Năm nay đã 46 tuổi song anh Tùng còn nhớ ngày đầu tiên phỏng vấn tại Viettel. Đã từng làm việc tại nhiều môi trường khác nhau nhưng buổi phỏng vấn hôm đó vẫn khiến anh sốc. Đó là bởi: “Hồi đó, mình rất tự tin rằng trong thiết kiết phần cứng mình biết rất nhiều. Anh Hùng đưa ra vấn đề và mình trình bày cách giải quyết. Sau đó, anh Hùng hỏi và có những khía cạnh mình không trả lời trọn vẹn được. Lúc đó, anh Hùng nói một câu rằng, mình biết 99% nhưng 1% không biết thì vẫn là không biết. Câu nói đó khiến mình suy nghĩ, thôi thúc mình học hỏi và phải cập nhật từng ngày”.
Thuộc tầng lớp đàn anh tại VHT, anh Tùng chia sẻ về chuyện nghề: “Ở VHT nói riêng và Viettel nói chung, ai cũng hiểu chúng ta luôn đặt ra yêu cầu mới và liên tục về sản phẩm, chúng ta phải ứng dụng, cập nhật những công nghệ mới nhất của thế giới. Tốc độ làm việc phải nhanh và quyết liệt. Đó là thử thách cho mọi kỹ sư nhưng với những người nghiên cứu, đó là một sự kích thích khiến mình muốn chinh phục. Cảm giác giống như một người đi leo núi vậy đó, khi leo lên được rồi rất sung sướng”. Trước câu hỏi rằng, có bao giờ đôi chân leo núi nhiều khiến người leo cảm thấy nhàm chán, không còn cảm giác muốn chinh phục nữa không, anh Tùng cười nói: “Khi làm quen một công việc, điều đáng sợ là sự ỉ lại, là làm theo kinh nghiệm hoặc lối mòn. Để chiến thắng sự đáng sợ đó mình phải kích thích bằng những suy nghĩ khác biệt. Suy nghĩ khác là có cách giải quyết khác, đó là điều tôi đã học được từ các đàn anh tại Viettel và tôi vẫn vận dụng, chia sẻ lại với anh em trong nhóm điều đó”. Chứng minh cho điều này, anh dẫn chứng về quá trình tối ưu sản phẩm. Khi chức năng chưa hoạt động, nếu chỉ làm theo lối mòn, phản ứng đưa ra là tìm hiểu bằng cách đọc tài liệu nhưng nếu đọc mãi cũng không ra, cần phải nghĩ khác, như là tạo các tác nhân kích thích xem sản phẩm phản ứng như thế nào hay bê cả hệ thống ra môi trường khác.
Anh Tùng tâm niệm, đã là một kỹ sư phải luôn vận động làm sao tạo ra một sản phẩm mới tốt hơn sản phẩm cũ hoặc tạo ra giải pháp đột phá. Anh cũng hy vọng, lớp thế hệ sau anh sẽ tiếp tục đưa dòng chữ Made by Viettel vươn xa mạnh mẽ hơn trên thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, anh đặt ra nhiều thử thách về mặt kỹ thuật với các em trong nhóm.
Có những lúc, đề bài anh đưa ra, nhiều bạn loay hoay không biết làm gì. Khi ấy, anh chia sẻ cách làm: “Mình đưa ra một công việc khó, mình yêu cầu nhưng phải quan sát. Trong khoảng giới hạn thời gian nào đó, bạn không làm được mình phải nhảy vào chứ cứ giao rồi để các bạn tự lớn hay bỏ mặc là không được. Có những vấn đề ngay chính bản thân mình cũng không hiểu hết nhưng khi bắt tay vào làm, mình có lợi thế từng làm nhiều sản phẩm nên có thể vỡ ra vấn đề nhanh hơn rồi định hướng cho các bạn nghiên cứu”. Anh Tùng nói: “Tôi luôn đặt câu hỏi cho bản thân tôi cũng như các anh em rằng chúng ta còn giải pháp nào tốt hơn không, nhiều khi anh em cũng đưa ra những giải pháp làm tôi bất ngờ”. Với kinh nghiệm của người đi trước, anh Tùng cũng chia sẻ thêm cách làm để kích thích sự yêu nghề của các bạn trẻ. Đó là để họ được trải nghiệm nhiều sản phẩm khác nhau. Nếu một bạn chỉ làm về IoT, chỉ biết về Vtag hay thiết bị smarthome, như vậy là đơn điệu, họ chỉ biết trong lĩnh vực hẹp. VHT nghiên cứu nhiều sản phẩm, các bạn trẻ cũng nên tham khảo các cách làm của mỗi đơn vị khác nhau để có ý tưởng cho chính sản phẩm của mình.
Có cơ hội được trực tiếp rèn giũa, làm việc với nhiều lãnh đạo kỳ cựu của Viettel, nếp nghĩ và cách làm Viettel “ngấm” trong con người anh và anh đang tiếp tục cố gắng để nếp nghĩ, cách làm, ngọn lửa nghề trong anh lan truyền đến thế hệ tiếp theo.