Làm chủ công nghệ radar từng là ước mơ của rất nhiều người Viettel và ngày hôm nay, nhiều chủng loại radar hiện đại, thiết kế đa dạng do chính các kỹ sư TCT VHT thiết kế, chế tạo đã được cung cấp tới Quân chủng Phòng không - Không quân và Hải quân. Những radar này đã phát huy hiệu quả trong thực tế chiến đấu, bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc. Minh chứng cho điều đó chính là câu chuyện bảo vệ biên giới Tổ quốc của các chiến sĩ Quân chủng Hải Quân trên đảo Hòn Đốc (TP Hà Tiên, Kiên Giang):
Chiếc tàu từ hướng Campuchia chạy về với vận tốc gấp sáu lần tàu cá của ngư dân khiến trung úy Nguyễn Sỹ Tuấn không rời mắt khỏi màn hình radar.
Đêm tháng 8/2021, con tàu tiến sâu vào tầm quét của Trạm radar 625 thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân, đặt trên đảo Hòn Đốc (TP Hà Tiên, Kiên Giang). Đêm đen, biển động, nhưng tàu vẫn lao với tốc độ 19 hải lý một giờ. Anh Tuấn báo ngay chỉ huy trực. Cuộc hội ý chớp nhoáng của kíp trực đi đến nhận định tàu có thể chứa hàng buôn lậu hoặc vượt biên trái phép, bởi tàu cá của ngư dân thường chạy 2-3 hải lý mỗi giờ.
Trung úy Tuấn lập tức thông báo phương vị, cự ly, gửi hình ảnh tàu cho bộ đội biên phòng phụ trách kiểm tra, đồng thời báo về sở chỉ huy của lực lượng hải quân. Tàu bị tổ mật phục Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Chông bắt giữ lúc 23h30 đêm 14/8 tại vùng biển Kiên Lương. Lực lượng chức năng sau đó xác minh tàu buôn lậu thuốc lá từ Campuchia về.
Phát hiện tàu buôn lậu chỉ là một trong số nhiệm vụ mà radar trên đảo Hòn Đốc thực hiện khi bảo vệ vùng trời, vùng biển biên giới.Một góc đảo Hòn Đốc, tháng 1/2024. Ảnh: Hoàng Phương
Giáp tỉnh Kep của Campuchia, Hòn Đốc rộng 11 km2, là đảo lớn nhất trong quần đảo Hải Tặc, nơi có nhiều tuyến đường thông thương quan trọng giữa hai quốc gia. Cột mốc chủ quyền dựng năm 1958 đặt ở phía tây Hòn Đốc ghi rõ tên các đảo. Dân đi biển vẫn quen gọi là đảo Hải Tặc bởi từng bị cướp biển lộng hành.
Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân đánh giá: "Hòn Đốc có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh. Từ thế kỷ trước, nơi đây được xác định là một trong những đảo vành đai then chốt của hệ thống tuyến đảo ven bờ trên vùng biển Tây Nam". Vì thế, từ khoảng 20 năm trước, Trạm radar 625 đã được xây dựng trên ngọn đồi cao ở Hòn Đốc.
Đứng trên đài quan sát của Trạm radar 625 có thể thấy rõ một số đảo thuộc tỉnh Kep, nằm cách hơn ba hải lý. Những cánh sóng radar trở thành "con mắt" quan sát mọi di biến động trên vùng biển Hà Tiên, bao gồm cả hoạt động buôn lậu, đánh bắt trái phép thủy hải sản. Radar hải quân như trinh sát chỉ thị mục tiêu để lực lượng chấp pháp trên biển nắm thông tin, kịp thời xử lý tình huống phát sinh.
Thiếu tá Đinh Minh Sửu 20 năm làm việc tại Trạm radar 625 đóng trên đảo Hòn Đốc. Ảnh:
Hoàng Phương
Mấy chục năm quan sát trên màn hình radar, thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Đinh Minh Sửu, Trưởng ngành radar Trạm 625, đúc rút kinh nghiệm nhận biết tàu buôn lậu qua một số dấu hiệu bất thường về vận tốc, hướng đi, thời điểm hoạt động. Chúng thường chạy ban đêm với vận tốc lớn, cũng không dám di chuyển chậm như tàu cá của ngư dân vì sợ lực lượng tuần tra biển chú ý.
Mặt hàng buôn lậu từ Campuchia về vài chục năm trước là gỗ quý, giờ chuyển qua hàng tiêu dùng, như đường, thuốc lá, xăng dầu, hàng trốn thuế. Bị truy quét gắt, nhóm buôn lậu đôi lúc giả dạng tàu cá ngư dân hoặc lợi dụng lau lách, tán che của cây cối ven đảo để tránh tầm quét của radar hải quân.
Lính radar vì thế khi lên ca trực phải luôn tỉnh táo, không rời mắt khỏi màn hình dù vài phút. Kíp trực vài người thay nhau quan sát. Sự tập trung cao độ trở thành thử thách cho lính mới vào ngành, còn người lâu năm dễ nhức mỏi mắt, hoặc đau xương khớp vì ngồi nhiều trước màn hình.
Mùa giông bão, sấm sét hay giao mùa cuối năm sương mù dày đặc, ngày nắng to hơi nước bốc lên là lúc thiếu tá Sửu mỏi mắt nhất. Tầm quan sát bị thời tiết cản trở có khi chỉ còn một nửa so với bình thường. Nhiệm vụ khi ấy ngoài dùng khí tài còn phải bằng mắt thường lẫn kinh nghiệm quan sát đề phòng bất trắc. Sau mưa, trời trong, biển lặng lại là lúc dễ nhìn rõ mọi thứ.
Sĩ quan Trạm radar 625 làm nhiệm vụ quan sát mục tiêu, tháng 1/2024. Ảnh: Hoàng Phương
52 tuổi, thiếu tá Sửu thuộc hàng ngũ xây nền móng cho Trạm Radar 625 rồi gắn bó đến giờ. Ông nhớ ngày mới về, đảo chưa có đường, tàu bè mỗi ngày chỉ một chuyến, đi say sóng nôn mật xanh mật vàng.
Nay điện lưới, bể chứa nước đều có. Dãy nhà mái tôn nóng hầm hập được thay thế bằng khu nhà cao tầng. Nhưng nhiệm vụ với người lính thì "vẫn vậy, không một phút lơ là". Bởi giao thương càng nhộn nhịp cũng là lúc các loại hình tội phạm mới xuất hiện.
"Nhiệm vụ càng nặng nề, nhưng khí tài được trang bị cũng hiện đại hơn, mình cần học hỏi nhiều để vận hành và theo kịp lớp trẻ", ông cười nói. Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm làm nghề cho những người lính trẻ. Ông tin yêu nghề vẫn là điều tiên quyết, vì có vậy mới gắn bó lâu dài với máy móc radar.
Một góc đảo của Campuchia nhìn từ Đài Quan sát Trạm Radar 625. Ảnh: Hoàng Phương
Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh, Trạm trưởng Radar 625, cho biết giáp Tết đơn vị tập trung các hướng có khả năng buôn lậu để theo dõi tình hình, quan sát 24/24h, xác minh thông tin tàu bè khả nghi, không theo quy luật. Ngoài khí tài, năng lực trinh sát còn dựa vào ngư dân bám biển cung cấp thông tin.
Vùng biển Tây Nam có diện tích hơn 150.000 km2 thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Mặt biển có hơn 150 đảo, 46 trong số này có người sinh sống thuộc các quần đảo An Thới, Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du, Thổ Chu. Bờ biển dài khoảng 450 km, tính từ cửa sông Gành Hào (Bạc Liêu) tới Hà Tiên (Kiên Giang).
Vùng biển còn tồn tại vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia diện tích khoảng 16.000 km2, vùng chồng lấn Việt Nam - Malaysia khoảng 2.800 km2. Những vùng biển này chưa được phân định rõ ràng về chủ quyền và quyền chủ quyền, gây khó khăn trong quản lý.