Hơn một năm trước, Linh bắt đầu công việc tại Trung tâm mạch. Là thành viên trong team CPU, nhiệm vụ chủ yếu của Linh liên quan chính đến lõi xử lý, phụ trách thiết kế và phát triển trong CPU. Tham gia dự án chip DFE, Linh đảm nhiệm nâng cao hiệu suất chip V1 bằng cách hỗ trợ thêm nhiều RAM, hỗ trợ hệ thống chạy được nhiều phần mềm và ứng dụng đồng thời một lúc. Ban đầu, chip V1 chưa tối ưu bởi bộ nhớ giới hạn.
Luôn cho rằng, nếu muốn hiểu sâu vấn đề chỉ có cách chịu khó tự tìm tòi, học hỏi. Do vậy, bắt tay vào việc, Linh phần lớn dành thời gian tìm đọc tài liệu, nghiên cứu trên các con chip sẵn có kết hợp tận dụng mã nguồn mở với mục đích tham khảo, tuyệt đối không sử dụng. Với cách làm ấy, dù thời gian nghiên cứu kéo dài lên đến 1 quý, Linh đã tự phát triển khá nhiều phần trong CPU như khối Cache, MMU hay khối ngoại vi. Thông thường, nếu sử dụng mã nguồn mở sẵn có, việc hoàn thành Cache, MMU chỉ mất 1,2 tháng nhưng Linh lý giải rằng, nếu sử dụng mã nguồn mở sẽ thường xuyên gặp lỗi hoặc chẳng may gặp những rắc rối liên quan đến bảo mật.
“Tự học hỏi tốn khá nhiều thời gian, song em vẫn vui. Quá trình tự học đương nhiên gian nan hơn nhưng qua đó mình sẽ phát triển được các kỹ năng của bản thân, đúc rút được thêm kinh nghiệm nữa, ví dụ như là kinh nghiệm về phát triển hệ thống logic, kinh nghiệm phát triển khối đồng bộ, kinh nghiêm về tối ưu các khối logic chạy với tần số cao,… Tuy nhiên, việc tự học này cũng đòi hỏi sự tỉnh táo lắm. Bởi đôi khi nếu cứ “say và tin” theo một hướng thì sẽ rơi vào ngõ cụt", Nguyễn Văn Linh chia sẻ.
Người xưa thường có câu: “Cả bè hơn cây nứa”, Linh vẫn thường nói rằng, sự hỗ trợ của những người đi trước đã giúp Linh giải quyết được nhiều vướng mắc tưởng chừng như rơi vào ngõ cụt. Có những lúc Linh vấp phải vấn đề mà 2,3 ngày vẫn loay hoay không biết làm thế nào, mạnh dạn đi tìm sự trợ giúp của các anh trong tổ, câu trả lời có ngay sau 15,20 phút. Linh vẫn nhớ: “Có lần mình gặp lỗi không thể load file binary lên trình mô phỏng, anh Hưng (tổ trưởng phát triển CPU) gợi ý là nạp bằng trình debugger hiện tại hoặc là đưa trực tiếp lên bộ nhớ để chạy. Dựa vào gợi ý của anh, mình đã có cách làm tối ưu nhất. Ngoài ra, mình làm về CPU nên liên quan khá nhiều bên như phần mềm hay ngoại vi. Cách đây 2 tháng, mình cùng một bạn trong team cùng triển khai khối kết nối bus nhưng mãi không có kết quả. Mặc dù khi mô phỏng, mô hình chạy khá trơn tru nhưng đưa lên mạch thật để test thì không chạy được, lúc xem tín hiệu rõ ràng không có gì bất thường nhưng kết quả hoạt động không như ý muốn. Các sếp liền ra tay và cũng ra vấn đề luôn. Mình rất bất ngờ, tự hỏi tại sao bản thân không nghĩ ra được nhỉ. Qua lần đó, mình có thêm kinh nghiệm về mạch tổ hợp”.
Dù đã tích luỹ được khá nhiều bài học, song Nguyễn Văn Linh không tránh khỏi những lúc căng thẳng, tự tạo áp lực cho bản thân. Tháng 6 vừa qua, cấp trên giao nhiệm vụ Linh tìm hiểu CPU có Out of order. Không có ý tưởng nào trong tay, Linh loay hoay đến 3 tuần trời. “Mình tự thất vọng về chính mình, cảm giác mình chỉ là con số 0. Thế rồi em cũng thả lỏng suy nghĩ và kết hợp giải trí, nghe những bản nhạc em thích sau giờ làm, dành thời gian học tiếng anh, đi tập võ đều đặn, nói chuyện với bạn bè. Vậy mà, ý tưởng xuất hiện”.
Chia sẻ về sở thích luyện võ, Linh tiết lộ: “Mình học võ 3 buổi/tuần, vào tối thứ 2, 4, 6. Tập bộ môn này mình ăn đòn nhiều. Nhiều khi sau giờ làm rất mệt nhưng vẫn cố gắng đi tập. Đã tập thì tập trung cao độ hết sức bởi một chút lơ là là dính đòn ngay. Với mình, tập võ cũng là cách rèn luyện khả năng sự tập trung”. Bận rộn với công việc nghiên cứu song Linh khẳng định: “Bản thân mình luôn tuân thủ nguyên tắc cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Sau giờ làm việc, mình sẽ dành thời gian để thư giãn như luyện tập thể thao, nói chuyện cùng bạn bè. Mình cho rằng, khi đầu óc được thư giãn mới có thể đưa ra những quyết định sáng suốt nhất”.
Tháng 5 vừa qua, Linh được Tổng công ty khen thưởng cá nhân xuất sắc liên quan đến dự án chip DFE. Chia sẻ về giải thưởng này, Linh nói, xét về công nghệ chip, Việt Nam đi sau thế giới khá nhiều nên những thành công của Linh và đồng nghiệp chỉ là bươc đệm để thực hiện nhiều bước đi hơn trong tương lai. Dự định của chàng kỹ sư 25 tuổi là tiếp tục nâng cao hiệu suất của chip, mong muốn làm những chip mạnh mẽ hơn nữa để có thể vươn xa các con chip của smartphone, PC hiện tại.