Môi trường công việc
19/1/2011 - Khởi đầu hành trình hiện thực hóa ước mơ
My Vũ Lv.1
Từ năm 2020, 19/1/2011 được chọn là ngày truyền thống của TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (TCT VHT). Đây là không chỉ đơn thuần là ngày thành lập của Viện Nghiên cứu phát triển Viettel, đơn vị tiền thần của TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel - VHT, mà còn là một dấu mốc có ý nghĩa lớn với sự phát triển Tập đoàn trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất.

Trung Tướng Hoàng Anh Xuân, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đã từng chia sẻ “Sản xuất thiết bị thông tin cho quân đội là ước mơ của rất nhiều người”, việc ra đời Viện Nghiên cứu và phát triển Viettel chính là để Viettel hiện thực hóa ước mơ đó.

CBCNV Vien Nghien cuu va Phat trien Viettel

Ngày 19/11/2011, Tập đoàn ra quyết định số 97/QĐ-VTQĐ-TCLĐ thành lập Viện Nghiên cứu và phát triển (NC&PT) Viettel, với nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, phát triển, chế tạo sản phẩm, thiết bị điện tử, viễn thông, CNTT, truyền thông trong lĩnh vực quân sự, dân sự đưa vào ứng dụng trong và ngoài Tập đoàn; triển khai dự án nghiên cứu sản xuất với đơn vị quân đội. Đây là một nhiệm vụ thách thức, thể hiển khát vọng của lãnh đạo Tập đoàn về việc tự lực nghiên cứu sản xuất được những thiết bị của Viettel, góp phần hiện đại hóa quân đội Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử trong giai đoạn đất nước vừa ra khỏi bao cấp, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng ngay từ những ngày đầu thành lập (1989), trong luận chứng kinh tế kỹ thuật thành lập Tổng Công ty Điện tử thiết bị thông tin (tiền thân của Tập đoàn Viettel ngày nay) đã xác định một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ yếu trong đó có các dự án sản xuất máy thông tin sóng cực ngắn và anten parabol phục vụ cho truyền dẫn vi ba và sản phẩm điện tử phục vụ kinh tế - xã hội. Điều đó cho thấy, ngay từ khi mới thành lập các lãnh đạo của Viettel đã mang trong mình khát vọng tự lực nghiên cứu sản xuất được những thiết bị của Viettel và của Việt Nam.

Le Cong bo Quyet dinh thanh lap Dang bo Viettel R&D _02

Viện NC&PT Viettel ra đời trong giai đoạn các điều kiện đều đã chín muồi để Tập đoàn hiện thực hóa mục tiêu này. Viettel dành tới 10% lợi nhuận lúc bấy giờ cho quỹ Khoa học công nghệ, tương đương với khoảng 1.600 tỷ đồng; nhân sự chất lượng cao chuyên về nghiên cứu là hơn 200 người; các sản phẩm nền tảng đã được xác định là thiết bị thông tin liên lạc, ra đa, các hệ thống chỉ huy điều khiển, các sản phẩm đầu cuối và phục vụ mạng lưới; hệ thống nhà máy sản xuất được hoàn thiện với việc Công ty Thông tin M1 tách từ Binh Chủng thông tin liên lạc về trực thuộc Tập đoàn Viettel.

Với sự đồng hành và hậu thuẫn mạnh mẽ, Viện Nghiên cứu phát triển Viettel đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thiết bị quân sự, hàng nghìn thiết bị thông tin, rada, tác chiến điện tử, quang điện tử, mô hình mô phỏng đã được cung cấp, triển khai hiệu quả trong các quân binh chủng, chất lượng không thua kém sản phẩm ngoại nhập.

Cùng với đó, trong quá trình hoạt động từ năm 2011-2019, một số đơn vị trực thuộc Viện NC&PT được tách ra trở thành tiền thân của Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mạng Viettel (VTTEK), trung tâm Nghiên cứu phát triển vi mạch Viettel (VIC),… để nhận nhiệm vụ nghiên cứu những lĩnh vực mới như nghiên cứu sản xuất hệ thống mạng lõi viễn thông, vi mạch,…. Trong quá trình hình thành và phát triển, hai đơn vị này cũng đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là VTTEK với việc bước đầu làm chủ các dòng sản phẩm thuộc 5 ngành bao phủ tất cả các lớp mạng viễn thông, từ lớp truy cấp đến mạng lõi.

Đến ngày 03/01/2019, ba mảnh ghép là Viện NCPT, VTTEK, VIC được hợp nhất trở thành TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel-VHT, đơn vị chủ chốt của Tập đoàn trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao ở lĩnh vực quân sự, dân sự và viễn thông; thể hiện mục tiêu mới của Tập đoàn trong giai đoạn phát triển thứ tư là trở thành Tập đoàn công nghiệp Công nghệ cao với 3 nền công nghiệp mũi nhọn: công nghiệp quốc phòng, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp an ninh mạng, đưa các sản phẩm: quốc phòng, lưỡng dụng, công nghệ mạng ra thị trường quốc tế.

 Đến năm 2025, trải qua 14 năm hình thành và phát triển, TCT VHT trở thành doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu Việt Nam với gần 40 nghìn tỷ doanh thu; nghiên cứu thành công 116 sản phẩm mới trên 3 lĩnh vực quân sự, dân sự và viễn thông; làm chủ 267 công nghệ lõi; đăng ký 605 sở hữu trí tuệ và được cấp bằng cho 198 hồ sơ, trong đó 24 sáng chế quốc tế (Mỹ), 95 sáng chế trong nước, 28 giải pháp hữu ích, 42 kiểu dáng, 9 nhãn hiệu. TCT VHT khẳng định là đơn vị tiên phong, nòng cốt trong việc nghiên cứu, sản xuất, hiện đại hóa các trang bị, vũ khí cho Quân đội đóng góp vào mục tiêu tự chủ tự cường trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Việt Nam.

 

  • 68
  • 0 bình luận
  • 1