Go Global
Làm chủ 5G: Hành trình khởi nghiệp, vượt khó vươn lên và trưởng thành
My Vũ Lv.1
Năm 2019, hành trình làm chủ mạng 5G của TT Nghiên cứu Thiết bị Vô tuyến băng rộng bắt đầu từ con số 0. Đến tháng 10/2023, sản phẩm 5G Massive MIMO của VHT hợp tác với Qualcomm đã thành công triển khai thử nghiệm trên mạng lưới, đánh dấu Viettel là đối tác đầu tiên trên thế giới đạt được thành công này trong một thời gian rất ngắn chưa đến 1 năm.
Vì sao TT Nghiên cứu Thiết bị Vô tuyến băng rộng có thể tạo nên những kỳ tích đó? Câu trả lời sẽ có trong bài phát biểu đến từ tham luận của TT Nghiên cứu thiết bị vô tuyến băng rộng trong Đại hội thi đua quyết thắng TCT VHT giai đoạn 2019-2024.
2

Thực hiện chỉ tiêu nghiên cứu, sản xuất làm chủ mạng 5G, phong trào thi đua được xác định qua 3 giai đoạn “Khởi nghiệp”, “Vượt khó vươn lên”, “Trưởng thành”.

Tôi là Nguyễn Chí Linh – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thiết bị Vô tuyến Băng rộng – Khối 2 – Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel.

Về dự Đại hội hôm nay, tôi rất vinh dự, tự hào được đại diện cho tập thể Trung tâm VTBR, một tập thể 02 lần đạt danh hiệu Viettel Star. Xin được chia sẻ kết quả công việc từ các phong trào thi đua của đơn vị đã góp phần vào sự thành công của các phong trào thi đua Quyết thắng tại Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel giai đoạn 2019 -2024.

Kính thưa Đại hội!

Trên thế giới hiện có 5 công ty đã sản xuất thành công thiết bị mạng cho 5G gồm Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Viettel là nhà cung cấp thứ 6 sản xuất thiết bị này. Và chỉ có duy nhất Viettel vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng sản xuất thiết bị mạng. Việc làm chủ mạng 5G hoàn chỉnh có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít quốc gia có thể sản xuất thiết bị 5G, tự chủ hạ tầng mạng viễn thông. Để có được tuyên bố đó là cả một quá trình cố gắng không mệt mỏi suốt 05 năm qua của tập thể Trung tâm VTBR.

Kính thưa Đại hội!

Trong từng giai đoạn kể trên, với mỗi thành công đạt được, chúng tôi đều nhận thức rằng: Trong khó khăn, thách thức luôn có cơ hội và thành công. Để quy tụ được đông đảo lực lượng cùng tham gia, cùng thực hiện mục tiêu chung thì vai trò, vị trí, ý nghĩa của các phong trào thi đua quyết thắng mang tính quyết định tập hợp sự đoàn kết thống nhất từ chỉ huy cho đến từng cá nhân trong đơn vị.

Trung tâm VTBR có được thành tựu tự hào nêu trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Đảng ủy, lãnh đạo cấp trên các cấp trong hoạt động thi đua quyết thắng. Để tiếp tục phát huy những gì đã được trong 5 năm qua, với tinh thần đổi mới, sáng tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và mục tiêu của đơn vị. Tập thể Trung tâm VTBR thấm nhuần khẩu hiệu thi đua xuyên suốt giai đoạn 2024-2029 “Chung sức đồng lòng – Kiên định mục tiêu – Thực thi sáng tạo” quyết tâm để hoàn thành mục tiêu làm chủ hệ sinh thái 5G, tầm nhìn hướng tới công nghệ 6G và xa hơn nữa.

3

Kính thưa Đại hội!

Để hiện thực hóa khẩu hiệu thi đua trên, phong trào thi đua của TT VTBR đã triển khai thực chất, đi vào chiều sâu, lan tỏa sâu rộng trong mỗi hành động, việc làm của tập thể, cá nhân, được đồng bộ và có mục tiêu rõ ràng. Tiêu biểu thực hiện chỉ tiêu nghiên cứu, sản xuất làm chủ mạng 5G, phong trào thi đua được xác định qua 3 giai đoạn “Khởi nghiệp”, “Vượt khó vươn lên”, “Trưởng thành”, cụ thể:

 Giai đoạn 2019 ~ 2020: “Khởi nghiệp”

“Khởi nghiệp” là bắt đầu từ con số 0, hay gần như bằng 0, đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách. Và trong dự án 5G, chúng tôi đã bắt đầu như vậy. Nếu như khi làm 4G, chúng tôi có một nền tảng phần mềm, phần cứng đủ “chín” để bắt đầu, thì với 5G chúng tôi gần như không có gì ngoài kinh nghiệm có được từ 4G. Năm 2019, công nghệ 5G mới bắt đầu được chuẩn hóa chính thức. Các nền tảng chipset, công cụ máy đo chưa hoàn chỉnh, phần cứng 5G hoàn toàn khác biệt, với quá nhiều cái mới (băng thông lớn, tốc độ cao, thiết kế anten mảng…). Nhưng với một tập thể dự án 5G đoàn kết, cùng triết lý “dò đá qua sông”, “đi bằng hai chân” tự làm song song với hợp tác, chúng tôi đã dần chinh phục và làm nên công nghệ 5G made by Viettel.

4

Kết quả, chỉ sau 06 tháng nghiên cứu, ngày 17/01/2020, dự án đã thực hiện thành công cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị Viettel dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ TTTT và Chủ nhiệm UB KHCN, môi trường của Quốc hội. Sự kiện này được nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài nước đưa tin, được công nhận là một trong mười sự kiện khoa học công nghệ Việt Nam nổi bật năm 2020. Tiếp nối dấu mốc thành công đầu tiên đó, Trung tâm VTBR đã nỗ lực không ngừng, chinh phục những chướng ngại tiếp theo.

Tháng 6/2020, triển khai thử nghiệm trạm 5G trên mạng lưới thực tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, cung cấp mạng 5G cho cơ quan Bộ. Mạng 5G tại đây đạt tốc độ trên 500MB/s, cao gấp 10 lần tốc độ 4G đặt cùng vị trí.

Ngày 30-11-2020, khi Viettel chính thức kinh doanh thử nghiệm thương mại 5G, thiết bị thu phát sóng 5G gNodeB của VHT đã đạt tốc độ tải xuống cao nhất trên 1,2 Gpbs.

5

Giai đoạn 2021 ~ 2022: “Vượt khó vươn lên”

Năm 2020, dịch bệnh Covid bắt đầu bùng phát mạnh, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu. Sang đến năm 2021, những hệ quả của nó đã gây ra tác động rất tiêu cực đến chuỗi cung ứng vật tư linh kiện toàn cầu. Hoạt động nghiên cứu, sản xuất 5G tại Trung tâm VTBR vì thế cũng không tránh khỏi sự tác động của Covid 19. Đó là sự khan hiếm nguồn cung chipset chính, thời gian cung cấp linh kiện kéo dài, thay vì 3~4 tháng thì nay có khi lên tới hơn 12 tháng. Vượt qua khó khăn, Tập thể Trung tâm đã đề xuất ra nhiều cách làm hay, khai thác tối đa các mối quan hệ với các đối tác cung cấp, triển khai các giải pháp kỹ thuật, thay thế tương đương mà vẫn đảm bảo tiến độ và chất lượng sản phẩm. Kết quả, trong năm 2021, đơn vị đã hoàn thành sắc nhiệm vụ sản xuất 150 trạm gốc 5G với đa dạng cấu hình, từ smallcell 4T4R, Micro 8T8R và Macro 8T8R công suất lớn. Sản phẩm trạm gốc 5G Viettel đã đạt hết các chỉ tiêu đo kiểm phần cứng theo 3GPP/QCVN, tốc độ tải xuống đạt 5.1Gbps, tải lên 450Mbps.

6

Kính thưa Đại hội!

Để có được những thành công bước đầu đó trong hoạt động nghiên cứu 5G, Trung tâm VTBR coi việc quyết liệt trong hành động, điều hành, làm tới cùng là yếu tố quyết định. Vì vậy, trong toàn trung tâm thống nhất cách làm là giao việc rất cụ thể phân nhỏ việc có thời hạn tối đa 1 tuần, có đầu ra, đầu vào chi tiết đến từng cá nhân. Khi có vướng mắc khó khăn, kịp thời bổ sung người hỗ trợ cùng nghiên cứu, hội thảo để các công việc kịp tiến độ. Bên cạnh đó, các đề tài dự án đều có kế hoạch chi tiết và phê duyệt Ban TGĐ TCT thể hiện sự cam kết của toàn bộ các thành viên trung tâm trong việc bám theo mục tiêu, theo kế hoạch để hoàn thành nhiệm vụ.

Quote TT VTBR

Được sự tin tưởng của Ban Lãnh đạo Tập đoàn cũng như Ban Lãnh đạo TCT với những kết quả tích cực trong hoạt động nghiên cứu làm chủ 5G tại đơn vị, đầu năm 2022, Trung tâm VTBR đã tiếp tục được giao 02 nhiệm vụ, đó là: Nhiệm vụ sản xuất thử nghiệm 5G với quy mô rộng lớn, lên tới 300 trạm gốc Macro 8T8R; Nhiệm vụ nghiên cứu, làm chủ trạm gốc 5G Massive MIMO 32T32R/64T64R (Viettel là 1 trong 4 đối tác toàn cầu được Qualcomm lựa chọn trong hợp tác phát triển 5G nền tảng chipset QDU/QRU Qualcomm). Hoàn thành sản xuất và triển khai mạng 5G hoàn chỉnh (gồm mạng truy cập vô tuyến với 300 trạm 5G Macrocell, mạng truyền dẫn 5G và mạng lõi 5G) trên mạng lưới Viettel tại 04 tỉnh thành: Hà Nội, Hà Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận, khẳng định sản phẩm 5G của Tổng Công ty VHT đã sẵn sàng cho triển khai kinh doanh thương mại không chỉ cho trong nước mà còn phục vụ kinh doanh toàn cầu.

Giai đoạn 2023 ~ 2024: “Trưởng thành”

6 tháng đầu năm 2023 là khoảng thời gian quan trọng và vô cùng đáng nhớ với mỗi cá nhân tại Trung tâm VTBR, vì đây là giai đoạn cao điểm đánh giá chất lượng sản phẩm 5G Viettel do Ban Kỹ thuật và Tổng Công ty Mạng lưới Viettel chủ trì thực hiện.

Mỗi một chỉ tiêu, tham số đánh giá đều thể hiện mức độ “trưởng thành” của sản phẩm trạm gốc 5G. Qua nhiều vòng đo kiểm tối ưu tại Phủ Lý – Hà Nam, kết quả cụm trạm 5G VHT tại Phủ Lý đã đạt CTKT của VTNET ở khu vực lõi. Tốc độ download/upload trung bình cluster lõi Phủ Lý lần lượt đạt 311Mbps/35.3Mbps, cluster biên Phủ Lý lần lượt đạt 259Mbps/36.7Mbps. Báo cáo kết quả nghiên cứu 5G của VHT đã được Chủ tịch Tập đoàn đánh giá cao. Đây là sự động viên lớn lao từ Tập đoàn đối với đơn vị, là động lực để Tập thể Trung tâm VTBR tiếp tục thi đua cố gắng hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm trạm gốc 5G, trong đó trọng tâm là sản phẩm trạm gốc 5G Massive MIMO 32T32R.

8

Trong năm 2023, Trung tâm đã tăng cường hợp tác với các đối tác lớn như INTEL, QUALCOMM, AMD, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu làm chủ trạm gốc 5G Massive MIMO và triển khai thành công cụm trạm 32T32R trên mạng lưới Viettel tại Hà Nam. Tháng 10/2023, sản phẩm 5G Massive MIMO hợp tác với Qualcomm đã thành công triển khai thử nghiệm trên mạng lưới, Viettel là đối tác đầu tiên trên thế giới đạt được thành công này trong một thời gian rất ngắn chưa đến 1 năm.

Những kết quả, thành tựu đã đạt được chứng minh năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản phẩm thiết bị mạng viễn thông của Trung tâm VTBR, không những đang cùng hoà nhịp với thế giới trong triển khai kết nối mới mà là một trong những đơn vị tiên phong chinh phục công nghệ mới.

Kính thưa Đại hội!

Về dự đại hội hôm nay, tôi rất vinh dự, tự hào báo cáo thành tích mà tập thể Trung tâm VTBRđã đạt được trong 5 năm qua. Chúng tôi quyết tâm tiếp tục là hạt nhân trong các phong trào thi đua quyết thắng của đơn vị và phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Một lần nữa xin kính chúc các quý vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí: Sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Tổng Công ty CN CNC Viettel luôn là ngôi sao sáng  trong phong trào thi đua quyết thắng của Tập đoàn.

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

 Xin trân trọng cảm ơn!

  • 216
  • 0 bình luận
  • 0
Những năm qua, các thiết bị quân sự, viễn thông “Make in Vietnam” sản xuất bởi những...