Chiều ngày 29/11, tọa đàm "5G - Xây dựng thành phố thông minh sẵn sàng phát triển cho tương lai" đã diễn ra.
Tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội cho biết từ năm 2019, hai nhà mạng Viettel và Vinaphone đã triển khai thử nghiệm tại Hà Nội. Hiện đã có gần 100 trạm BTS 5G của hai nhà mạng này ở thủ đô.
Việc thúc đẩy quá trình triển khai 5G sẽ góp phần vào quá trình xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh.
Ông Nguyễn Tiến Sỹ chia sẻ: Hà Nội có các cơ sở pháp lý về quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, các văn bản của UBND Thành phố về cấp phép xây dựng trạm BTS mới. Mới đây (ngày 24/11), Quốc hội đã thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) có cho phép các nhà mạng xây dựng trạm BTS trên đất công - đây là điểm mới giúp các nhà mạng xây dựng trạm trên cả nước.
Trước những thông tin chia sẻ của ông Nguyễn Sỹ Tiến, Trưởng Ban CĐS - Tổng công ty MobiFone - ông Nguyễn Tuấn Huy cho biết: Khi có giấy phép chính thức triển khai 5G, Mobifone sẽ đầu tư cho 5G tại Hà Nội.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Tuấn Huy, để đầu tư cho 5G rất nhiều thách thức vì hầu như các nhà mạng trên thế giới khi đầu tư vào 5G đều lỗ do giá cước không được tăng trong khi tỷ suất đầu tư cho 5G lớn và mật độ phủ sóng phải dày.
Theo Trưởng Lab CĐS - Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông - ông Trần Quý Nam cần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành viễn thông cũng như trang bị kiến thức viễn thông, 5G để đáp ứng triển khai thành phố thông minh tại Việt Nam.
Chính vì thế, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông luôn là đơn vị tiên phong và được Bộ trưởng Bộ TT-TT giao về mặt tư vấn công nghệ, bản đồ công nghệ, xây dựng các chính sách cho CĐS, hạ tầng mạng 5G. Theo báo cáo, mỗi năm Học viện đào tạo 550 sinh viên về viễn thông và mỗi năm luôn có khoảng 2000 sinh viên ở các khoá được đào tạo về lĩnh vực viễn thông để đáp ứng nhân lực của lĩnh vực viễn thông và phát triển 5G.
Hiện nay, xu thế hội tụ giữa công nghệ thông tin và viễn thông cũng như AI rất chặt chẽ. Do đó, Học viện đã tự chủ về chương trình đào tạo để đáp ứng xu thế thị trường. Theo đó, Học viện có cả các môn học về cấu trúc dữ liệu, lập trình hướng đối tượng, hệ điều hành, thị giác máy tính... là các môn thiên về CNTT, đảm bảo các sinh viên viễn thông ra trường thích ứng với công việc hiện nay.
Để đảm bảo cho quá trình chính thức triển khai 5G, ngày 25/10, Bộ TT-TT đã ra thông báo tổ chức đấu giá tần số 2600 MHz định hướng cho 5G. Đặc điểm của lần đấu giá này là chỉ có 1 khối băng tần có độ rộng 100 MHz để hiệu quả cho triển khai thương mại hóa 5G. Nguyên tắc chung của công tác quản lý nhà nước là thúc đẩy sự phát triển bền vững của lĩnh vực. Việc đấu giá băng tần và cấp phép dịch vụ 5G cho các nhà mạng cũng tuân thủ theo nguyên tắc này.
Theo phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất, thời hạn sử dụng băng tần của doanh nghiệp trúng đấu giá lên tới 15 năm.
Sau hai năm kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần 2500-2600 MHz, doanh nghiệp phải cam kết triển khai tối thiểu 3.000 trạm phát sóng 5G; cam kết chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần 2500-2600 MHz muộn nhất 12 tháng kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần 2500-2600 MHz. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ viễn thông và chuyển vùng dịch vụ viễn thông cũng phải đảm bảo theo quy định.
Việc thương mại hóa dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G sẽ là nền tảng để phát triển các ứng dụng, dịch vụ của 5G, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số phục vụ tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông 5G tiết kiệm, hiệu quả trên cơ sở lựa chọn kiến trúc, công nghệ thích hợp, thực hiện các giải pháp chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp khi triển khai thương mại công nghệ mới.
Do đó, Bộ TT-TT cũng sẽ ưu tiên thương mại hóa 5G trên thiết bị do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài và góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia.