Trận chiến khốc liệt với đất trời Trường Sa
Đã hơn 2 năm trôi qua nhưng đồng chí Nguyễn Văn Đức vẫn chưa thể nào quên được một quyết định khó khăn mà đồng chí đã phải đối diện.
Đó là vào hồi tháng 10/2020, đồng chí Đức là 1 trong 4 kỹ sư của VHT nhận được nhiệm vụ: tích hợp, phát sóng thử nghiệm dự án đài ra-đa cảnh giới bắt thấp tại 8 điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa.
Khi tàu vừa rời cảng được 1 thời gian ngắn thì đồng chí Đức nhận được tin bố ruột ở quê qua đời. Khi đó, đoàn công tác đã lên phương án liên hệ với tàu cá của ngư dân để đồng chí trở lại đất liền chịu tang bố.
Trong lòng muốn được về nhìn mặt bố lần cuối, nhưng vì đây là nhiệm vụ thiêng liêng nên đồng chí Đức đã cố nén đau thương, quyết tâm cùng đồng nghiệp hoàn thành nhiệm vụ.
Đồng chí Nguyễn Văn Đức - Phòng Công nghệ và Kỹ thuật Sản xuất, Trung tâm Sản xuất, bộc bạch rằng: "Ra tới đảo để triển khai cho 1 đảo ở Trường Sa là một điều rất là vinh dự. Được gia đình động viên là con hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan nhà nước thì lúc đó mình cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để sớm về với gia đình".
Hành trình đưa khí tài quân sự VHT tới Trường Sa của đồng chí Nguyễn Văn Đức và các đồng nghiệp là một nhiệm vụ vẻ vang, đánh dấu bước phát triển mới của VHT nói riêng và Tập đoàn nói chung. Lần đầu tiên, khí tài quân sự của VHT được triển khai tại Trường Sa, và đó là thành phẩm sau nhiều năm làm việc, thử nghiệm liên tục.
Với những thành viên được giao nhiệm vụ này vừa là một vinh dự nhưng cũng là trận chiến khốc liệt với cả đất trời Trường Sa; với những thử thách đối khi vượt quá sức chịu đựng của người bình thường.
Đoàn công tác đến điểm đảo đầu tiên vào đầu tháng 11, nhưng thuyền không thể cập bến. Bão đến, biển động, tàu lượn vòng quanh đảo đến 15 ngày không thể bốc hàng lên. Đứng trước thách thức đó, anh em trong đoàn đã phải tranh thủ từng phút biển lặng để bốc dỡ, chuyển tải vào đảo. Theo cách đó, họ cùng với các đơn vị phối hợp đã vận chuyển gần 100 tấn hàng lên đảo.
Dưới biển là sóng gió, mưa bão rình rập, lên đảo họ lại đối diện với thời tiết nắng nóng bỏng rát, độ ẩm cao ở Trường Sa khi lắp đặt thiết bị. Nhưng thiên nhiên khắc nghiệt đã bào mòn cơ thể của nhiều thành viên trong đoàn công tác. Sau chuyến công tác dài 3 tháng có người đã sút tới 8kg. Nhưng điều đó không khuất phục được tinh thần dấn thân và và ý chí của những kỹ sư VHT.
Đoàn công tác đã hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn, bàn giao tám đài ra-đa, đồng thời tổ chức vận hành khai thác cho đơn vị trên đảo.
Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Phòng Bảo hành Hỗ trợ Kỹ thuật - Trung tâm Dịch vụ Sau bán hàng - VHT nhớ lại những ngày tháng đó và chia sẻ rằng: "Nhiệm vụ này bằng mọi giá chúng ta phải hoàn thành từ đó tạo động lực để chúng tôi quyết tâm hoàn thành, vượt qua tất cả những khó khăn, nguy hiểm rình rập để đi đến sự thành công".
Hơn 10 năm triển khai các dự án quân sự cũng đồng nghĩa với những chuyến đi thử nghiệm, lắp đặt khí tài tại những khu vực xa xôi, khó khăn nhất của Tổ quốc… Tinh thần dấn thân, khát vọng cống hiến vì những mục tiêu thiêng liêng của các kỹ sư VHT đã để lại ấn tượng sâu sắc với chính những đối tác. Sự cảm phục này được nhiều đại biểu nêu ra tại Hội nghị “Sóng cộng hưởng, gắn kết vươn xa” giữa VHT và Quân chủng Phòng không Không Quân.
"Kỷ niệm nhớ nhất của tôi là những ngày cùng kỹ sư VHT triển khai hệ thống CHĐK trên quần đảo Trường Sa năm 2013. Nhóm do tôi dẫn đi đến đảo Song Tử Tây. Tại đây, người VHT thể hiện quyết tâm vươn xa và đến những nơi gian khổ nhất, phức tạp nhất", đồng chí Ngô Thành Dũng, Phó Trưởng ban Ban quản lý dự án VQ2/Bộ Tham mưu cho biết.
Thách thức
Thiết kế các khí tài quân sự là lĩnh vực đòi hỏi rất khắt khe của đối tác về tính năng của sản phẩm. Với những kỹ sư trẻ của VHT chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khí tài quân sự thì đây thực sự là một thử thách. Bằng tri thức và khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, họ đã ghi tên Việt Nam lên bản đồ quân sự thế giới.
Một ví dụ điển hình là dự án Ra-đa cảnh giới biển tầm trung VRS-CSX.
Câu chuyện khởi đầu vào năm 2015, khi Quân chủng Hải quân có nhu cầu trang bị đài ra-đa có chức năng quan sát, phát hiện các loại mục tiêu trên biển và trên không tầm thấp. Yêu cầu công nghệ đặt ra là khí tài phải sở hữu tham số tính năng kỹ - chiến thuật tương đương với loại đài ra-đa Score 3000 của Pháp mà Quân chủng đang sử dụng, nhưng cần cải tiến để phù hợp với điều kiện tác chiến của Việt Nam. Đề bài đặt ra là rõ ràng nhưng đi tìm lời giải là không hề đơn giản.
Khó khăn là các ra-đa Score 3000 luôn ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, các kỹ sư VHT không có nhiều cơ hội tiếp cận sâu các thành phần của khí tài này. Bên cạnh đó, kỹ sư VHT gần như không có kinh nghiệm và hiểu biết về môi trường biển và khí quyển vùng biển lên tín hiệu radar, các đặc trưng tàu bè. Vừa làm vừa thử tại trận địa, nhóm dự án đã bám bờ biển liên tục 6 phát sóng trực tiếp và hiệu. Kỹ sư VHT buộc phải giải tham số hệ thống bằng cách tự chủ hoàn toàn trong thiết kế. Riêng giao diện người dùng cuối cùng, kỹ sư VHT đã thiết kế 36 phiên bản để đáp ứng mọi yêu cầu từ đơn vị hải quân.
Sau hơn 5 năm nghiên cứu, sản xuất, công trình đã hoàn thành và cho ra đời sản phẩm ra-đa cảnh giới biển tầm trung VRS-CSX hoàn toàn bằng nguồn lực trong nước mà không thực hiện chuyển giao công nghệ.
Trong suốt quá trình thai nghén đến khi một sản phẩm ra-đa hoàn chỉnh ra đời, không ít lần các kỹ sư VHT phải “nếm mật nằm gai”.
Chủ nhiệm đề tài radar VRS-CSX Lê Trung Đức đã bày tỏ rằng: "Nếu như nói rằng, chỉ trong khuôn khổ của một công việc, có lẽ chúng tôi sẽ không thể làm được nhưng đối với radar nói riêng và sản phẩm quân sự nói , chúng tôi không hề nói quá rằng, chúng tôi đến với sản phẩm, chúng tôi làm, tạo ra sản phẩm bằng sự đam mê bởi chúng tôi biết sự đam mê của chúng tôi là để phục vụ Tổ quốc".
Trong giai đoạn 2020 – 2021, tinh thần dấn thân và trí sáng tạo của người Viettel Hightech lại chịu thêm thử thách khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Cũng như mọi hoạt động kinh tế xã hội khi đó, các dự án mà Viettel Hightech đang thực hiện bị tác động lớn từ các biện pháp phòng chống dịch.
Sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng tới nguồn vật tư, linh kiện cho các dự án. Đội ngũ kỹ thuật phải chọn phương án thay đổi linh kiện.
Nghe thì đơn giản nhưng về bản chất việc thay đổi đã đẩy công việc lui về gần điểm xuất phát. Bởi thay thế vật tư đồng nghĩa với việc sửa đổi, thậm chí thiết kế lại từ đầu.
Việc tập huấn các đơn vị vận hành, hướng dẫn hệ thống phục vụ nghiệm thu buộc phải có mặt trên nhiều địa .
Thời gian tập huấn cộng với cách ly khiến mỗi chuyến chuyển giao đi có thể phải kéo dài ròng rã cả trăm ngày.
Khoảng thời gian này với một người mẹ có con nhỏ như Lưu Thị Hoàng Yến, thành viên của nhóm VQ-2, quả thực là một sự hy sinh. "Đối với khoảng thời gian dài như vậy, phải tạm gác lại việc gia đình vì công việc chung. Lo cho con gái hơn bản thân mình. Khi đó chỉ có thể liên lạc qua điện thoại vào buổi tối. Tuy nhiên, cũng không thể liên lạc thường xuyên vì nhiều buổi làm việc tới 11h đêm", kỹ sư phân tích hệ thống Lưu Thị Hoàng Yến nhớ lại.
Điều đáng nói, tổ chức không hề ép buộc và có sự chuẩn bị phương án nhân sự thay cho các trường hợp điều kiện gia đình không cho phép. Thế mới thấy, việc tình nguyện tham gia đoàn chuyển giao giữa mùa dịch của những người như Yến là điều rất đáng trân trọng.
Người Viettel bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Và đây là thành quả của những ngày tháng vất vả của các kỹ sư mô phỏng VHT. Một tổ hợp mô phỏng huấn luyện cả phi công lẫn kíp chỉ huy bay và dẫn đường, bay đơn lẫn bay biên đội 12 chiếc, đáp ứng chuẩn mô phỏng tần số tính toán và truyền tin. Một hệ thống do người Việt Nam thiết kế mà theo đánh giá của Trung tướng Phạm Tuân là không hề thua kém các hệ thống tương tự trên thế giới.
Tải nghiệm sản phẩm, Trung tướng Phạm Tuân nhận xét rằng: "Rất là mừng chúng ta đã có những tiến bộ rất lớn trong chế tạo những trang thiết bị mới phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của chúng ta".
Sự ghi nhận của một phi công kỳ cựu với sản phẩm của VHT là hết sức đáng quý, đáng trân trọng nhưng thiết thực nhất vẫn là thể hiện qua kết quả nghiệm thu và triển khai trên thực tế.
Đài radar VRS-SRS là đài radar 3D đầu tiên do Viettel sản xuất, đã được triển khai ở 26 vị trí, có khả năng cơ động cao và đây cũng là loại khí tài góp phần bảo đảm an ninh cho Đại hội Đảng năm 2021.
Và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, QC PKKQ triển khai radar trên nóc 1 tòa nhà. Tại các đảo Trường Sa lớn, Phan Vinh, Nam Yết, Song Tử Tây… giờ đây đều được trang bị đài ra đa cảnh giới của Viettel. Cán bộ, chiến sỹ tại Trường Sa ví đây như một con mắt thần cùng góp phần canh giữ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.
Đại úy Trần Văn Cường, Trạm trưởng trạm Radar 11 Đảo Trường Sa lớn trực tiếp vận hành khí tài bày tỏ rằng: "Là người dân Việt Nam, là người quân nhân, rất mong muốn trong thời gian tới vũ khí của nước mình sẽ được sử dụng ở trong nước mình, và bản thân chúng tôi cũng thế, rất mong vũ khí của người Việt Nam sản xuất ra sẽ được đưa vào ứng dụng thực hành trong thực tiễn chiến đấu...".
Với hệ thống Ra-đa cảnh giới biển tầm trung VRS-CSX Viettel vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - công nghệ đợt 6. Đằng sau sự ghi nhận đó là niềm vinh dự, tự hào của đội ngũ kỹ sư VHT vì đã góp phần nhỏ bé vào những mục tiêu thiêng liêng của tổ quốc.
Bổ sung, hỗ trợ vùng nhìn thấp cho các đài radar, các hệ thống quang điện tử với khả năng phát hiện bắt bám những mục tiêu cực nhỏ như UAV do VHT sản xuất đã được nghiệm thu 37 đài và 13 bộ zip. Trong đó có 26 đài được đưa vào trực ban chiến đấu. Điều đáng kể là nhóm đã hoàn thành khối lượng công việc của 3 năm trong thời gian 1 năm. Nếu đứng ở thời điểm xuất phát nhìn những kết quả này thì chỉ có thể mô tả bằng 2 chữ: KHÓ TIN.
Vượt qua dấu hỏi về năng lực của đối tác, hệ thống VQ-2 đã được nghiệm thu tại 173 đơn vị trên toàn quốc đang góp phần thay đổi từ cách thức tới tư duy điều hành tác chiến, đưa Việt Nam vào nhóm 8 nước trên thế giới sở hữu hệ thống có năng lực chỉ huy hiện đại.
Thiếu tướng Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Phòng không Lục quân bày tỏ quan điểm thẳng thắn: "Chúng ta cần đột phá trong công nghiệp quốc phòng và Viettel là thành tố quan trọng của công cuộc đó. Tôi rất ấn tượng và đánh giá cao thành quả của Viettel và VHT. Các đồng chí có vai trò hết sức quan trọng và tôi mong thời gian tới các đồng chí có thể tập trung phát triển tốt hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của Quân đội và sẵn sàng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc".
Những con số đáng tự hào của các dự án đã được nghiệm thu hòa chung vào thành tựu mà các thế hệ Viettel không ngừng vun đắp. Nhưng mới chỉ là biên bản đầu tiên phản ánh một phần những nỗ lực, vất vả, hy sinh vượt khó của biết bao nhiêu người Viettel đang ngày đêm in dấu chân trên khắp đất nước, từ những nhân viên dây máy, vận hành nhà trạm, các tư vấn viên tới các kỹ sư công nghệ cao - những người, dù ở vị trí nào cũng luôn sẵn sàng đảm đương những trọng trách mới, đương đầu với những thử thách mới, bước trên những hành trình mới mà chắc chắn ở đó không có chỗ cho hai từ: BỎ CUỘC.