E-Megazine
Muốn hùng cường, phải tham gia vào cuộc chơi về chíp trên toàn cầu
Viettel Family Lv.1
Khối nghiên cứu sản xuất (NCSX) trong năm 2022 ghi dấu bằng những hoạt động mang tính chiến lược và hiệu quả. Lần đầu tiên, bức tranh toàn cảnh cho chiến lược chinh phục khoa học – công nghệ Viettel hiện ra tường minh, sắc nét với những mảng màu tươi sáng. “Tư lệnh ngành” của khối NCSX – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nguyễn Đình Chiến – chia sẻ dấu ấn về sự trưởng thành đặc biệt của Viettel khi nhận được sự tin tưởng của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng trong phụng sự dân tộc, phụng sự đất nước.

- Phó Tổng giám đốc đánh giá như thế nào về những sự kiện lớn trong năm 2022 của khối Nghiên cứu sản xuất?

Khối NCSX năm nay đã có những sự kiện chiến lược, mang đến những nền tảng chắc chắn cho các năm tiếp theo.

Thứ nhất, về dự án chiến lược công nghệ cao, trước đây, chỉ cần thử nghiệm thành công là chúng ta coi là thành tựu. Năm nay, chúng ta cơ bản đã hoàn thành dự án của Bộ Chính trị, Chính phủ và Quân ủy Trung ương đề ra. Sản phẩm vũ khí công nghệ cao trọng điểm được nghiệm thu với đầy đủ tính năng, sẵn sàng sản xuất cung cấp cho quân đội.

Thứ hai, Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao cho Viettel đề án trọng điểm của quốc gia về vũ khí chiến lược trong lĩnh vực NCSX với tầm nhìn đến 2035. Việc này thể hiện sự tin tưởng, ghi nhận rất lớn của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng dành cho những nỗ lực bền bỉ của Viettel trong hơn 10 năm tham gia lĩnh vực này.

Thứ ba, chúng ta hoàn thiện về tổ chức. Viện Hàng không vũ trụ Viettel (VTX) được tái cấu trúc theo mô hình Tổng công ty, thực hiện chuyên môn hóa các loại dòng sản phẩm khác nhau. TCT Công nghiệp Công nghệ cao (VHT) năm nay thành công trong việc xác định hướng đi của mình trong lĩnh vực quân sự và cũng hoàn thành sản xuất 5G để đưa vào thử nghiệm chính thức với số lượng 300 trạm. TCT Sản xuất thiết bị Viettel (VMC) được thành lập với định hướng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Như vậy, chúng ta đã có có bức tranh tổng thể về hướng phát triển lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghệ cao cho nhiều năm tiếp theo, từ hạ tầng viễn thông 5G, nghiên cứu sản xuất Chip tới toàn bộ các sản phẩm quân sự bao gồm “nỏ thần” và vệ tinh đáp ứng nhu cầu của quân đội và đất nước đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Chưa có năm nào chúng ta nhìn rõ một cách toàn diện như vậy.

Bên cạnh đó có những sự kiện chúng ta tham dự và gây được tiếng vang lớn. Đó là sự kiện các trang bị công nghệ cao do Viettel nghiên cứu được tham gia chính thức trong diễn tập lớn nhất của Quân đội với kết quả tốt được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng biểu dương. Đây là môi trường tác chiến khắc nghiệt, và Viettel đã chứng minh được năng lực của mình. Hay như tháng 12 vừa qua Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022, Viettel là doanh nghiệp có khu trưng bày lớn nhất tại sự kiện với 60 sản phẩm thuộc 8 chủng loại vũ khí trang bị kĩ thuật Công nghiệp Quốc phòng công nghệ cao. Ngay triển lãm chúng ta đã kí kết được một số hợp đồng xuất khẩu các thiết bị quân sự và dân sự sang thị trường Ấn Độ, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế trong những năm tiếp theo.

1675041933_36d39d56a57fdcf4bb49ce508116e28e

- Có vẻ như những dấu ấn đều ở tầm chiến lược, vậy có là khoảnh khắc nào khiến anh thấy xúc động khi nhìn về lĩnh vực của mình phụ trách trong năm 2022?

Khoảnh khắc rất đặc biệt khi nhìn chính anh em làm việc, anh nhìn thấy sự trưởng thành. Ngày xưa, Viettel nhận đề tài có khi mất 2 năm để tìm phương án thiết kế. Bây giờ, những nhân sự cấp giám đốc trung tâm, chuyên gia đã tự mình đưa ra phương án thiết kế. Những việc ngày xưa thấy khó kinh khủng bây giờ mình thấy trong tầm tay.

Thứ hai là sự chắc chắn trong công việc của đội ngũ làm nghiên cứu với lực lượng gần 2000 kĩ sư và chuyên gia. Ngày trước, mình mới làm nên không lường trước được các tình huống rủi ro, bây giờ đã có thể dự đoán được và có phương pháp xử lý.

Thứ ba, anh thấy xúc động về sự máu chiến của đội ngũ anh em. Nghiên cứu sản xuất sản phẩm quốc phòng là lĩnh vực nguy hiểm, đòi hỏi sự nghiêm túc, tính bảo mật cao nên rất áp lực. Anh em tập trung toàn tâm toàn ý vào làm việc và không đòi hỏi gì, rất ít người nghỉ việc. Chính sự dấn thân của đội ngũ đã luôn khiến anh cảm thấy tự hào, có thêm được động lực, thậm chí nhiều lúc thăng hoa, cộng hưởng để đột phá, sáng tạo.

- Năm vừa rồi Viettel cũng được tháo gỡ rất nhiều cơ chế chính sách cho lĩnh vực NCSX. Liệu đây có là thành tựu, dấu ấn đáng nói trong 2022 không thưa anh?

Đó cũng là dấu ấn đặc biệt! Xuất phát điểm chính là từ việc chúng ta đã làm cho Chính phủ, Bộ Quốc phòng tin tưởng vào những gì Viettel đang làm. Đây là lĩnh vực rất mới ở Việt Nam, chúng ta phải chứng minh bằng hiện thực. Tiếp theo, Viettel được Bộ Quốc phòng đặt hàng các trang thiết bị kĩ thuật công nghệ cao đến năm 2030 và các năm tiếp theo.

Hơn nữa, chúng ta sẽ tiếp tục phải báo cáo, đề xuất cơ sở tạo hành lang pháp lý cho công nghiệp quốc phòng công nghệ cao phát triển bền vững, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế KHCN để Viettel thuận lợi rút ngắn quá trình phát triển sản phẩm. Chính việc khai mở các chính sách cho lĩnh vực này thể hiện được sự tiên phong của Viettel.

1675042042_ffbeaec89c3edebc1aaa2808ce6b9fdd

 

- Chúng ta sẽ thương mại hóa rất nhiều sản phẩm quân sự và dân sự công nghệ cao. Đâu sẽ là những điểm nhấn trên bức tranh này, thưa anh?

Mọi thứ đã có kế hoạch tường minh rồi. Chính phủ và lãnh đạo các Bộ ngành đang đẩy mạnh chủ trương xuất khẩu các sản phẩm. Trong Triển lãm Quốc phòng Quốc tế tổ chức tháng 12/2022, lãnh đạo giao nhiệm vụ cho Viettel cần phải gặp gỡ đối tác nước ngoài, trao đổi giới thiệu sản phẩm. Bài toán kinh doanh không còn là tương lai nữa, hiện tại đã có nhiều đơn đặt hàng rồi.

Tiếp theo, chúng ta đi sau nên sẽ có hướng đi khác biệt so với cách làm truyền thống thế giới. Ví dụ về 5G: với thiết bị hạ tầng Viễn thông 5G, chúng ta không chỉ bán thiết bị đơn thuần mà Viettel sẽ chuyển giao công nghệ lõi 5G. Vì hạ tầng viễn thông tính an ninh quốc gia. Do đó, nếu đối tác hiểu, làm chủ được thì sẽ yên tâm về an ninh của thiết bị. Viettel tất nhiên sẽ đảm bảo chất lượng và giá cả cạnh tranh. Đối tác sẽ tin tưởng với Viettel và kinh doanh phát triển tốt hơn.

Đối với lĩnh vực quân sự, chúng ta sẽ cung cấp thiết bị được Bộ Quốc phòng cho phép theo đơn đặt hàng, nghiên cứu thiết kế, hoặc chuyển giao công nghệ đến các nước. Viettel sẽ phối hợp sản xuất tại các nước vì mỗi nước có nhu cầu tính năng khác nhau, chúng ta năng lực sản xuất nên có thể đi ra thế giới nhờ kinh nghiệm.

Kinh doanh quốc tế có cái hay là phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, đạt chuẩn rồi thì khi tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ có những hợp đồng ổn định và thường lâu dài hàng chục năm.

- Tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ Viettel tham gia phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Theo anh, Viettel có thể tự tin để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này?

Viettel hoàn toàn tự tin nhận với Thủ tướng tham vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Thứ nhất, Viettel đi vào lĩnh vực này sẽ tạo ra sức mạnh mới cho mình. Viettel đã làm về chip 5G rồi và đã có thị trường. Đầu tiên chính là hệ thống hơn 400.000 trạm phát sóng 5G sắp tới sẽ triển khai, là đầu ra đảm bảo cho chiến lược sản xuất chip giai đoạn đầu. Viettel ban đầu sẽ đi theo hướng sản xuất chip không có nhà máy, tức là thiết kế, đặt hàng sản xuất rồi tích hợp vào thiết bị. Viettel đang nghiên cứu về công nghiệp sản xuất Chip. Đội ngũ kỹ sư đang khảo sát các đối tác và các phương án sản xuất để tìm hướng đi phù hợp, dự kiến cuối năm sau sẽ báo cáo kế hoạch thực hiện. Về lâu dài, Việt Nam muốn hùng cường thì chúng ta phải tham gia vào cuộc chơi về chip trên toàn cầu.

- Trong kế hoạch 5 năm 2020 – 2025 của khối NCSX còn có nhiệm vụ phóng thành công vệ tinh của Viettel. Anh đánh giá tiến độ của nhiệm vụ này như thế nào ạ?

Đây là nhiệm vụ rất thách thức. Chi phí sản xuất mỗi vệ tinh loại 300kg có thể quan sát rõ mục tiêu mặt đất hết khoảng 20 – 30 triệu USD. Nếu là thiết bị trên mặt đất, chúng ta thử nghiệm không thành công mang về sửa lại, thử hàng trăm lần không sao. Nhưng vệ tinh bắn lên trời, không thành công là mất luôn.

Viettel mình đã có giải pháp, đề án đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trong đó, Viettel sẽ hợp tác với đối tác nước ngoài để cùng làm và phóng 2 vệ tinh vào năm 2025 và 2026. Về cách làm lâu dài, Viettel sẽ làm chủ những phần liên quan đến thiết bị vô tuyến, radar, thiết bị thông tin, hệ thống điều khiển… đó là nghề của mình. Linh kiện phổ biến sẽ đi mua, sản phẩm hoàn chỉnh sẽ được tích hợp đo kiểm ở Việt Nam.

Song song với phương án hợp tác, Viettel đã chủ động 1 phương án là tự mình chế tạo vệ tinh để thử nghiệm. Quả vệ tinh này nặng khoảng 50 kg, có đầy đủ chức năng, phóng vào đầu năm 2025.

- Nghiên cứu công nghệ cao cần đội ngũ kỹ sư giỏi, công việc áp lực cao mà chính sách thu hút của doanh nghiệp nhà nước chưa theo kịp với thị trường. Nhưng rất nhiều người giỏi đến và ở lại với Viettel. Điều gì tạo sức hút khiến cho mọi người ở lại, thưa anh?

Anh nghĩ nguyên nhân có 2 điều: mọi người được làm việc để phát triển bản thân, cùng với đó là văn hóa Viettel. Mình có môi trường rất tốt cho người làm kĩ thuật được trải nghiệm và cho phép họ thất bại. Ở Viettel, anh em được “luyện” 2 - 3 năm, được tham gia vào dự án, rồi được học hỏi từ những người đi trước. Môi trường lành mạnh, lộ trình thăng tiến rõ ràng, miễn là làm tốt, làm giỏi thì đều được tổ chức xem xét, đánh giá và ghi nhận. Nếu nhìn tổng thể, anh nghĩ giá trị Viettel rất lớn.

- Lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, anh có thể chia sẻ làm nghiên cứu sản xuất công nghệ cao thì áp lực nhất là gì, và anh “xử lý” chúng như thế nào?

Áp lực của anh là cùng Ban Tổng giám đốc phải tự nghĩ ra cách để khối NCSX và Tập đoàn luôn phát triển.

Khi có áp lực rồi, anh đọc sách và đặt câu hỏi. Anh sẽ đặt các câu hỏi tại sao. Tại sao những tổ chức kia phát triển như thế. Sau đó anh đi tìm câu trả lời bằng cách đọc nhiều hơn, cùng một vấn đề nhưng đọc nhiều chiều. Đọc xong phải suy ngẫm, tìm ra được cái cốt yếu rồi vận dụng trong thực tiễn và tiếp tục rút kinh nghiệm để làm tiếp. Đây là quá trình diễn ra liên tục. Anh mong muốn với 1 câu hỏi anh giải quyết nhanh nhất để vận dụng trong công việc và cuộc sống…

1675042384_c9cebda252c2d872e4061eaaf4fa73cc

 

- Nhưng công nghệ thì không bao giờ dừng lại, đội ngũ nghiên cứu thì phải không ngừng cập nhật tri thức, ngoài đọc sách ra thì còn cách nào ạ?

Làm việc là yếu tố quan trọng. Học phải đi đôi với hành, khi hành sẽ ra câu hỏi. Mình phải quan sát và thực hành. Như lĩnh vực quản trị phải đưa vào cuộc sống vận hành rồi kinh nghiệm. Viettel mình rất hay là có cơ hội cho anh em thử thách làm đề tài. Trong thử nghiệm có thất bại, có thành công. Đó là quá trình vừa học vừa tích lũy.

- Trong phát biểu gần đây, anh có chia sẻ chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động và không thể dự báo được. Liệu điều đó có quá đáng sợ không anh?

Anh nghĩ sống trong thế giới như thế mới thú vị. Càng hỗn loạn bao nhiêu, một tổ chức biết quản trị, biết cách ứng xử, biết cách dự báo thì sẽ phát triển nhanh bấy nhiêu.

Thực ra, hỗn loạn là do mình chưa hiểu vận hành của sự vật, hiện tượng, rồi mình rơi vào bị động. Khi mình nhìn thấy bản chất rồi thì không còn sợ hỗn loạn nữa. Như cách Viettel dự báo được sự hỗn loạn là mình liên kết với những công ty hàng đầu về công nghệ. Từ đó, mình nắm bắt được thông tin sớm, có kế hoạch và sẵn sàng vượt qua được khủng hoảng và biến nó thành cơ hội.

- Với tổ chức thì như thế, nhưng với mỗi cá nhân thì anh có lời khuyên nào để cuộc sống bình an hơn?

Đầu tiên là mọi hành động của em đều cần phải vì sự tốt đẹp, vừa cho mình và vừa cho người khác. Anh nghĩ một trong những thứ làm cho xã hội hỗn loạn vì mọi người đang vì mình nhiều quá.

Thứ hai là mình phải chọn tổ chức biết cách quản trị tốt để giảm rủi ro đi. Xã hội hỗn loạn mà quản trị của bộ máy lãnh đạo không tốt thì cá nhân vào đó rất vất vả. Như bây giờ vào Viettel là cơ hội lớn. Trong thời hỗn loạn, Viettel có cơ hội hút người là thế. Mình là tổ chức lớn, vì con người, phục vụ nhân dân, làm công nghệ cao phục vụ đất nước.

Thứ ba là chúng ta phải chủ động nghiên cứu về quản lý khủng hoảng sẽ thấy rõ hơn vấn đề để có cách ứng xử với nó. Anh hay tìm hiểu mặt trái của vấn đề. Mặt tốt thì mọi người thường nghiên cứu rồi. Bên cạnh đó, một trong những nền tảng để vượt qua được khủng hoảng là văn hóa. Văn hóa tốt đẹp chính là gốc để ngăn ngừa khủng hoảng.

- Cảm ơn anh về chia sẻ đặc biệt này!

1675042540_5316976fc1f3e9ea9150f97b2ed608a7

 

  • 245
  • 0 bình luận
  • 0