One Viettel
‘Văn hóa Viettel soi đường, còn muốn phát triển thì phải tiến lên’
Viettel Family Lv.1
Năm 2023, Viettel có bộ 8 giá trị văn hóa với những nội hàm mới nhằm đáp ứng những thay đổi của thực tại mới. Người đứng đầu Tập đoàn, Đại tá Tào Đức Thắng đã có những chia sẻ dẫn lối đối với tư tưởng của người Viettel trong giai đoạn quan trọng này.

Nói về tầm quan trọng của văn hóa với 1 doanh nghiệp, có câu nói nổi tiếng của Peter F. Drucker - cha đẻ của ngành quản trị hiện đại là “Culture eats strategy for breakfast” (Văn hóa nuốt chiến lược như một bữa sáng) với hàm ý nhấn mạnh vào sức mạnh và sự tác động mạnh mẽ của văn hóa của đến sự thành công của mỗi tổ chức. Nhìn lại hành trình 34 năm qua, Chủ tịch đánh giá văn hóa có ý nghĩa như nào đối với sự phát triển của Tập đoàn?

Có một câu trích dẫn rất hay từ chỉ đạo của Bác Hồ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 1946: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Văn hóa là nền tảng của nền tảng, cốt lõi của cốt lõi.

Bản thân trong văn hóa đã có chiến lược. Bộ giá trị cốt lõi của Viettel rất đặc trưng, rất riêng. Chúng ta phải hiểu sâu sắc, vận dụng các giá trị ấy trong cách thực hiện các chiến lược. Văn hóa cũng tạo cho chúng ta phương pháp làm việc. Văn hóa Viettel soi đường cho người Viettel. “Soi đường” được hiểu là những lúc khó khăn, lờ mờ, tăm tối, văn hóa giúp chúng ta đưa ra quyết định. Như vậy, văn hóa rất quan trọng.

Thành công của Tập đoàn chúng ta qua các thời kỳ đều có gắn với văn hóa Viettel. Có những thời điểm, chúng ta hành động, thực thi dựa trên văn hóa. Có giá trị “truyền thống và cách làm của người lính” thì chúng ta mới có thể xây dựng 36.000 trạm 4G trong 6 tháng, kịp thời đưa ra kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường. Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ mà văn hóa đã cho thấy vai trò quan trọng đối với chiến lược phát triển của Viettel.

IMG_9313

- Sự nghiệp của anh bắt đầu ở Tập đoàn trùng với thời điểm ra đời của Bộ giá trị cốt lõi của Viettel. Trong công việc, trong cuộc sống hàng ngày, Chủ tịch nhận thấy bản thân mình đang áp dụng giá trị nào nhiều nhất?

2006 là thời điểm chúng ta công bố bộ giá trị cốt lõi. Nhưng anh nghĩ chúng đã hình thành trong đầu, trong cách nghĩ, cách làm của những người đứng đầu tập đoàn qua các thời kỳ rồi. Kể cả thời kỳ trước đó, những năm 1980, 1990, qua những thước phim mà các bác, các chú nói về những ngày đầu của Viettel, thời Sigelco, chúng ta đều thấy những tư tưởng ấy.

Chẳng hạn như khi xây dựng cột, khi phát hiện sỏi chưa được rửa sạch, dù không nói ra chẳng ai biết nhưng những người lính Viettel thời đó đã vì tự trọng, vì danh dự của mình mà không chấp nhận chất lượng công trình, quyết định làm lại. Đấy là tinh thần trách nhiệm cao cả của những người lính, không ngại khó khăn, ứng biến linh hoạt.

Còn với bản thân mình, anh vận dụng các giá trị trong từng tình huống. Và thật sự anh luôn có cảm giác là các giá trị văn hóa của Viettel luôn song hành với mình.

Anh đã trải qua nhiều cương vị khác nhau, từ kỹ thuật, rồi đầu tư nước ngoài cho tới cương vị cao nhất của Tập đoàn. Anh luôn suy nghĩ, hành động theo văn hoá, vì rất nhiều người đang nhìn vào mình. Anh luôn đặt câu hỏi “mình ra quyết định này đã theo nguyên tắc chưa?”, “mình có đang xây dựng Viettel là một ngôi nhà chung ấm áp hay không?”, “các chiến lược đã linh hoạt, kết hợp Đông - Tây chưa?”, “trong bổ nhiệm cán bộ, xử lý cán bộ, đã xem đến những thách thức, thất bại và trưởng thành của mọi người trong quá khứ hay chưa?”… Tất cả đều phải vận dụng văn hóa Viettel. Anh hiểu rằng những hành động của mình đang lan toả văn hóa, mọi người đang nhìn vào đó để xem của người đứng đầu làm như thế nào để áp dụng.

ads-2243

Chủ tịch Tập đoàn Tào Đức Thắng: "Các giá trị văn hóa Viettel luôn song hành với anh".

- Văn hóa Viettel hình thành người Viettel. Theo anh, một người như thế nào được coi là “rất Viettel”? Anh có thể phác họa chân dung họ?

Người Viettel thì không phân biệt về màu da, giới tính. Nhưng chắc chắn đó phải là một người lanh lợi, thích nghi tốt, năng động - vị trí nào cũng cần sự năng động, dù là lái xe hay làm bếp, không quan trọng màu da, hình thức, giới tính… Không năng động thì không thể chịu được sức nóng của công việc ở Viettel. Đó cũng là một người có chính kiến, chính trực, dám dấn thân, có chất lính trong mình.

- Trong 8 giá trị cốt lõi, anh cảm thấy người Viettel đang thể hiện giá trị nào tốt nhất và chưa tốt nhất?

“Truyền thống và cách làm người lính” là giá trị chúng ta thể hiện tốt nhất và thực tiễn là đã chứng minh điều ấy. Yếu tố “sáng tạo là sức sống” cũng được người Viettel thực hiện hàng ngày. Chúng ta luôn nỗ lực để hôm nay khác ngày hôm qua. Sáng tạo để mang lại giá trị.

Còn giá trị anh băn khoăn là tư duy hệ thống. Chúng ta rất nhiều quy trình. Có những sự cố do sự không tuân thủ mà đã xảy ra. Khi đã tư duy hệ thống, chúng ta phải có bước 1, rồi bước 2. Thế nhưng vẫn còn những trường hợp cảm thấy bước 2, 3 không cần thiết thì bỏ qua, tới luôn bước 4. Có thể lúc ngay lúc ấy không sao cả. Nhưng về mặt lâu dài thì gây hậu quả. Vẫn có những chuyện như vậy, và chúng ta vẫn phải truyền thông, vẫn phải cảnh báo.

- Văn hóa Viettel, đặc biệt là 8 giá trị cốt lõi đã là thứ nằm lòng với người Viettel. Xuất phát từ đâu chúng ta quyết định làm mới bộ giá trị vào thời điểm này, thưa anh?

Đừng hiểu rằng vì chuyển giao thế hệ mà Viettel thay đổi văn hoá. Thực chất không phải chúng ta làm mới. Văn hoá là giá trị chung của CBNV Viettel qua các thời kỳ, được đúc kết để đại diện về triết lý, cách làm của của Viettel.

Giá trị là không thay đổi. Trải qua nhiều năm, nhiều thế hệ, giờ việc chúng ta thực hiện là làm giàu thêm, bổ sung thêm nội hàm để diễn giải các giá trị ấy đúng với xu thế, đúng với thực tiễn.

Sau khi khảo sát, đánh giá, tham vấn lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị, chúng ta có thêm những nội dung làm rõ nội hàm của các giá trị, sao cho phù hợp với thực tại mới nhưng vẫn làm sâu sắc hơn, sắc nét hơn 8 giá trị.

Chúng ta phải truyền đạt, giúp từng người Viettel hiểu rõ các giá trị cốt lõi của tổ chức. Đặc biệt là với thế hệ mới vào, các bạn sinh năm 2000, 2001... Gen Z có những cái khác biệt. Tính cá nhân của thế hệ này cao, nhưng tất cả con người đều có những bản sắc chung. Dù là lứa tuổi nào, vẫn có giá trị bản sắc văn hoá của người Việt Nam, và đều yêu nước. Hãy nói cho bạn trẻ Viettel biết bây giờ là thời của các bạn, việc phát triển Tập đoàn trong giai đoạn này là nghĩa vụ của các bạn, trách nhiệm của bạn. Thế hệ đi trước đã có trách nhiệm đặt những viên gạch đầu tiên rồi, giờ là lúc các em phải xây dựng cho thương hiệu này tốt hơn, bền vững nữa.

Để lan tỏa văn hóa Viettel, cách tốt nhất là từ hành động của lớp người đi trước phải làm gương cho người đi sau. Người đi sau lặp lại hành động đó trở thành hành vi, thói quen, cách làm và cuối cùng là thành văn hoá.

Tiếp cận theo cách đó, chúng ta sẽ có thể giúp các thế hệ mới vào Viettel hiểu sâu sắc hơn tư tưởng của những người khởi nghiệp, trân quý hơn những khó khăn của người đi trước, để tiếp tục phát triển thương hiệu này, đưa tập đoàn này ra thế giới.

ko-gian-lam-viec

- Làm thế nào để người Viettel ở các thị trường cảm nhận được giá trị chung của Tập đoàn?

Anh em đang làm ở các thị trường có sự gắn kết rất tốt. Để các bạn nước ngoài cảm nhận được văn hóa Viettel, thì việc đầu tiên chính chúng ta phải lắng nghe văn hóa của họ, và luôn động viên khích lệ họ hòa nhập văn hóa. Chúng ta cần cài đặt bộ văn hoá vào những người quản lý ở những thị trường mà hiện nay chúng ta chuyển giao cho người sở tại làm giám đốc. Sau đó sẽ là lan tỏa các “cài đặt” này theo từng lớp. Và trong mọi chiến dịch lan tỏa văn hóa, quan trọng là chúng ta không chỉ nói suông, phải kết hợp với hành động và thực tiễn, tăng cường lý luận, gia tăng sự tin cậy.

tke1

- Với việc công bố chính thức về bộ giá trị văn hóa, Chủ tịch mong muốn gửi gắm thông điệp gì tới người Viettel trên toàn cầu?

Đối với người Viettel, tôi muốn nhắn nhủ là các thế hệ đi trước tạo nên một Viettel với bộ giá trị văn hoá cốt lõi, chúng ta hãy trân trọng giữ gìn và hành động để làm ý nghĩa thêm cho giá trị này.

Các lãnh đạo, cán bộ quản lý ngoài việc vận dụng các giá trị trong công việc, chiến lược, điều hành thì cần làm gương lan tỏa để các thế hệ sau học tập, noi theo.

Hãy biến các giá trị văn hóa thành hành động, thói quen, cách làm, suy nghĩ, tư tưởng của mỗi người. Hãy dùng văn hóa soi đường, làm nền tảng cho mọi quyết định, hành động của chúng ta.

Có như vậy bộ văn hoá này mới có giá trị.

- Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

  • 148
  • 0 bình luận
  • 0