Ngay sau khi thương mại hoá, đối với team chịu trách nhiệm nghiên cứu và sản xuất vTag, hơn 10 lượt active vTag mỗi ngày là một sự động viên lớn. Họ tin chắc rằng, số lượng active mỗi ngày sẽ tiếp tục tăng thêm nữa trong thời gian tới…
VHT hơn các đối thủ khác ở khả năng làm hài lòng khách hàng
Đồng chí Lê Ngọc Quý, Giám đốc Trung tâm nền tảng IoT, Khối 3 vẫn nhớ, tháng 3/2021, thời gian đầu khi tiếp nhận vTag, sản phẩm lúc đó dưới dạng demo, vỏ gia công, mạch chưa tối ưu, cần rất nhiều việc phải làm.
Khi ấy, anh cũng đặt ra câu hỏi, vì sao với một sản phẩm nhỏ như vTag lại là điểm khởi đầu cho nền tảng IoT đằng sau phát triển. Đến thời điểm này, khi vTag đã hoàn thành, anh đã có câu trả lời cho bản thân mình. Anh Quý giải thích: “Thứ nhất, sau vTag, khách hàng VTT hiểu được khả năng nghiên cứu, phát triển và làm chủ sản phẩm của VHT. Thứ hai, quá trình hợp tác hai bên cũng giúp VHT nắm bắt được các nhu cầu về IoT mà VTT đang cần, và mở ra các mảng kinh doanh mới cho VHT, như smart home, V-Tracking hay nền tảng quản lý SIM, thuê bao cho doanh nghiệp. Cuối cùng, vTag là một sản phẩm nhỏ nhưng để vận hành được, thì nền tảng yêu cầu đầy đủ các tính năng, hoàn thiện cho vTag chính là hoàn thiện cho nền tảng IoT sẵn sàng cho mọi sản phẩm IoT khác”.
Đồng chí Lê Ngọc Quý, Giám đốc Trung tâm nền tảng IoT, Khối 3
Chỉ trong vòng 6 tháng, vTag từ dạng nguyên mẫu đã tiến đến sản phẩm hàng loạt. Nhưng trước khi bước vào giai đoạn hoàn thiện sản phẩm thương mại là một quá trình không dễ dàng. Bởi là đơn vị chịu trách nhiệm bán sản phẩm hàng loạt, VTT đưa ra yêu cầu vô cùng cao và thường xuyên thay đổi để bảo đảm sản phẩm tối ưu về hiệu năng, nhưng lại đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều đối tượng khách hàng đồng thời.
Ngoài yêu cầu ban đầu sản phẩm sử dụng NB-IoT, khách hàng yêu cầu vTag cần tích hợp 2G (fall back), vì vậy, từ tháng 9 đến tháng 12/2021, nhóm nghiên cứu VHT tiến hành nâng cấp phần cứng để đáp ứng yêu cầu này. Một cải tiến quan trọng khác, vTag ban đầu gắn trên nền tảng Thingworx (Mỹ). Chỉ trong 3 tháng sau đó, vTag đã hoạt động trên chính nền tảng IoT do VHT phát triển – nền tảng Innoway. Tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu của nền tảng rất lớn cho VTT (khoảng 200k $ / năm, trả 1 lần).
Nghiên cứu vTag vào thời điểm trên thị trường đã có Airtag làm mưa làm gió, điều này hiển nhiên gây ra áp lực đối với cả VHT và VTT. Nhưng các anh em VHT đã phân tích điểm yếu của Airtag, đó là thiết bị định vị cần đi kèm vật chủ của Apple. vTag sẽ ngược lại với Airtag, vTag là thiết bị có thể hoạt động một mình, rất phù hợp cho các nhu cầu giám sát tài sản, xe cộ, thú cưng và trẻ em.
Bảo đảm khả năng cạnh tranh cho “đứa con cưng”, nhóm nghiên cứu của VHT liên tục làm việc, trao đổi với VTT để sản phẩm liên tục cải tiến. Anh Quý nói: “VTT là đơn vị bán hàng trực tiếp nên họ hiểu thị trường hơn mình, chúng ta là đơn vị nghiên cứu. Tiêu chuẩn sản phẩm của họ khắt khe như thế nào chúng ta cũng cố gắng đáp ứng. Việc tương tác giữa hai bên chính là chìa khoá cho sự phát triển của sản phẩm”. Vì vậy, vTag liên tục được cải tiến.
Thứ nhất, để ăng ten có độ nhạy cao hơn, so với nguyên mẫu ban đầu, ăng ten thu động thay thế bằng ăng ten chủ động (active antenna) và được đặt bên cạnh sườn của thiết bị để tránh chắn sóng do PIN cho phép thiết bị vẫn đảm bảo định vị khi xoay đa chiều. Thứ 2 đó là tối ưu thời lượng pin, vTag được trang bị cảm biến chuyển động để bảo đảm tiết kiệm pin khi không di chuyển. Thứ 3, vTag sử dụng chuyển mode thông minh với công nghệ định vị 3 hướng là: Wifi, GPS và LBS. Khi định vị trong thành phố, thiết bị ưu tiên sử dụng công nghệ sóng ngắn trước, tiếp đó khi ra ngoại ô hay vùng nông thôn GPS sẽ là lựa chọn ưu tiên. Trong trường hợp thiết bị để trong không gian kín như ô tô, công nghệ LBS sẽ phát huy được khả năng tìm kiếm. Bên cạnh đó, sản phẩm thông thường không có khả năng chịu nước nhưng với IP 65, vTag hoàn toàn có thể kháng nước trong thời gian ngắn như chịu hắt nước hay hoạt động dưới trời mưa rào.
Đồng chí Ngọc NB10 trong TP Hồ Chí Minh test GPS cho vTag.
Cũng đã có những lúc, nhóm làm vTag của VHT căng thẳng, thậm chí cảm thấy nản khi VTT yêu cầu thay đổi quá nhiều. Là leader của dự án, Anh Quý tâm sự: “Bản thân tôi không quen bỏ cuộc và không đầu hàng được. Tôi động viên với các anh em rằng, họ là khách hàng mình phải cố gắng làm họ hài lòng. Họ hiểu thị trường hơn mình, mình hơn các đối thủ khác ở khả năng có thể đáp ứng yêu cầu của họ nên phải cố bám lấy điểm đó. Đó là điều duy nhất khách hàng chọn mình, nếu mình không làm được thì đừng mong họ hợp tác lâu dài với chúng ta phát triển sản phẩm nào khác nữa”.
Thiết kế phần cứng trong phòng ngủ do dịch bệnh
Đối với TùngLNT1, phòng Thiết kế phần cứng, Trung tâm Kỹ thuật Công nghệ Khối 3, vTag là sản phẩm đầu tiên Tùng đảm nhiệm xuyên suốt thiết kế phần cứng từ ý tưởng đến khi sản xuất. Trước khi bước vào giai đoạn thiết kế hàng loạt, phần cứng vTag phải chế thử cỡ 5 lần. Tùng kể: “vTag có một lần thay đổi chính khi đổi MCU, các lần còn lại là để tối ưu tính năng sản phẩm. Ngoài ra, thay đổi còn do vTag được nghiên cứu, sản xuất trong giai đoạn thiếu linh kiện trầm trọng bởi dịch bệnh. Do vậy, việc lựa chọn thay thế linh kiện và tìm nguồn hàng cũng rất phức tạp, cần phải cân đối các hãng linh kiện có sẵn”.
Bạn TùngLNT1, phòng Thiết kế phần cứng, Trung tâm Kỹ thuật Công nghệ Khối 3
Phần lớn thời gian Tùng thiết kế phần cứng vTag trong căn phòng ngủ của mình bởi khi đó là đỉnh dịch tại TP Hồ Chí Minh. Không thể trực tiếp trao đổi theo cách thức thông thường, Tùng nhận được sự chỉ dạy từ các anh chị đi trước của VP Miền Nam như anh TùngNM4, chị TuyềnDTN và cả đàn anh tại Trung tâm IoT như anh TrungDQ8 và anh DầnCQ. Có hôm sản phẩm lỗi, cuộc họp online giữa Tùng cùng các anh chị kéo dài đến 12h đêm. Sau khi hoàn thành thiết kế, Tùng ra trụ sở Tổng công ty tại Hà Nội trong 2 tháng, bước vào giai đoạn sản xuất sản phẩm. Giữa tháng 12, trời rét, mưa phùn, vốn người sống trong Nam nên Tùng khá vất vả thích nghi với thời tiết. Bù lại, những cuộc gặp gỡ, giao lưu cùng anh em Trung tâm IoT vào cuối tuần là khoảng thời gian "dopping tinh thần" Tùng rất nhiều.
Khi vTag hoàn thành, cầm sản phẩm do chính mình cùng đồng nghiệp thiết kế trên tay, Tùng nói rằng: “Cảm giác rất khó tả. vTag là một sản phẩm nhỏ, không quá nhiều tính năng phức tạp nhưng đó là sản phẩm em theo từ đầu đến cuối nên rất hạnh phúc”
vTag đưa vào thương mại hoá, đó không chỉ dừng lại ở niềm vui của những người làm VTag mà cũng là sự khẳng định VHT hoàn toàn có thể đáp ứng sản xuất trong lĩnh vực quân sự và dân sự.