Ngày đóng dự án cũng là ngày kickoff
Trần Văn Hưởng là cái tên gắn liền với thiết bị đầu cuối ONT bởi anh là người chủ trì, triển khai kinh doanh 500.000 thiết bị này đem lại doanh thu 440 tỷ, đạt 140% kế hoạch năm, chiếm 75% doanh thu của khối thiết bị viễn thông VHT. Tuy nhiên, để ra đời được phiên bản chính thức của ngày hôm nay, ONT từng trải qua “n lần” các phiên bản khác nhau. Ít ai biết rằng, sản phẩm đã 2 lần suýt “chết”. Lần thứ nhất là lúc ONT bắt đầu triển khai năm 2013, khi VHT còn là Viện Nghiên cứu Phát triển Viettel. Giai đoạn đó, ONT không thể đáp ứng nhu cầu cạnh tranh về giá nên đóng đề tài năm 2015. Dự án này tái khởi động năm 2019. Giám đốc Trần Văn Hưởng chia sẻ kỷ niệm không thể quên với ONT: “Một dấu mốc vô cùng đặc biệt vào thời điểm đó là tháng 9/2020, ngày mà cả nhóm dự án quyết định “chia tay”, đóng gói ONT thêm một lần nữa thì bất ngờ thay, chúng tôi nhận được thông tin Tập đoàn Viettel quyết định VHT cung cấp 50.000 thiết bị ONT cho Viettel Telecom”.
Từ 5 năm đầu khó khăn nối tiếp
Thực hiện khát vọng làm chủ hạ tầng viễn thông của Tập đoàn Viettel, Trần Văn Hưởng cùng cộng sự bắt tay nghiên cứu những công nghệ mà trước đó chưa từng một đơn vị nào tại Việt Nam cho ra đời sản phẩm tương tự. Vì vậy, những khó khăn về công nghệ lõi, về thiết kế, chế tạo, nhân sự cứ nối tiếp nhau xảy ra trong 5 năm đầu thành lập Trung tâm Nghiên cứu công nghệ truyền dẫn (TTNCCNTD). Họ đối mặt với không ít bài toán éo le, từ không thể đưa ra phương án nghiên cứu đến bế tắc trong bài toán cạnh tranh về giá, kéo theo nữa là câu chuyện bảo đảm chất lượng sản phẩm. Vậy nhưng, văn hoá của Viettel là luôn nhận về mình nhiệm vụ thách thức. Hơn nữa, tất cả bắt đầu bằng khát vọng và quyết tâm nên không thể từ bỏ dễ dàng. Trần Văn Hưởng xác định mình cùng đội ngũ sản phẩm sẽ trải qua một quãng đường dài. Anh nhớ lại rằng: “Trước các dự án khác nhau, tôi nâng lên đặt xuống đủ cách, rồi có những khi trùng xuống nhưng sau tất cả là quyết làm và làm đến cùng. Nghiên cứu sản phẩm công nghệ cao phục vụ kinh doanh mà sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng là thất bại, sản phẩm không được tối ưu và cải tiến để đi đường dài cũng là thất bại. Tuy nhiên, dù thế nào cũng phải luôn hành động, nếu không hành động sẽ không có gì.”.
Đến hoàn toàn tự tin chinh phục thị trường quốc tế
Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân và khi bước chân không chùn bước sẽ có những kỳ tích xảy ra trên hành trình ấy. Thiết bị truyền dẫn Site Router chính là minh chứng cho điều đó.
Với vai trò như “mạch máu truyền dẫn”, Site Router đảm bảo dữ liệu được đi đến đúng nơi cần đến. Trên thế giới hiện chỉ có 4 nhà cung cấp chính thiết bị này bao trùm hầu khắp thị trường viễn thông toàn cầu. Tại VHT, Site Router được nghiên cứu từ cuối năm 2012 song đến 2014, dự án dừng lại. 2017, Site Router trở lại “đường đua” và mất gần 4 năm hoàn thành sản phẩm. Thiết bị yêu cầu rất cao về khả năng chịu tải, đảm bảo độ trễ thấp. Trần Văn Hưởng cùng những kỹ sư làm công nghệ định tuyến VHT đã tiến hành quá trình đánh giá nghiêm ngặt sản phẩm với hơn 20.000 bài đo kiểm về tính năng và hiệu năng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ cùng VTNET triển khai thử nghiệm trên mạng lưới Viettel. Kết quả chứng minh sản phẩm hoạt động tốt tương đương thiết bị cùng loại của các vendor nước ngoài.
Tháng 12/2022, Site Router tạo dấu mốc lịch sử khi là thiết bị viễn thông đầu tiên do chính người Viettel nghiên cứu, sản xuất xuất khẩu sang thị trường quốc tế Ấn Độ.
Trước sự kiện đáng chú ý này, Trần Văn Hưởng chia sẻ: “Chúng tôi chỉ mới qua những bước đi đầu. Site Router được nhà mạng Ấn Độ đồng ý triển khai thử nghiệm đồng nghĩa sản phẩm đã đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn họ đề ra. Nhưng chúng tôi chỉ thực sự thành công khi sản phẩm được khách hàng chính thức sử dụng”. Khi được đặt câu hỏi rằng, liệu anh và đồng nghiệp có hoàn toàn tự tin chinh phục khách hàng quốc tế đầu tiên này, Giám đốc TTNCCNTD thẳng thắn bày tỏ: “Tại thời điểm này, tôi khẳng định là hoàn toàn tự tin. Chúng tôi dựa trên 2 yếu tố. Thứ nhất, trải qua quá trình triển khai thử nghiệm vô cùng khắt khe trên mạng lưới Viettel, chúng tôi nhận ra những tồn tại. Thứ hai, chúng tôi đã có bước tiến dài về chuyên môn với sản phẩm này. Chúng tôi đủ tự tin đáp ứng khách hàng, khi có lỗi phát sinh hay update theo yêu cầu”.
Đề cập đến những thành tựu đạt được trong thời gian qua, Trần Văn Hưởng luôn khẳng đinh: “Một mình tôi không làm nên thành công. Đó là sự gom góp của tất cả các anh em tại Trung tâm. Tôi chỉ là người đại diện cho tập thể nhận được sự vinh danh”.
“Tôi không dễ dãi nhưng không gò bó mọi người theo khuôn khổ”
Là cái tên gắn với nhiều thành tích cùng cách làm quyết liệt, nhiều người sẽ mường tượng Trần Văn Hưởng là một lãnh đạo nghiêm túc, kỷ luật nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Nhắc đến anh, các kỹ sư tại TTNCCNTD thường hóm hỉnh dùng từ “Anh mình”. Phạm Thị Thơm, kỹ sư kiểm thử tự động tại TTNCCNTD kể rằng: “Anh Hưởng dễ tính trong cuộc sống thường ngày, quan tâm đến đời sống nhân viên. Các sự kiện lớn nhỏ anh đều là nguồn tài trợ “vàng”. Tết 2020, anh Hưởng đứng ra tổ chức giải chạy để gắn kết mọi người và em chính là người rinh được phần thưởng trị giá 1 triệu đồng”.
Dẫn dắt đội ngũ 50 kỹ sư, Trần Văn Hưởng tâm niệm phải luôn cố gắng lèo lái tập thể của mình cùng nhìn chung một hướng. Anh chia sẻ rằng khi Trung tâm ngày một phát triển, mục tiêu cũng lớn hơn đòi hỏi sự đồng lòng cao. Vì vậy, cần hài hòa giữa áp lực, chất lượng công việc với đời sống tinh thần. Quan sát phần lớn nhân sự làm việc với mình là những kỹ sư còn rất trẻ; Trần Văn Hưởng nhận thấy rằng, việc tạo động lực cần thiết hơn gây áp lực: “Tôi tạo động lực cho anh em bằng cách chia sẻ với họ về lộ trình cụ thể, đích đến của từng dự án cũng như khẳng định vai trò của họ, khơi gợi họ thích thú với mục tiêu đề ra. Tôi không dễ dãi nhưng không quá gò bó mọi người theo khuôn khổ. Bản thân tôi đôi khi hành động khá bản năng. Nếu tôi quá tạo áp lực, anh em sẽ cảm thấy mệt mỏi và khi áp lực đó cộng dồn dẫn đến rời bỏ tổ chức”.
Trên cương vị chỉ huy trực tiếp của Trần Văn Hưởng, Giám đốc Khối 2 (Khối Viễn Thông, VHT), Phan Thanh Trung thường cười khi nhắc đến người kỹ sư trẻ tuổi. Anh chia sẻ rằng, nếu xét trên thang điểm 10 về độ hài lòng, anh sẵn sàng dành điểm 9 tới nhân viên của mình. Nói về Hưởng, anh đề cập đến khả năng tìm tòi, từ tìm tòi trong nghiên cứu đến chủ động tìm kiếm đối tác, phối hợp cùng họ giải quyết những đề bài khó. Đó là điều anh Trung cho rằng mình cần học hỏi từ Trần Văn Hưởng.
Trong tháng 3/2022, Trần Văn Hưởng và các đồng nghiệp sẽ lên đường tới Ấn Độ cài đặt và thử nghiệm Site Router trên mạng lưới nhà mạng GWave. Bắt đầu từ con số 0 nhưng những kết quả làm chủ công nghệ của Trần Văn Hưởng cùng các kỹ sư nghiên cứu viễn thông VHT nói riêng và Tập đoàn Viettel nói chung đã có thể định lượng. Nhưng như Trần Văn Hưởng nói, hành trình của họ mới chỉ bắt đầu và còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn làm chủ công nghệ theo kịp xu thế phát triển của thời đại.