Cùng nhau khẳng định chất lượng mạng Viettel
Không đơn thuần là làm chủ hạ tầng viễn thông cho chính mình, khát vọng của Viettel là người Việt Nam phải làm chủ toàn bộ hạ tầng chuyển đổi số quốc gia. Cùng với các đơn vị khác trong Tập đoàn Viettel, VHT và VTNET đang dần hiện hiện thực hóa ước mơ lớn lao ấy khi cùng nhau phối hợp đưa thiết bị mạng lõi viễn thông do người Viettel nghiên cứu, phát triển vào mạng lưới và đạt hiệu quả. Bằng chứng thấy rõ thông qua các hệ thống như OCS, SMSC, CRBT… và nay là hệ thống thoại chất lượng cao cho mạng 4G, 5G (IMS) do VHT làm chủ công nghệ toàn trình. Từ việc sử dụng toàn bộ hệ thống IMS của Ericson thì đến nay, hơn 50% thị phần IMS vận hành trên mạng lưới VTNet là IMS do VHT nghiên cứu.
Với sự bắt tay giữa đội ngũ kỹ sư VHT (với nhiệm vụ nghiên cứu phát triển) cùng đội ngũ kỹ sư VTNET (với nhiệm vụ vận hành), họ trở thành những chuyên gia thấu hiểu hệ thống IMS. Chất lượng mạng nhờ đó không ngừng được cải thiện, khách hàng được dùng dịch vụ như cam kết và Viettel không bị phụ thuộc vào bên thứ ba.
VHT nhanh và linh hoạt
Trước khi quyết định sử dụng IMS trên diện rộng, VTNET và VHT đã thử nghiệm sản phẩm vận hành trên mạng lưới trong thời gian 2 năm. Xuyên suốt quãng thời gian ấy, sản phẩm VHT phải liên tục vượt qua các bài test, đáp ứng toàn bộ các chỉ tiêu kỹ thuật, từ độ ổn định cho đến tất cả các yêu cầu về vận hành khai thác trên mạng lưới, chứng minh hệ thống IMS VHT có tính năng tương đương vendor nước ngoài.
Quá trình thử nghiệm diễn ra trên cả quy mô hẹp và rộng. Theo như đồng chí Vũ Hữu Tuyển, quy mô hẹp chỉ tiến hành ở vài trạm, cỡ xã, cỡ huyện. Tuy nhiên, với quy mô rộng hơn, công tác đổ tải cỡ một vài tỉnh. Trong quá trình thử nghiệm, VTNET liên tục đánh giá tính ổn định hệ thống, sản phẩm không được xảy ra các sự cố lớn, thậm chí giai đoạn đổ tải 10 triệu thuê bao chỉ trong vòng 6 tháng cũng vậy.
Không giống như sản phẩm công nghệ thông tin thông thường, việc chia sẻ tri thức hay tư liệu về sản phẩm viễn thông thường “đóng” hơn. Lý do mà vendor hạn chế chia sẻ là bởi nguồn doanh thu chủ yếu đến từ các dịch vụ khai thác, duy trì, nâng cấp của hệ thống sau bán. Trường hợp xảy ra lỗi, VTNET cũng chỉ làm việc với đội ngũ hỗ trợ của vendor và vô cùng hiếm khi có thể tương tác với đội ngũ trực tiếp R&D sản phẩm.
Trong khi đó, IMS do VHT nghiên cứu được đánh giá có độ mở cao và linh hoạt. Đồng chí Tuyển phân tích sâu hơn, độ mở được hiểu gồm cả khả năng chia sẻ cùng khách hàng cũng như sẵn sàng tương thích với hệ thống mới. Khi xảy ra lỗi, nếu ở cấp độ bình thường, VTNET ngay lập tức nhận được hỗ trợ từ đội ngũ sau bán hàng VHT. Tuy nhiên, đối với những trường hợp quan trọng, VTNET sẽ nhận lời giải đáp và làm việc trực tiếp với đội ngũ kỹ sư VHT thực hiện R&D sản phẩm. Với cách làm như vậy, các kỹ sư VTNET có thể tìm nguyên nhân vấn đề nhanh hơn, hiểu sâu để làm chủ sản phẩm, giúp quá trình khai thác mạng lưới tốt hơn. Trưởng phòng mạng lõi, VTNET chia sẻ: “Chúng tôi vẫn hay nói với nhau rằng, với IMS do VHT nghiên cứu, giờ đây có thể yên tâm bởi được tiếp xúc trực tiếp với R&D sản phẩm”.
Ngoài tính mở, thời gian đáp ứng yêu cầu sản phẩm của VHT cũng nhanh hơn so với đối tác nước ngoài. Làm việc với vendor, khi đưa ra yêu cầu, VTNET cần đợi từ 6-9 tháng, đó là trường hợp yêu cầu được giải quyết nhanh. Tuy nhiên, với VHT, con số này chỉ bắt đầu từ 3 tháng.
Mỗi vendor cung cấp dịch vụ IMS có một thế mạnh. Lợi thế không thể không nhắc đến khi VHT làm chủ hệ thống đó là khả năng customize sản phẩm phù hợp với đặc điểm mạng lưới vận hành Viettel. Các yêu cầu về xử lý lỗi, yêu cầu về phát triển vận hành khai thác, yêu cầu về tính năng kinh doanh đều được đáp ứng. Đại diện VTNET dẫn chứng: “Khi chúng tôi muốn cái nhìn toàn diện hơn để tăng trải nghiệm khách hàng, hiểu rõ vì sao cuộc gọi của khách hàng bị rớt hay vì sao thiết lập cuộc gọi không thành công, VTNET hoàn toàn có thể đề nghị VHT phát triển module với tính năng mong muốn nhằm xử lý lỗi nhanh và chăm sóc khách hàng. Khi đặt vấn đề với vendor nước ngoài về việc phát triển những tính năng chưa có sẵn, họ sẽ đánh giá mặt bằng chung trên thế giới nhu cầu này có nhiều không. Từ đó, mới quyết định triển khai. Đối với VHT, các yêu cầu đặt ra sẽ được xử lý nhanh, gọn hơn rất nhiều”.
Trong quá trình phối hợp triển khai cùng VTNET, VHT đã tối ưu phát triển thêm các công cụ để nghiệm thu tự động giảm thiểu thời gian nghiệm thu dịch vụ hay những công cụ check list tự động nhằm đảm bảo việc đồng bộ cấu hình trên nhiều hệ thống khác nhau. So với hệ thống Ericsson, IMS VHT có thêm phần traceoffline và event log tối ưu hơn nên việc phân tích các phản ánh khách hàng và vận hành khai thác cũng nhiều ưu việt hơn.
Trong “mắt” đơn vị vận hành mạng lưới, nhanh và linh hoạt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khách hàng chính là ưu điểm về sản phẩm IMS VHT. Hơn nữa, bằng việc sử dụng hệ thống do chính nội lực Viettel nghiên cứu, chi phí tiết kiệm ½ so với sử dụng sản phẩm vendor nước ngoài.
Qua thực tế triển khai thử nghiệm hệ thống IMS trên mạng lưới 2 năm, VTNET đánh giá, sản phẩm VHT hoàn toàn có khả năng cạnh tranh sản phẩm với các vendor nước ngoài. Đại diện VTNET nhấn mạnh: “Sản phẩm viễn thông đòi hỏi độ ổn định cao. Đặc biệt, yêu cầu này càng khắc nghiệt đối với những hệ thống mạng lõi. Trước khi đưa vào vận hành, VTNET sử dụng hệ thống IMS của Ericson. Vậy, để chúng tôi quyết định sử dụng hệ thống IMS của VHT, chắc chắn, sản phẩm phải bảo đảm tính ổn định, đáp ứng những tiêu chí về kỹ thuật để không được phép gián đoạn mạng lưới”. Ngoài quy hoạch tại Việt Nam, VTNET đã có lộ trình triển khai hệ thống này tại các thị trường nước ngoài của Viettel.
“Đêm trắng” của kỹ sư VHT và VTNET
IMS là hệ thống rất phức tạp cả về kỹ thuật cũng như dịch vụ. Trước khi mạng lưới đổ tải thành công 10 triệu thuê bao IMS như ngày hôm nay là những “đêm trắng” của đội ngũ kỹ sư 2 bên. Anh Vũ Huy Tuyển vẫn nhớ, trong giai đoạn thử nghiệm diện hẹp sản phẩm nhiều vấn đề phát sinh xảy ra. Có giai đoạn, kỹ sư 2 bên thức thâu đêm nhiều hôm liên tiếp để tìm lỗi và tối ưu hệ thống. “Là người cấp dịch vụ tới khách hàng, chỉ cần 1,2 phản ánh từ khách hàng cũng khiến chúng tôi rất trăn trở. Vì vậy, VTNET và VHT cần làm sao để luôn tối ưu hệ thống, không để khách hàng gặp phiền phức. Tôi vẫn nhớ đợt nghỉ lễ 30/4 năm 2021, dù không ai muốn làm việc ngày nghỉ lễ, tuy nhiên, hệ thống xảy ra trục trặc, VHT và VTNET ngay lập tức giải quyết vấn đề ngay trong đêm 30/4 và nhất định không để xảy ra bất kỳ gián đoạn nào”.
Trường hợp xảy ra sự cố hay phản ánh từ khách hàng, trong mọi trường hợp VTNET cần, VHT luôn cử nhân sự xử lý cùng hỗ trợ. Điều này nhận được sự đánh giá rất cao từ VTNET. 2 năm thử nghiệm hệ thống đòi hỏi công sức, sự đầu tư của hai đơn vị VHT và VTNET với rất nhiều nguồn lực và chẳng hề đơn giản. Tuy nhiên, cùng nhau thực hiện chiến lược chung của Tập đoàn về làm chủ hạ tầng mạng viễn thông, họ chấp nhận những giai đoạn thử thách để hướng tới mục tiêu lớn lao hơn.
Theo chủ trương của Tập đoàn, sản phẩm viễn thông Viettel hướng đến chinh phục thị trường quốc tế. Cùng với những sản phẩm như hệ thống OCS, SMSC, CBRT,.. IMS VHT vận hành đem lại hiệu quả trên chính mạng lưới Viettel sẽ là bàn đạp để khách hàng trên toàn cầu tin tưởng về hệ sinh thái viễn thông Viettel.