One Viettel
Phim: Hành trình hệ sinh thái làm chủ 5G
Vũ My Lv.1
Với việc đã làm chủ toàn bộ hệ sinh thái 4G, chiến lược nghiên cứu 5G Viettel là sẽ xây dựng đồng bộ tất cả các thành phần mạng 5G, gồm mạng lõi; Mạng truyền dẫn và Mạng truy cập vô tuyến.  

Hiện nay, trên thế giới có 247 nhà mạng tại khoảng 100 quốc gia đã triển khai 5G. Đến cuối năm 2022 toàn cầu đã có 1,1 tỷ thuê bao 5G.

Tại nước láng giềng Trung Quốc: Cuối tháng 5/2023, số người dùng di động sử dụng 5G ở Trung Quốc đạt 651 triệu.

Những con số trên cho thấy, công nghệ 5G đang phát triển rất mạnh trên thế giới. Hiện mới chỉ có 5 công ty sản xuất thành công thiết bị 5G là Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE.

Đây đều là những doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm sản xuất thiết bị viễn thông hàng chục năm qua. Điều đó cũng cho thấy việc VHT dám nhận thử thách sản xuất thiết bị 5G từng bị coi là quá sức, là ảo tưởng. Chúng ta không có kinh nghiệm, tài liệu tiếp cận hạn chế. Nhưng các kỹ sư của Viettel không nghĩ vậy, họ đặt ra mục tiêu phải đồng nhịp với công nghệ thế giới.

THIẾT BỊ SIÊU TỐC ĐỘ RA ĐỜI BẰNG TỐC ĐỘ KHÔNG TƯỞNG

Với việc đã làm chủ toàn bộ hệ sinh thái 4G, chiến lược nghiên cứu 5G Viettel là sẽ xây dựng đồng bộ tất cả các thành phần mạng 5G, gồm mạng lõi; Mạng truyền dẫn và Mạng truy cập vô tuyến.  

Cụ thể hóa chủ trương, tháng 6/2019 Tập đoàn đã có Quyết định giao nhiệm vụ: nghiên cứu, chế tạo trạm thu phát gốc vô tuyến 5G gNodeb cho VHT chủ trị và đồng chí Nguyễn Chí Linh là Chủ nhiệm đề tài.

Đó là thời điểm Trung tâm Vô tuyến Băng rộng của VHT cũng vừa gói ghém gần 5 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển trạm phát sóng 4G vốn đi sau thế giới khoảng 10 năm. Thời điểm Viettel bắt tay vào nhiệm vụ mới, chưa có hãng sản xuất nào tuyên bố có chipset xử lý băng gốc cho 5G. Còn giải pháp phần mềm L1, L2, L3 vẫn ở mức sơ khai, chưa có sản phẩm thương mại. Chỉ 4 tháng sau, ngày 30/10/2019, lần đầu tiên điện thoại trong phòng lab VHT hiển thị biểu tượng sóng 5G.

Chia sẻ về quá trình nghiên cứu 5G, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu thiết bị Vô tuyến băng rộng Nguyễn Chí Linh khẳng định rằng: "Trong 1 ngôi nhà chung, chúng tôi có 1 mục tiêu chung. Đoàn kết là cái đến thời điểm hiện tại chúng tôi tiếp tục giữ và có niềm tin vào khả năng làm chủ 5G của Viettel".

Nhưng bắt tay sâu hơn vào nghiên cứu, nhóm đề tài tiếp tục phải đổi diện với rất nhiều khó khăn. Khách quan là thời điểm nghiên cứu trạm Microcell 8T8R cũng trùng với cao điểm bùng phát đại dịch Covid-19. Điều này ảnh hưởng đến nguồn cung cấp vật tư, linh kiện, trang thiết bị cho quá trình nghiên cứu, từ dẫn tới tiến độ ra đời của sản phẩm bị chậm.

Có những thuật toán bế tắc đến vài tháng trời. Có những lần thử nghiệm không nhìn thấy đích đến. Nhưng trong khoa học, mỗi lần thử nghiệm, thì dù kết quả có giống như dự kiến hay không thì đều là một nghiên cứu có giá trị. Thấu hiểu điều này, Ban lãnh đạo TCT VHT luôn khuyến khích sự sáng tạo, chấp nhận những thất bại. 

Điều này đã tạo ra sự tự tin cho đội ngũ nghiên cứu, đồng thời đẩy nhanh quá trình tích lũy kinh nghiệm.

Vượt qua những nghịch cảnh do ngoại cảnh gây ra và cả những thử thách của công nghệ mới, từ năm 2019 đến nay, là hàng nghìn ngày đêm đi tìm lời giải cho tầng tầng lớp lớp những bài toán khó, là những ngày cả nhóm đề tài làm xuyên lễ, xuyên tết.  Sau 3 năm nghiên cứu nhóm đề tài đã phát triển được 3 sản phẩm là: 4T4R; 8T8R; 32T32R và đang phát triển sản phẩm 64T64R… Thiết bị đã cải thiện vượt trội và đạt chỉ tiêu kỹ thuật mà Tập đoàn đặt ra. Những tính năng này cơ bản đã tương đương với các vendor lớn khác trên thế giới. 

NHIỀU THỬ THÁCH TRONG THỬ NGHIỆM SẢN PHẨM

Nghiên cứu ra sản phẩm đã khó, nhưng việc đưa vào thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm để ra thị trường lại tiếp tục đặt ra những bài toàn khó. Nó tiếp tục đòi hỏi tinh thần dấn thân và trí sáng tạo của người Viettel….

Đây là, Trung tâm Hành chính tỉnh Ninh Thuận, địa điểm được lựa chọn cho quá trình thử nghiệm 5G trên diện rộng.

Theo phản ánh của người trải nghiệm dịch vụ 5G ở khu vực này xảy ra tình trạng không thể truy cập được vào mạng 5G. Kết quả đo kiểm của các kỹ sư VTNET cũng cho kết quả tương tự.

Kỹ sư nghiên cứu ứng dụng Vô tuyến, Trung tâm Chiến lược mạng lưới, VTNET, kỹ sư Bùi Ngọc Thắng cho biết: "Phản ánh địa điểm này lên 5G khó và chính bọn em cũng gặp phải. Đặc biệt là trên dòng Samsung…".

Từ phòng lab ra đến thực tế và lên mạng lưới, các kỹ sư đã phát hiện ra sản phẩm còn nhiều tính năng cần phải hoàn thiện.

Thử nghiệm diện càng rộng, số lỗi 5G phát sinh càng nhiều, trong đó có những lỗi nhóm dự án không lường trước được….

Đặc biệt khó giải nhất là nhiều cuộc gọi VoLTE bị lỗi, tỷ lệ khách hàng báo về lên tới 20% cuộc gọi bị lỗi. Nhận định đây là 1 lỗi phức tạp, VHT và VTNET triển khai thành 3 nhóm thu thập thông tin, tái hiện và xử lý lỗi.

Dưới cái nắng nóng giữa trưa lên đến trên 40 độ C của mảnh đất Ninh Thuận, 2 kỹ sư trẻ của trung tâm Vô tuyến băng rộng liên tục di chuyển trên các cung đường để đo kiểm các khung giờ cao tải. Để tìm ra lỗi họ buộc phải làm việc trong mọi thời điểm và trong mọi điều kiện thời tiết.

Trưởng phòng Kiểm thử, Trung tâm Vô tuyến băng rộng, Nguyễn Thị Tuyền trải lòng: "Test những giờ cao tải, ví dụ như giờ tan tầm, hoặc vào buổi trưa, hoặc buổi. Những thời điểm cao tải không cố định".

Thông tin gửi về từ Ninh Thuận sẽ được hàng chục kỹ sư của VHT ở nhà đánh giá, tái hiện vấn đề gặp phải và tìm hướng khắc phục lỗi. Tất cả đều được thực hiện gấp gáp với mục tiêu hoàn thiện sản phẩm nhanh nhất. Làm việc với tinh thần thời chiến, sẵn sàng nhận mọi việc khó; dấn thân vì mục tiêu chung chính là tinh thần xuyên suốt của đội ngũ kỹ sư VHT tham gia dự án 5G.

Đ/c PHẠM KIM ANH DŨNG - Trưởng phòng Phát triển phầm mềm giao thức, Trung tâm Nghiên cứu thiết bị Vô tuyến băng rộng, VHT chia sẻ rằng: "Với nhóm dự án luôn giữa được tinh thần chiến đầu rất cao, từ thời còn làm 4G anh em ở cả tháng trên Hòa Lạc là bình thường để giải quyết các bài toán đặt ra. Tinh thần đó đã lan truyền đến tận bây giờ, kỹ sư trẻ giữ được tinh thần của các đàn anh….".

Sau 2 tuần nhóm kỹ sư đã tìm ra được kết quả và tiến hành sửa lỗi. Kết qua sau tối ưu cuộc gọi VoLTE bị lỗi chỉ còn 1% bị lỗi và sẽ được tiếp tục xử lý trong thời gian tới. Quá trình làm việc tại Hà Nam và Ninh Thuận, nhóm đã phát hiện và khắc phục được một số lỗi như tại sao một số vị trí khó vào được 5G, giải quyết được những vị trí sóng yếu, sóng kém mà trong lab ít khi va vấp phải.

Những nghiên cứu của các kỹ sư VHT đã có bước tiến triển lớn. Kết quả này có được còn là sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo TCT VHT, sự chỉ đạo sát sao của các lãnh đạo Tập đoàn, trực tiếp chỉ đạo đề tài, giao cho các TCT, đơn vị cùng tham gia hỗ trợ, gỡ các nút thắt.

Sau khi khắc phục các tồn tại và tối ưu tham số, cơ bản chất lượng mạng 5G VHT tại Phủ Lý đã đạt chỉ tiêu Kỹ thuật. Chủ tịch Tập đoàn đã cho phép phát sóng 5G NSA tại toàn bộ tỉnh Hà Nam nhằm mở rộng phạm vi thử nghiệm, tăng khả năng phát hiện lỗi để tối ưu và nâng cao chất lượng sản phẩm….

Từ khai thác chuyển sang chế tạo, sản xuất. Từ phụ thuộc chuyển sang làm chủ công nghệ, không để bị động, bất ngờ. Điều quan trọng là chúng ta sẽ không còn phải phụ thuộc vào thiết bị của các đối tác nước ngoài khi sản xuất thành công thiết bị 5G.  

Đến nay, Viettel đã hoàn thành lắp đặt và triển khai 282 trạm gNodeB 8T8R tại 4 tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận.

 Hiện nay, toàn bộ 5G tại tỉnh Hà Nam đã chạy trên nền tảng do VHT nghiên cứu, sản xuất gồm mạng lõi 5G, Site Router, gNodeB.

Mỗi dấu mốc trên là một bước tiến của Viettel trên con đường kiến tạo hạ tầng số hiện đại nhất Việt Nam và cũng cho thấy người Viettel đang nỗ lực thực hiện đúng cam kết với Chính phủ và người dân trong việc đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong về cung cấp 5G trên thế giới nhằm thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu hình thành xã hội số ở Việt Nam.

ĐẨY NHANH TỐC ĐỘ HOÀN THIỆN SẢN PHẨM

Sự khác biệt so với 4G là điều đồng chí Diễm cảm nhận rõ rệt khi trải nghiệm 5G Viettel. Càng tự hào đồng chí càng thấy mình phải có trách nhiệm đóng góp cho 1 sản phẩm công nghệ khó của Tập đoàn. Đ/c Nguyễn Dương Hoài Diễm – Phòng Kinh doanh, VT Ninh Thuận từng nói rằng: "Em cũng cảm nhận có 1 cái gì đó không lớn nhưng đóng góp vào sự phát triển của VT Ninh Thuận".

Là tỉnh được chọn lắp đặt, thử nghiệm 5G do chính người Viettel nghiên cứu là niềm vinh dự, tự hào với mỗi CB, CNV VT Ninh Thuận. Đơn vị đã thành lập 2 nhóm zalo là: nhóm trải nghiệm người dùng với hơn 80 CB, CNV trải nghiệm để phản ánh, góp ý về lỗi gặp phải; và nhóm phối hợp với VHT, VTNET để phản ánh những vướng mắc về chuyên môn, thao tác lắp đặt, vận hành, và đặc biệt là phản ánh lỗi 5G...

Đ/c PHẠM HỒNG LÀNH – Giám đốc Viettel Ninh Thuận cho biết: "Mình trực tiếp dùng và khát khao với 5G hơn. Mình phát hiện được những vấn đề lỗi, đưa vấn đề lên và theo vấn đề đó, xử lý triệt để thì nó giúp cải thiện chất lượng chúng ta ngày càng tốt hơn. Nếu mà mình dễ tính, mình bỏ qua thì chắc là cũng căng"/

Không chỉ các Chi nhánh mà VTNet cũng đóng vai là 1 khách hàng khó tính khi đưa ra những yêu cầu rất cao về các tính năng sản phẩm 5G, nhưng vừa là một người bạn đồng hành khi cùng nhau giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm.

Từ giai đoạn nghiên cứu, đến giai đoạn giai đoạn tối ưu thiết bị… trong mỗi công việc đều có sự hợp tác chặt chẽ giữa 4 TCT là: VHT, VTNET, VTT và VCC. Sự hợp tác này đã tạo ra nguồn lực và sức mạnh lớn hơn để thúc đẩy sản phẩm 5G Viettel hoàn thiện nhanh hơn.

Đ/c NGUYỄN THANH HẢI, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Mạng lưới và Đổi mới Công nghệ VTNET nhận định: "Cơ hội hợp tác vứoi VHT cho các kỹ sư VTNet thay đổi chính mình cũng như bước những bước đầu tiên trong con đường nghiên cứu phát triển". Còn đối với VHT, Đ/c LÊ TRƯỜNG GIANG – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thiết bị Vô tuyến băng rộng, VHT chia sẻ thực tế: "Quá trình thử nghiệm mạng lưới cũng là bài toán thực tế để chúng tôi sửa lỗi cũng như là có những thuật toán, tính năng sản phẩm".

Lợi thế và sức mạnh Viettel so với các công ty công nghệ thế giới là ở chỗ: chúng ta vừa là nhà nghiên cứu, vừa là nhà vận hành khai thác. Quá trình thử nghiệm 5G vừa qua, với mạng thật, người trải nghiệm thật, tải thật… đã giúp sản phẩm từng bước hoàn thiện. Quá trình này càng hiệu quả hơn khi có sự hợp lực, trách nhiệm đóng góp cho sản phẩm của mỗi thành viên trong ngôi nhà chung Viettel.

Tại Việt Nam, lộ trình thương mại hóa công nghệ 5G diện rộng chỉ được xác định khi đã đấu giá tần số 5G thành công. Theo tính toán của Bộ TT&TT, hiện tại là thời điểm chín muồi để các nhà mạng Việt Nam đấu giá tấn số 5G. Vì thế mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã giao nhiệm vụ: “Việc đấu giá tần số 4G/5G thành công trong năm nay đã trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Cục Tần số vô tuyến điện”. Nếu mọi việc suôn sẻ thì Việt Nam sẽ chính thức thương mại hoá công nghệ 5G trên cả nước vào năm 2024. Như vậy, thời gian để các công ty viễn thông trong nước có thể đóng gói và thương mại hóa sản phẩm sẽ không còn nhiều. Chính vì vậy, đây là thời điểm sản phẩm 5G Viettel cần có sự đột phá về tốc độ ra đời sản phẩm.

Từ “trái tim nhà mạng OCS” đến thiết bị thu phát sóng gNodeB, hay gần đây nhất là thiết bị Site Router, mạng lõi… Đó là hành trình làm chủ từ những con số 0 của người Viettel. Nó không dài về thời gian nhưng có vô số những thách thức. Và đến nay, Viettel đã tự tin làm chủ 100% công nghệ viễn thông.

Không có những con người vĩ đại ngay từ đầu, chỉ có những công việc vĩ đại, tạo ra những con người vĩ đại.

Quá trình hoàn thiện thiết bị 5G vẫn cần phải được tiếp tục đẩy nhanh. Nhưng với những thành quả hiện có, niềm tin về việc làm chủ công nghệ đang ngày càng được củng cố.

Thành quả trên bắt đầu từ một khát vọng chung của các thế hệ người Viettel là Làm chủ ngành sản xuất. Với 5G người Viettel lại bước vào hành trình từ những con số 0 để viết lên những kỳ tích mới. Đó là con đường giúp người Viettel sẽ tự làm chủ không gian phát triển của mình, đồng thời cũng làm con đường để Viettel thực hiện sứ mệnh Tiên phong kiến tạo số.

  • 677
  • 0 bình luận
  • 2