Khối 2
Từ "sốc" tới tìm lời giải tối ưu mạng 5G qua những ngày triển khai ngoài thực địa
Trà My Lv.1
- ATB chỉ hỗ trợ cấu hình một ngưỡng cố định thôi nên sẽ không bảo đảm tốt cho tất cả các vị trí được!

- Anh hiểu nhưng thử nghĩ xem làm cách nào để nó thông minh hơn ý, như kiểu có thể tự động điều chỉnh cho từng thiết bị đầu cuối được đấy….

9 giờ sáng, trong căn phòng lab nhỏ tại phố Lê Thanh Nghị - quận Hai Bà Trưng, đồng chí Nguyễn Anh Tú (kỹ sư nghiên cứu giao thức mạng, TTNCTBVTBR) và Nguyễn Bá Lượng (kỹ sư trưởng công nghệ, TTNCTBVTBR) đang họp trực tuyến cùng đồng nghiệp của khối 2 bàn bạc về giải pháp cân bằng vùng phủ giữa đường lên và xuống của mạng 5G. Lý do là vì vùng phủ đường lên đang thấp hơn khá nhiều so với đường xuống do giới hạn công suất trên thiết bị người dùng, dẫn đến trên thiết bị đầu cuối thấy sóng 5G nhưng không thể truy cập sử dụng dịch vụ được.

Sốc khi thấy mạng chậm, rớt mạng,...

Nội dung trên chỉ là một trong rất nhiều vấn đề mà đội kỹ sư 5G của VHT đã tìm cách tháo gỡ kể từ khi triển khai nguồn lực trực tiếp tới thực địa thử nghiệm tính năng, tối ưu chất lượng mạng 5G. Với 20 trạm 5G, 27 trạm 4G, mật độ thuê bao dày đặc, hành vi người dùng đa dạng, các kỹ sư TTNCTBVTBR lựa chọn khu vực Đại học Bách khoa để “lập ấp” tối ưu sản phẩm. Theo họ, số lượng người dùng lớn sẽ phát sinh nhiều vấn đề mà khi nghiên cứu trong phòng lab, các kỹ sư không thể lường trước.

z3725828928092_962384b0dbc75bccfe7fdee5a9a18cd8

Khu vực phòng lab nhỏ được thuê tại phố Lê Thanh Nghị, xung quanh là 20 trạm 5G, 27 trạm 4G

Sốc là cảm giác đầu tiên của nhóm khi ra thực địa “ăn chầu ở trực” cùng sản phẩm đó là bởi hệ thống xuất hiện khá nhiều vấn đề như mạng chậm, tốc độ không ổn định, chất lượng cuộc gọi kém, khó truy cập,… Những lỗi này chỉ xuất hiện khi trực tiếp trải nghiệm trên thiết bị đầu cuối mà các công cụ theo dõi trên hệ thống không thể phát hiện được. Theo đồng chí Nguyễn Bá Lượng chia sẻ: “Môi trường trong lab cho các kết quả đo kiểm khá lý tưởng, các vị trí tốt đo kiểm cho kết quả tốc độ cao lên tới 1.7Gbps/cell, nhưng khi triển khai các trạm này tại khu vực Bách khoa ở các vị trí tương tự, tốc độ đo kiểm chỉ đạt khoảng 500 Mbps, kém ổn định. Thậm chí, các vị trí xa hơn còn rất khó truy cập được dịch vụ”.

IMG_1325

Đồng chí Nguyễn Anh Tú và Nguyễn Bá Lượng đang họp trực tuyến cùng đồng nghiệp của Khối 2.

Có nhiều điều tại thực địa khác xa so với tính toán ban đầu của các kỹ sư. Ví dụ như, theo thiết kế ban đầu của hệ thống thử nghiệm chỉ hỗ trợ một lượng giới hạn thiết bị kết nối đồng thời. Tuy nhiên, khi ra thực tế, số lượng người dùng 5G tăng lên rất nhanh, đòi hỏi họ nâng cấp hỗ trợ nhiều thiết bị hơn nữa mới có thể đáp ứng được. Những chênh lệch quá lớn giữa môi trường lab và thực tiễn khiến các kỹ sư hiểu rằng, môi trường đo kiểm trong lab của họ khi thiết kế sản phẩm chưa sát với thực tế hay hành vi người dùng , còn tồn tại nhiều vấn đề mà khi thiết kế hệ thống trong lab, họ không tính đến. Rất nhiều câu hỏi được các kỹ sư đặt ra.

Nhiều lời giải xuất hiện

Giữa tháng 4, khi trời bắt đầu nắng như đổ lửa, nhóm kỹ sư team 5G bắt đầu tiến hành kế hoạch tối ưu mạng ngoài thực địa. Thuê căn nhà nhỏ trên phố Lê Thanh Nghị song đây là điểm lõm sóng của khu vực Bách khoa, muốn sử dụng mạng buộc họ phải mở cửa và ngồi ra ngoài mới có thể dùng được. Trong thời gian chờ kéo wifi, anh em muốn làm việc chỉ còn cách bê labtop ra trước cửa ngồi từ sáng đến chiều. Toát mồ hôi dưới cái nắng đầu hè nhưng đối với các kỹ sư, cùng ăn, cùng ngủ với 5G ngoài thực địa là cơ hội quý báu để hộ hoàn thiện sản phẩm một cách tốt nhất.

Đã 5 tháng team 5G có mặt tại khu vực Bách khoa, anh Lượng chia sẻ: “Ban đầu, mình xây dựng và phát triển tính năng sản phẩm, mindset lúc đó đơn giản, thuật toán còn sơ khai nên khi đưa hệ thống vào môi trường thực chỉ đáp ứng được một phần nào đó. Qua sử dụng trong thực tế, mình sẽ bắt đầu thêm bớt, chỉnh sửa thuật toán để làm sao hài hòa, tối ưu với thực tế. Phân tích sản phẩm trong môi trườg thực mới chỉ ra được điểm này, điểm kia chưa hợp lý. Nghiên cứu trong lab là để mình phát triển tính năng ở mức thiết kế và khi đưa ra ngoài môi trường thực tế là để tối ưu phần tính năng đó, đồng thời bảo đảm được những trải nghiệm người dùng. Từ những phát sinh trong hành vi của người dùng, anh em nhận ra cần ưu tiên triển khai tính năng nào trước, tính năng nào sau nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế. Những vấn đề còn tồn tại buộc chúng tôi phải cố gắng làm sao thiết lập môi trường trong lab gần với môi trường thực tế nhất, để có thể đo kiểm phát hiện các vấn đề trong lab nhanh hơn trước khi triển khai ra ngoài”.

Đối với các kỹ sư, nhiều bài toán chỉ tìm ra lời giải khi họ trải nghiệm sản phẩm như một người dùng trong môi trường thực. Có trường hợp, thuê bao di chuyển từ bên ngoài khi vào khu vực Đại học Bách khoa không thể sử dụng 5G. Tuy nhiên, sau khi tắt máy hoặc dùng chế độ máy bay khởi động lại, thiết bị kết nối mạng thành công. Sau khi phân tích tìm hiểu, các kỹ sư biết được rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự không tương thích giữa các thiết bị mạng của các nhà cung cấp khác nhau (vendor) gây ra. Các kỹ sư lý giải, khu vực Đại học Bách Khoa sử dụng thiết bị 5G do VHT cung cấp nhưng các địa điểm xung quanh khác lại sử dụng thiết bị của một vendor Ericsson. Khi biết được nguyên nhân, VHT đã sửa hệ thống của mình để tương thích với vendor bên kia. Từ đó, họ mở rộng đánh giá khả năng interworking giữa thiết bị VHT với tất cả thiết bị của vendor đang triển khai để có thể phát hiện và sửa các lỗi tương tự.

Bên cạnh đó, nhóm cũng phát hiện ra một số lỗi tương thích xuất hiện từ các thiết bị đầu cuối trên thị trường sử dụng các chipset khác nhau có cơ chế xử lý luồng tin của mỗi dòng chip cũng khác nhau. Vì vậy, việc cần làm của đội nghiên cứu mạng 5G là liên kết với nhà sản xuất thiết bị đầu cuối phối hợp để tìm ra nguyên nhân và khắc phục.

z3753863148348_80677f2091415181379f3dc941d6c663 (1)-1

Nhóm kỹ sư 5G tại phòng lab nhỏ trên phố Lê Thanh Nghị

Đối diện với tình huống dở khóc dở cười để đưa ra giải pháp mới

Trong quá trình hoàn thiện mạng 5G, nhiều tính năng, công nghệ mới được tích hợp vào hệ thống đòi hỏi nhóm kỹ sư thực hiện đa dạng bài test vào nhiều khung giờ tải khác nhau, các hành vi sử dụng khác nhau. Đối với bài test bảo đảm di chuyển thuê bao duy trì liên tục mà không rớt cuộc gọi, thời gian test linh hoạt nhưng có những bài test buộc phải thực hiện khi tải thấp vào đêm khuya, trong khoảng từ 12 giờ đêm đến 4 giờ sáng. Đó là bởi những bài test này phụ thuộc vào số lượng thuê bao, ban ngày nhiều thuê bao hoạt động sẽ ảnh hưởng đến kết quả đo. Thực hiện những bài test ban đêm, nhóm kỹ sư gồm 2 người sẽ tính toán toàn bộ lộ trình cần đi để có thể đo kiểm hết được khu vực phủ sóng của các trạm 5G cũng như đi bao nhiêu vòng để đủ số mẫu đo. Nhóm sẽ sử dụng thiết bị chuyên dụng để thực hiện các bài test, quan sát tín hiệu sóng, đường đi và đánh giá nhanh chất lượng trên từng trạm. Trong những trường hợp trạm xảy ra vấn đề, nhóm sẽ ghi chú lại và sau đó về phân tích log tìm ra nguyên nhân khắc phục.

Trong quá trình làm việc, nhiều khi, nhóm kỹ sư cũng đối diện với nhiều tình huống dở khóc dở cười vì sản phẩm. Tuy nhiên, trải qua những điều kiện thực tế như vậy cũng đem đến cho các anh em hướng giải pháp mới. Anh Lượng nói: “Trong thành phố, nhà trạm thường đặt tại trên nóc tòa nhà, đóng trong các nhà container nên mùa hè sẽ tương đối nóng, khi lắp thêm các thiết bị 5G thì gần như điều hòa trong phòng máy luôn hoạt động quá tải để có thể giải nhiệt cho hệ thống. Vì vậy, có hôm mất tín hiệu, anh em tìm hiểu nguyên nhân là do đơn vị vận hành VTNET tắt nguồn vì thiết bị tỏa nhiệt quá lớn làm treo các hệ thống khác trong phòng máy. Rồi cũng có lần mất sóng, mất mạng, anh em vội vàng tìm lỗi, hóa ra người dân ngắt nguồn điện nhà trạm với lý do hệ thống gây ồn. Sau những tình huống như thế, chúng tôi đã lên phương án tìm thiết bị phần cứng thay thế, bảo đảm hệ thống đỡ ồn, đỡ phát thải nhiệt hơn mà vẫn đảm bảo được hiệu năng yêu cầu”.

IMG_1336

1 nhà trạm cách phòng lab không xa

Nền tảng công nghệ 5G phát triển theo 3 tiêu chí: MBB-tốc độ cao, URLLC-độ tin cậy cao độ trễ thấp, IoT-kết nối vạn vật. Đến nay, VHT đã đáp ứng đầy đủ những tiêu chí đó. Chỉ tiêu kỹ thuật của thiết bị 5G được chia thành nhiều giai đoạn phát triển và dần được hoàn thiện. Và đối với những kỹ sư trực tiếp nghiên cứu 5G tại Trung tâm nghiên cứu thiết bị vô tuyến băng rộng, họ hiểu điều đó và đang liên tục cùng nhau nghiên cứu học hỏi, từng ngày hoàn thiện bản thân và hoàn thiện cho sản phẩm 5G.

 

 

  • 521
  • 0 bình luận
  • 3