1. Quy tắc khi nói chuyện trước đám đông
1.1. Biết mình nói gì
Việc đầu tiên cần làm để cải thiện kỹ năng nói trước đám đông là các bạn phải xác định chính xác những gì mình sẽ nói. Sau đó, hãy liệt kê nó thành 3 hay 4 điểm chính và tập trung vào chúng.
1.2. Thực hành kỹ năng nói trước đám đông thường xuyên
Thực hành, nhưng không cần quá nhiều. Hãy liệt kê ra những gì bạn sẽ nói và tập luyện trước 1 hay 2 lần. Trong khi tập, cần lưu ý đến thời gian, việc làm này sẽ giúp bạn kiểm soát bài diễn thuyết của mình tốt hơn. Các bạn cũng nên lập kế hoạch sẽ mặc gì. Chú ý rằng đó phải là bộ đồ mà bạn cảm thấy thoải mái và làm cho bạn nổi bật, chúng sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn đấy.
1.3. Hãy là chính mình
Hãy là chính mình, đừng cố gắng học theo phong cách của một ai đó. Và đừng quên rằng hài hước cũng là một công cụ quan trọng để nâng cao kỹ năng nói trước đám đông. Đôi khi những giai thoại cá nhân hay những mẩu chuyện nhỏ lại chính là một cách rất tốt để giao lưu với khán giả.
1.4. Coi khán giả là bạn bè
Khán giả luôn ở đó, bởi vì họ quan tâm và muốn nghe về những chủ đề bạn nói. Hãy cố gắng nhìn vào một ai đó một lúc, tiếp thu những ý kiến phản hồi của họ để hoàn thành bài nói chuyện của mình.
2. Bí quyết nâng cao kỹ năng nói trước đám đông
2.1. Thu hút mọi người qua ánh mắt
Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, vì vậy, hãy sử dụng ánh mắt đề thu hút sự chú ý của khán giả. Hãy nhìn trực tiếp vào khán giả và cho mọi người thấy rằng bạn đang nói với họ chứ không phải nói với cái trần nhà hay cái phòng. Thay vì nhìn trực tiếp vào mắt hãy nhìn vào khoảng trống giữa lông mày chính xác là chỗ giữa mũi và mắt. Cách nhìn này vừa gây được sự chú ý vừa không làm cho người đối diện thấy sợ hãi.
2.2. Cách nói chuyện
Nói to, rõ ràng, ngắn ngọn nhưng đủ ý dễ hiểu, tránh dài dòng. Các bạn cần thể hiện được sự nhiệt tình trong bài nói, thay đổi âm thanh, giọng điệu lên xuống… Về cơ bản kỹ năng nói trước đám đông là bạn cần phải “kích thích cảm xúc” của người nghe, làm cho bài nói của mình trở nên sôi động và cuốn hút.
2.3. Đừng quá lo lắng về những lỗi nhỏ
Đừng bao giờ cố cất công đi tìm một bài thuyết trình hoàn hảo vì thực chất không bao giờ có cái gì là hoàn hảo hết. Sơ suất của việc phát âm sẽ xảy ra nhưng đừng lo lắng về chúng vì khán giả không chú ý đâu. Họ sẽ chỉ tập trung vào những điểm chính trong bài nói của bạn mà thôi.
2.4. Cử chỉ, dáng điệu
Cần bày tỏ cử chỉ, điệu bộ sao cho thích hợp với điều mình đang nói.
- Tránh đưa tay cao quá cằm hoặc quá thấp, ít nhất là ngang thắt lưng.
- Tránh khoanh tay hoặc chỉ tay trước ngực, không chắp tay sau lưng.
- Tránh đứng yên một chỗ quá lâu, nhưng không nên đi lại nhiều, không dang chân quá rộng và không đứng ở tư thế bắt chéo hai chân.
- Tránh dừng lại quá lâu ở một nơi hoặc một người, không nhìn lơ đãng ra ngoài hoặc ngược lên trời, nhìn chăm xuống đất trong khi nói. Thay vào đó hãy hướng ánh mắt về phía người nghe và dừng lại ở mỗi người một chút, bạn sẽ cảm nhận thái độ quan tâm của người nghe dành cho điều bạn đang nói.
2.5. Tổng kết lại những ý chính
Trước khi kết thúc bài thuyết trình, hãy tổng kết nhấn mạnh vào những điều muốn người nghe lưu tâm. Để bản thân ngày một hoàn thiện, chúng ta phải tự khắc phục và vượt lên mọi nỗi sợ hãi. Chăm chỉ rèn luyện theo những nguyên tắc trên chắc chắn kỹ năng nói trước đám đông của các bạn sẽ được cải thiện rõ rệt. Chúc các bạn thành công.