Trong quân sự, TĐH CHĐK sử dụng công nghệ TĐH, công nghệ thông tin và các thiết bị tự động vào quá trình chỉ huy bộ đội và điều khiển vũ khí, trang bị nhằm nâng cao hiệu quả công việc, rút ngắn thời gian chuẩn bị và thực hành tác chiến; nâng cao hiệu suất sử dụng vũ khí, trang bị.
TĐH trong quá trình chỉ huy bộ đội hỗ trợ các hoạt động thu thập, phân loại, xử lý thông tin nhanh chóng, chính xác; giúp người chỉ huy và cơ quan đánh giá, kết luận tình hình, xây dựng quyết tâm, soạn thảo văn kiện; giao nhiệm vụ, hiệp đồng, bảo đảm, phê duyệt quyết tâm, kế hoạch, các thông báo, báo cáo trong tổ chức chuẩn bị tác chiến và chỉ huy điều hành mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị thuộc quyền trong thực hành tác chiến để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Hệ thống tự động hóa chỉ huy điều khiển do Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) nghiên cứu, chế tạo. Ảnh: SƠN BÌNH
TĐH trong quá trình điều khiển vũ khí, trang bị hỗ trợ thay thế một phần hoặc toàn bộ hoạt động điều khiển của con người, làm cho vũ khí, trang bị vận hành nhanh hơn, chuẩn xác hơn và hiệu quả hơn. Chẳng hạn như hệ thống VQ1-M do Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) thiết kế, chế tạo đang sử dụng ở các sở chỉ huy các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân có thời gian giữ chậm tình báo phòng không trong vòng 5-10 giây (so với phương pháp truyền thống thì thời gian giữ chậm tình báo phòng không là hơn 1 phút).
Hiện nay, quân đội các nước đang tích cực phát triển, hoàn thiện và đưa vào sử dụng các trang bị TĐH CHĐK dựa vào khả năng xử lý thông tin, kết nối mạng máy tính nhằm cung cấp một bức tranh chính xác và hoàn chỉnh về chiến trường, giúp người chỉ huy có nhiều thông tin cùng một lúc để phân tích, đánh giá tình hình và đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời. Quân đội Mỹ đưa hệ thống mạng chỉ huy, điều hành tác chiến cho các lực lượng từ năm 1996 và hiện nay đang khai thác sử dụng hệ thống TĐH CHĐK có tên là JADC2 (Joint All-Domain Command and Control). Hệ thống này bảo đảm kết nối, tích hợp theo chiều dọc và chiều ngang các trung tâm CHĐK của các quân, binh chủng ở tất cả các cấp, cũng như với các cơ quan chính phủ dựa trên mạng thông tin toàn cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ. Hệ thống này tạo ra một không gian thông tin tích hợp duy nhất, hoạt động theo thời gian thực hoặc gần với thời gian thực, bảo đảm truyền tin cho các hệ thống chỉ huy, cũng như TĐH quá trình ra quyết định của chỉ huy các cấp.
Quân đội Nga có hệ thống TĐH CHĐK phòng thủ quốc gia bao gồm nhiều trung tâm chỉ huy được trang bị hiện đại, có tính năng ưu việt hơn nhiều lần so với trung tâm cùng chức năng của Mỹ. Từ năm 2014, nước Nga chính thức đưa Trung tâm Quốc gia điều hành quốc phòng vào hoạt động, thực hiện nhiệm vụ trực ban chiến đấu với mức độ bảo đảm an ninh rất cao. Vào thời điểm đó, trung tâm này so với hệ thống cùng chức năng của Mỹ có cơ sở hạ tầng dữ liệu lớn hơn 2-3 lần, bộ nhớ lớn hơn 18,6 lần và tốc độ xử lý thông tin lớn hơn 3,2 lần.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng từng nhấn mạnh: Các quân, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại sẽ phải được trang bị các hệ thống TĐH chỉ huy (C5ISR) trong đó bao gồm các thành phần thu thập thông tin, như: UAV, quang điện tử, radar, vệ tinh; hệ thống truyền nhận thông tin tốc độ cao, thời gian thực; hệ thống xử lý thông tin dữ liệu lớn, thông minh, cung cấp thông tin hỗ trợ giúp cho người chỉ huy và tất cả người lính đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Cùng với hệ thống tự động hóa chỉ huy, các hệ thống vũ khí công nghệ cao cũng cần được nghiên cứu và đưa vào trang bị đồng bộ.
Hiện nay, các hệ thống TĐH CHĐK do Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) nghiên cứu, chế tạo đang được vận hành sử dụng tại các đơn vị của Quân chủng Phòng không-Không quân, Quân chủng Hải quân, Cục Tác chiến điện tử (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam)...
(Theo Quân đội nhân dân)