Phương thức sử dụng sóng siêu cao tần để triệt hạ UAV rất hiếm trên thế giới, mới triển khai ở 1 - 2 quốc gia và chưa công bố sản phẩm cuối cùng. Anh Hoàng Long và các đồng nghiệp cũng như một trong những người nghiên cứu sớm nhất.
Anh cho biết: “Trên thực tế, Viettel đã xây dựng được một hệ thống tương tự nhưng chỉ đạt hiệu quả triệt hạ UAV ở cự ly 200m. Nhưng địch tập kích số lượng lớn từ xa, chỉ triệt hạ trong phạm vi 200m là chưa đủ. Chúng tôi đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống đáp ứng cự ly 3-5km".
Thực tế, đội ngũ mất đến 5 tháng mới thu thập đủ tài liệu để chọn được ra công nghệ phù hợp với yêu cầu. Hiện tại trên thế giới không còn phát triển công nghệ các anh đang tìm hiểu nên tài liệu tham khảo khá hiếm. Thậm chí, các kỹ sư, tiến sĩ từng học tập tại Cộng hoà Séc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng liên hệ với Giáo sư các trường đại học để xin tài liệu nghiên cứu, chứng minh rằng công nghệ này là phù hợp với ý tưởng.
“Tuy vất vả nhưng chúng tôi không hề cảm thấy áp lực hay căng thẳng. Vì công việc đòi hỏi nghiên cứu những thứ mới, mỗi lần tìm thấy tài liệu công nghệ, chúng tôi đều rất thích thú”, kỹ sư Hoàng Long nhấn mạnh.
Hàng ngày, anh và các đồng đội còn thực hiện những công việc quan trọng khác. Các anh chỉ đọc tài liệu tham khảo cho ý tưởng vào giờ nghỉ trưa, buổi tối, ngày nghỉ, rồi lên cơ quan trao đổi với nhau. Các anh còn tổ chức các buổi seminar nhỏ để giới thiệu công nghệ, mỗi người sẽ nêu ra thông tin mình tìm kiếm được. Việc trao đổi kiến thức, công nghệ mới giữa các kỹ sư vốn như hít thở, như uống nước, ăn cơm hàng ngày.
Với anh Long, điều sợ nhất không phải là tìm kiếm tài liệu quá nhiều, mà là khi anh đã tìm hiểu một công nghệ rất lâu, rất kỹ nhưng cuối cùng lại không thể áp dụng được. Anh chia sẻ: “Những lần như thế, anh em đều cảm thấy bế tắc, như đi vào ngõ cụt và luôn quay cuồng với câu hỏi: “Làm thế nào nhỉ?”
Nhưng chỉ 1, 2 ngày sau, khi đọc báo thế giới, anh thấy họ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và có những thành tựu bước đầu, anh lại được tiếp thêm sức để quay lại với hành trình. Anh biết hệ thống chắc chắn sẽ hoạt động, chỉ cần sử dụng công nghệ phù hợp và anh sẽ tìm ra.
“Chúng tôi lao vào đọc vô kể các loại tài liệu. Chúng tôi xem trên thế giới đang làm gì với các công nghệ và tham khảo, học hỏi. Cuối cùng tìm ra cách kết hợp bóng chân không BWO và anten phản xạ đặc biệt là khả thi nhất”, anh Long nhớ lại.
Hệ thống được kỳ vọng sẽ bắn hạ 100% số lượng UAV - drone trong cự ly 3-5km, là phương pháp “chế áp cứng" - bắn cháy mạch điện tử thay vì các phương pháp “áp chế mềm" như gây nhiễu sóng, tạo giả tín hiệu trước đây.
“Tôi rất tâm đắc với ý tưởng của mình và hoàn toàn tin tưởng vào tính khả khi của hệ thống. Đến với Innovative-me, giải thưởng chỉ là phần rất nhỏ. Điều tôi quan tâm nhất là khả năng củng cố cho an ninh quốc phòng, tiếp tục bảo vệ các vị trí trọng yếu của quốc gia theo cách tốt nhất mà Viettel có thể", anh Tần Lê Hoàng Long quả quyết.