Trên thực tế, nói năng khéo léo không thôi là chưa đủ mà bạn cần phải học cách lắng nghe. Nếu như tài ăn nói giúp bạn gây ấn tượng thì biết lắng nghe sẽ tạo ra cảm giác gần gũi, quen thuộc cho người đối diện. Bài viết này sẽ giúp bạn hoàn thiện kỹ năng giao tiếp với nghệ thuật lắng nghe khiến người khác muốn chia sẻ.
Hầu hết chúng ta đều khá lúng túng trong việc duy trì một cuộc hội thoại có sức hút. Chính điều đó thôi thúc bạn tìm hiểu sâu hơn về kỹ năng giao tiếp và những gì bạn nhận được chỉ là những bài học lý thuyết thiếu thực tế. Những mánh khóe đó không phải là vô ích, vì chúng sẽ giúp bạn rất nhiều khi đi phỏng vấn hay trong các lần giao dịch kinh doanh. Tuy nhiên, đây không phải là cách duy trì cuộc hội thoại thân mật với một người bạn hay những người thân yêu của chúng ta.
Khởi đầu kỹ năng giao tiếp: học cách im lặng và lắng nghe
Nếu có một người nói rằng bạn nên im lặng để lắng nghe nhiều hơn thì hãy trân trọng người bạn đó. Vốn dĩ việc lắng nghe đã chẳng dễ dàng thì việc yêu cầu người khác lắng nghe còn khó hơn bội phần. Đôi khi, yêu cầu nhỏ nhoi ấy vô hình chung trở thành lời nói khiếm nhã khiến người khác tự ái, tổn thương. Epictetus – một triết gia theo chủ nghĩa khắc kỷ Hy Lạp từng phát biểu: “Loài người sinh ra vốn dĩ đã có hai tai và một miệng. Nhờ đó, chúng ta có cơ hội nghe nhiều hơn gấp đôi mỗi khi cất lời”.
Thực ra trên thế giới này không có điều gì hoàn toàn đúng hay sai, ngay cả nhận định kinh điển của nhà viết kịch William Shakespeare cũng vậy: “Thế giới này là một sân khấu lớn”. Đúng, chúng ta có quyền thực hiện ước mơ và đam mê của mình dù bất cứ đâu, dù bất cứ khi nào nhưng đừng coi sân khấu mà Shakespeare nhắc tới là sân khấu TED Talk – nơi bạn là trung tâm và chỉ xoay quanh những luận điểm của mình. Chính vì vậy, để có thể thấu hiểu và lắng nghe tâm tư của người khác, chúng ta nên học cách im lặng.
Thực sự quan tâm tới những điều người khác đang nói
Trong kỹ năng giao tiếp, lắng nghe để tiếp nhận thông tin không thôi là chưa đủ mà bạn phải thật sự quan tâm tới những gì người khác đang nói. Hãy ngăn bản thân trở thành một phần của cuộc hội thoại nếu bạn chưa sẵn sàng. Một người biết lắng nghe thì luôn cảm thấy tò mò trước câu chuyện của người khác. Họ thật sự mong muốn được nghe, được chiêm nghiệm, được đồng cảm với người đối diện. Và rất có thể, việc chú tâm lắng nghe sẽ giúp bạn học hỏi được những bài học quý giá từ mọi người xung quanh. Khi thật sự lắng nghe những điều người khác sẻ chia, bạn sẽ tạo được mối liên kết vô hình với họ, giúp họ cảm thấy được quan tâm, được thấu hiểu và trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết.
Khi đã lắng nghe, xin đừng làm nhiều việc khác!
Nếu như bạn đang nỗ lực khiến người khác trở nên đặc biệt thì hãy toàn tâm toàn ý lắng nghe câu chuyện của họ. Và bạn không thể làm được điều đó nếu bị phân tâm cho nhiều việc khác. Điểm trừ lớn nhất trong kỹ năng giao tiếp chính là một người tiếp tục nói, kẻ còn lại chỉ đăm đăm nhìn vào điện thoại. Hành động trên không chỉ khiến mối quan hệ trở nên xa cách mà còn khiến người nói cảm thấy như bản thân không được tôn trọng.
Trong trường hợp khác, khi một người đã bắt máy bạn nhưng họ vẫn thao thao bất tuyệt với người đối diện trước mặt. Bạn e ngại rằng bản thân đã gọi điện không đúng lúc nhưng họ vẫn yêu cầu bạn tiếp tục nói. Điều này chẳng phải rất tồi tệ hay sao? Chúng ta không nhất thiết phải nhấc máy khi đang bận. Nếu không thể từ chối cuộc điện thoại đó, hãy lịch sự yêu cầu họ gọi lại sau. Đây mới là cách xử lý thông minh. Để chủ động hơn trong những tình huống như vậy, mỗi khi gọi cho ai đó bạn nên hỏi xem họ có đang bận hay không và vui vẻ cho họ biết bạn có thể gọi lại sau. Chính vì vậy, hãy thật sự tập trung khi lắng nghe người khác, điều đó sẽ giúp bạn hoàn thiện kỹ năng giao tiếp của bản thân.
Đừng biến mình thành trung tâm của cuộc hội thoại
Có thể trong vài cuộc hội thoại, bạn thật sự muốn ngắt lời của đối phương và nói về chính bản thân mình. Khi một người kể về chuyến đi tuyệt vời của họ, bạn lại rất muốn xen ngang và đề cập tới những điều mà bản thân yêu thích trong chuyến đi cuối cùng của mình. Khi một người bày tỏ những tổn thương do mất mát, bạn cũng muốn ngắt lời để trải lòng về khoảng thời gian đau buồn mà bản thân đã từng trải qua. Có đôi lần bạn sẽ cảm thấy như vậy nhưng đừng bao giờ cho phép điều đó xảy ra. Bởi lẽ đây là câu chuyện của họ, không phải của bạn và chẳng có trải nghiệm nào là như nhau. Bạn nên tôn trọng những gì người đối đang chia sẻ và lắng nghe chúng một cách trọn vẹn.
Từ bỏ thói quen phán xét để hoàn thiện kỹ năng giao tiếp
Hầu hết chúng ta đều ý thức được điều gì là tốt nhất cho bản thân nhưng vẫn luôn tìm tới một người bạn để nhận được lời khuyên, trên hết là sự đảm bảo từ người mà chúng ta yêu quý và tin tưởng. Chính vì vậy, bạn không nên phán xét người khác mà hãy chỉ lắng nghe, thấu hiểu và ở bên cho tới khi họ tìm được câu trả lời.
Im lặng và lắng nghe được đánh giá như một trong nhiều phương pháp trị liệu hiệu quả nhất dành cho tâm hồn. Và gia đình bạn, bạn bè của bạn cũng xứng đáng được lắng nghe bởi một người thấu hiểu như bạn. Một cuộc trò chuyện tốt đẹp có thể là mỏ neo cho những mối quan hệ tuyệt vời trong tương lai.
Hãy là người lắng nghe chân thành
Theo Maya Angelou – nhà thơ, tác giả viết hồi ký và diễn viên người Mỹ: “Khi một ngày kết thúc, mọi người sẽ chẳng nhớ bạn nói gì, làm gì. Tất cả những gì còn đọng lại là cảm giác mà bạn đem đến cho họ”. Nếu là một người biết lắng nghe bạn sẽ nhận ra sự khác biệt đó.
Để làm được điều này, trước hết bạn hãy ngừng nói về bản thân, tập trung vào câu chuyện của người khác và chú tâm tới mọi cuộc hội thoại. Quan trọng hơn cả, bạn hãy trở nên thật chân thành và tử tế trước khi quyết định trau dồi kỹ năng giao tiếp của bản thân.