Không đơn giản như suy nghĩ ban đầu
Chiến tranh Nga – Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nghiên cứu sản xuất nhưng điều này cũng đem đến cho Trung tâm Thông tin & Tác chiến điện tử (TTTT&TCĐT) góc nhìn mới, không gian phát triển mới.
Trong cuộc chiến, Nga và Ukraine liên tục tấn công đối thủ bằng UAV và UAV cảm tử. Tuy sức mạnh của những khí tài này không bằng tên lửa nhưng bù lại đủ nhanh nhẹn để không lọt vào tầm ngắm của nhiều hệ thống phòng không bởi khả năng luồn lách rất tốt.
Thực tế này đặt ra bài toán về cách thức tác chiến mà các nước phải lưu ý, trong đó có Việt Nam. Nhanh chóng nắm bắt tình hình trên, Tập đoàn Viettel, cụ thể là Trung tâm Thông tin và Tác chiến điện tử (Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel-VHT) đã nghiên cứu hệ thống phòng thủ UAV. Dự án này nhận được sự tin tưởng từ Bộ Quốc phòng và bắt đầu tiến hành triển khai từ cuối năm 2021.
Cơ sở để nghiên cứu, phát triển một sản phẩm mới đã có. Niềm tin cũng được đặt trọn. Tuy vậy, hành trình của TTTT&TCĐT lại vô cùng trắc trở từ ngay bước đầu tiên.
Trinh sát UAV là một lĩnh vực mới, có do vậy, đặt ra những thách thức cần giải quyết về mặt công nghệ. Đại úy Đặng Hữu Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm nhớ lại: “Mới đồng nghĩa với khó khi chúng tôi phải bắt đầu từ con số 0 vì gần như thông tin liên quan đến khí tài này đều được các nước giữ kín. Vì vậy, chỉ có cách làm là dựa trên kinh nghiệm thuần tuý từ các sản phẩm trinh sát điện tử trước đây”.
Không có tư liệu nghiên cứu, TTTT&TCĐT xác định hướng đi là phân tích các đặc tính của UAV, phân tích yêu cầu tác chiến. Bức phác thảo ban đầu của Trung tâm là một thiết bị chế áp điện tử, đặt dưới đất và phát các sóng gây nhiễu lên.
Hướng đi đã có, nhưng càng triển khai thì TTTT&TCĐT càng gặp nhiều vấn đề mới. Thiết bị chống UAV này không đơn giản như suy nghĩ ban đầu. Bởi yêu cầu khí tài đặt ra cần là tổ hợp của 5 thành phần khác nhau, mỗi thành phần có quy mô tương đương 1 sản phẩm. Bản thân mỗi “sản phẩm con” ấy cũng cần thời gian hơn 1 năm để nghiên cứu, chế tạo. Đây là con số quá lớn nếu biết rằng TTTT&TCĐT cũng chỉ có từng ấy thời gian từ khi nhận dự án đến khi hoàn thành tổ hợp theo cam kết với lãnh đạo TCT, với Tập đoàn.
“Thực trạng này xuất phát từ đặc thù của trinh sát UAV – là một tổ hợp lớn, liên ngành, kết hợp từ radar, quang điện tử…”, đồng chí Phùng Đức Phú, một trong những kỹ sư chính của dự án chia sẻ.
Thử nghiệm thành công rồi hì hục chèo thuyền thu hồi thiết bị
Giữa bối cảnh ấy, TTTT&TCĐT có sự đồng hành, cộng hưởng của những trung tâm khác trong VHT. Dù chỉ là đơn vị tham gia hỗ trợ và cũng có nguồn lực hữu hạn nhưng các kỹ sư VHT vẫn dành mọi sự phối hợp, hỗ trợ tốt nhất để tạo nên sản phẩm này.
Thêm người, thêm tri thức, họ dồn lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm liên tục trong cả năm trời. Suốt quãng thời gian đó là những tuần làm việc không có ngày nghỉ. Thậm chí, khi cao điểm, làm việc xuyên đêm là việc rất bình thường.
Đồng hành cùng nhau, những phiên bản đầu tiên của tổ hợp trinh sát UAV được ra đời và đưa vào giai đoạn thử nghiệm. Dẫu vậy, một thách thức khác đặt ra là, từ trước đến nay, các khí tài TTTT&TCĐT nghiên cứu là những sản phẩm phòng thủ mà không phải chủ động tấn công. Điều này dẫn đến, để tiến hành kiểm nghiệm, Trung tâm Thông tin phải tự tạo ra mục tiêu tấn công của mình – chính là những chiếc UAV.
Họ tự thiết lập tình huống, đó là UAV tấn công vào trụ sở VHT, tổ hợp trinh sát phải thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn UAV. Đồng thời, anh em nhóm nghiên cứu cũng bàn bạc đưa ra nhiều tình huống nhất có thể để thử nghiệm tổ hợp trinh sát sao cho sản phẩm phát huy tác chiến hiệu quả trong mọi hoàn cảnh dù ngặt nghèo nhất.
Ở giai đoạn đầu tiên khi sản phẩm chưa được tối ưu, TTTT&TCĐT đối diện với nhiều lần thất bại khi để UAV tiến vào trụ sở TCT. Nhưng sau mỗi lần như vậy, nhóm nghiên cứu đều rút ra bài học để lần sau không rơi vào tình huống tương tự. Nhiều thời điểm cuộc thử nghiệm diễn ra buổi sáng, thì ngay buổi chiều, họ bắt tay sửa hoặc cả tuần miệt mài khắc phục lỗi.
Nhớ về những ngày đó, kỹ sư Phùng Đức Phú kể: “Lần nhớ nhất là khi chúng tôi demo sản phẩm trước TGĐ Hà (TGĐ VHT Nguyễn Vũ Hà). TGĐ yêu cầu một kịch bản hoàn toàn mới, không giống ban đầu dự đoán, lộ trình ngược lại hoàn toàn. Kết quả là anh em bất ngờ và demo không thành công. TGĐ cũng động viên chúng tôi nghiên cứu tiếp nhiều kịch bản hơn. Anh em cũng buồn nhưng lại về mày mò tiếp, từ đó tìm ra hướng hoàn thiện sản phẩm”.
Với tinh thần liên tục rút kinh nghiệm, TTTT&TCĐT ngày một hoàn thiện tổ hợp của mình. Đến thời điểm thử nghiệm thành công, cảm xúc của anh em nhóm nghiên cứu khá lẫn lộn. Theo chia sẻ của kỹ sư Phú:
“Cũng có những lần tấn công thành công, UAV rơi xuống bùn nước, cánh đồng, mắc trên cành, ngọn cây… Vui mừng vì thành công xong sau đó anh em lại hì hục thu hồi sản phẩm. Chúng tôi tiếp tục dành nhiều công sức chèo thuyền, lặn xuống hồ, mất cả tuần trời tìm thiết bị”.
Sau một năm rưỡi, tổ hợp hệ thống trinh sát UAV của TTTT&TCĐT đã hoàn thiện được 80% và dự kiến trong năm 2023 sẽ hoàn thiện 100%, sẵn sàng cho mọi tình huống chiến đấu. Công bằng mà nói, 18 tháng cũng là quãng thời gian rất ngắn để hoàn thiện một tổ hợp phức tạp như vậy.
Sức ép thời gian, thậm chí căng thẳng về tinh thần cùng rào cản công nghệ,… là những khó khăn hiện hữu một cách quá rõ ràng trong quá trình nghiên cứu tổ hợp hệ thống trinh sát UAV, nhưng các kỹ sư TTTT&TCĐT vẫn hoàn thành dự án. Kỹ sư Phú trải lòng: “Nghiên cứu những khí tài này, mình cảm thấy được đóng góp, bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, được làm những sản phẩm mới, nghiên cứu công nghệ mới cũng tạo cho mình cảm giác rất “kích thích”, rất hào hứng, nhiều khi là khao khát đạt được công nghệ ấy”. Đó cũng là tinh thần chung của TTTT&TCĐT, càng được làm việc mới, việc khó, họ càng khao khát. Đứng trước không gian mới, công nghệ mới, anh em TTTT&TCĐT càng rực cháy ngọn lửa chinh phục.
Tinh thần ấy đã giúp Trung tâm có một năm 2022 khó quên khi gặt hái hàng loạt thành tựu. Bên cạnh hệ thống phòng thủ UAV kể trên, hàng loạt sản phẩm mới, công nghệ mới của Trung tâm đã được hoàn thiện, nghiệm thu.
Trong năm 2022, TTTT&TCĐT là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ mới của VHT (hoàn thành 120% kế hoạch được giao): Được cấp 7 bằng sáng chế độc quyền, trong đó có 2 sáng chế độc quyền tại Mỹ (Công nghệ thu tín hiệu siêu rộng/Ultra wideband số US0273344A1 và Công nghệ Dual-Polarized Antenna US0273309A1), 5 bằng sáng chế trong nước. Trung tâm cũng nghiên cứu phát triển thành công 3 công nghệ lõi ứng dụng trong sản phẩm có tính năng hiện đại tương đương với công nghệ của các nước phát triển, đồng thời nghiên cứu chế tạo thành công 4 sản phẩm mới trong đó có 2 sản phẩm xuất sắc...