5 lần mức tăng trưởng trung bình trên thế giới và đang tiệm cận với doanh thu dịch vụ viễn thông trong nước.

Mức tăng trưởng dịch vụ tài chính điện tử của các thị trường nước ngoài là 85%, gấp 6,5 lần mức bình quân thế giới. Tốc độ tăng trưởng về thuê bao ví điện tử là 71%, cao gấp 6 lần so với tốc độ trung bình của thế giới.

Lợi nhuận trước thuế là gần 188 triệu USD, đạt 130% kế hoạch. Đặc biệt, dòng tiền về nước là gần 500 triệu USD, cao nhất từ trước tới nay. Riêng với thị trường Peru, dòng tiền chuyển về nước của Bitel đạt 202,5 triệu USD, cao kỷ lục nhất từ trước đến nay.

Viettel đang giữ vị trí số 1 tại Lào, Campuchia, Myanmar, Đông Timor và Burundi. Các thị trường châu Á có bước tăng trưởng đột phá về thuê bao cố định băng rộng. Tại châu Phi, Viettel dẫn đầu về tăng trưởng thuê bao di động.

2 dau an 9

Ngày 14/10, Viettel Cloud ra mắt và trở thành nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đa dạng nhất Việt Nam. Viettel Cloud đảm bảo toàn trình các cấu phần của một hệ sinh thái cloud, gồm: Hạ tầng - Nền tảng - Ứng dụng - Tư vấn, triển khai, vận hành - Trung tâm dữ liệu.

Tại sự kiện, Viettel cam kết sẽ hoàn thành mục tiêu mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một kho lưu trữ dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây đặt tại Việt Nam, do người Việt Nam nghiên cứu, triển khai, quản lý vận hành và đảm bảo an toàn thông tin.

Điện toán đám mây và hạ tầng mạng 5G là hạ tầng của nền kinh tế số. Đây là minh chứng khẳng định Viettel tiếp tục là doanh nghiệp tiên phong, chủ lực góp phần kiến tạo xã hội số tại Việt Nam.

2 dau an 10

Theo quyết định của Thủ tướng, Tổng Công ty Sản xuất thiết bị Viettel (VMC) - tổng công ty thứ 9, được thành lập trên cơ sở hợp nhất của Công ty Thông tin M1 và Công ty Thông tin M3.

Ngày 15/10, VMC đã chính thức ra mắt, giúp Viettel hoàn thiện mô hình trở thành hạt nhân tổ hợp quốc phòng công nghệ cao, tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất thiết bị với các sản phẩm Make in Vietnam xuất khẩu ra thị trường lớn trên thế giới.

2 dau an 11

Ngày 19/5, 2 công trình của Viettel được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh – giải thưởng cao quý nhất về khoa học, công nghệ. Đó là công trình “Thiết kế, chế tạo ra-đa cảnh giới biển tầm trung trên nền tảng công nghệ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trang bị cho QĐND Việt Nam” và công trình “Nền tảng công nghệ vô tuyến điện quân sự thế hệ mới phục vụ chế tạo, sản xuất trang bị thông tin hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 2 công trình của Viettel là kết quả từ quá trình nghiên cứu, cống hiến trí tuệ và tài năng của đội ngũ tác giả.

Viettel đã được cấp 72 bằng bảo hộ sáng chế ở trong nước và được USPTO cấp 15 bằng bảo hộ sáng chế tại Mỹ. Viettel hiện là doanh nghiệp công nghệ có số lượng đơn đăng ký sáng chế và số bằng sáng chế được cấp hàng năm nhiều nhất tại Việt Nam.

2 dau an 12

Năm 2022, Viettel đã nghiệm thu cấp Bộ Quốc phòng 2 khí tài chiến lược quan trọng với tính năng kỹ chiến thuật ngang tầm sản phẩm thế giới.

Viettel đang làm chủ nghiên cứu, sản xuất hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành trang bị kỹ thuật công nghệ cao để cung cấp cho Quân đội. Mục tiêu của Viettel là đẩy mạnh phát triển các trang bị khí tài chiến lược phục vụ Quốc phòng an ninh; các sản phẩm lưỡng dụng trên nền tảng công nghệ quân sự, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ kết hợp quốc phỏng với kinh tế, văn hóa, xã hội.

2 dau an 13

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022 do Bộ Quốc phòng tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, Viettel có 2 không gian giới thiệu sản phẩm quân sự và dân sự với diện tích trưng bày lớn nhất. Trong suốt thời gian triển lãm, các gian hàng của Viettel luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị trong Quân đội, khoảng 200 đoàn khách quốc tế và hàng chục nghìn lượt tham quan của các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Thông qua sự kiện này, Viettel đã chứng minh năng lực làm chủ trong nghiên cứu, sản xuất và khẳng định những thành tựu về công nghiệp quốc phòng, chuyển đổi số với bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước.

Đặc biệt, trong khuôn khổ triển lãm, Viettel và Tập đoàn UTL (Ấn Độ) đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai thử nghiệm mạng 5G tại Ấn Độ và hợp đồng xuất khẩu thiết bị IP Router sử dụng cho nhà mạng Gwave. Đây là hợp đồng xuất khẩu trang bị công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam sang Ấn Độ. Sự kiện đã gây tiếng vang lớn với hơn 100 tin bài trên các trang báo lớn của thế giới và gần 10 triệu lượt đọc nội dung.

2 dau an 14

Năm 2022, Viettel Construction đã khẳng định vị thế doanh nghiệp khai thác và đầu tư cho thuê hạ tầng viễn thông TowerCo trong và ngoài nước lớn nhất Việt Nam. Hiện, Viettel Construction vận hành khai thác hơn 55.000 trạm BTS của Tập đoàn, đặc biệt sở hữu và cho thuê gần 4.200 trạm BTS, 2 triệu m2 hệ thống DAS tăng cường sóng di động trong tòa nhà, 3.000km truyền dẫn và 16,87MWp năng lượng mặt trời.

Hạ tầng cho thuê do Viettel Construction sở hữu phân bổ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Thanh Hóa… nơi tập trung đông dân cư và nhu cầu tiêu thụ dữ liệu di động ngày càng tăng. Ngoài phục vụ nhu cầu nội bộ, khách hàng sử dụng hạ tầng viễn thông của Viettel Construction còn có nhiều doanh nghiệp khác như Vinaphone, Mobifone, Vietnammobile, FPT, CMC, Intercom, Netviet, SCTV, SPT, EVNICT,…

2 du an 17

Kết thúc năm 2022, tất cả các chỉ số kinh doanh chính của Tập đoàn đều đạt và vượt so với kế hoạch. Doanh thu hợp nhất 163,8 nghìn tỷ, tăng trưởng 6,1%. Lợi nhuận đạt 43,1 nghìn tỷ, tăng trưởng 3%. Nộp ngân sách nhà nước 38 nghìn tỷ, hoàn thành 101,2% kế hoạch năm.

Nổi bật trong bức tranh SXKD của Tập đoàn là doanh thu dịch vụ viễn thông trong nước tăng trưởng 2,7%, tiếp tục dẫn đầu về thị phần thuê bao di động với 54,5%. Số lượng người dân dùng Internet di động tăng gấp 2 lần trong vòng 3 năm.

Năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp Viettel duy trì vị thế thương hiệu giá trị nhất Việt Nam với mức định giá 8,8 tỷ USD theo công bố của Brand Finance. Thương hiệu Viettel được định giá cao gấp 3 lần hai thương hiệu lần lượt đứng thứ hai và thứ ba (khoảng 2,8 tỷ USD) trên bảng xếp hạng Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.

  • 165
  • 0 bình luận
  • 0