Hệ thống quản lý chiến trường là xu hướng phát triển của lĩnh vực tự động hóa chỉ huy. Hệ thống được lắp đặt và triển khai cơ động, trang bị cho các đơn vị cấp chiến thuật, từ chỉ huy, khí tài cho tới người lính. Hệ thống cung cấp bức tranh tình huống trên chiến trường theo thời gian thực, hỗ trợ chỉ huy đưa ra quyết định và cho phép các lực lượng hiệp đồng hiệu quả, thực hiện các nhiệm vụ tác chiến với độ chính xác cao.
Tham gia cuộc diễn tập lớn về phòng chống phương tiện bay không người lái (PTBKNL), Tập đoàn Viettel với sự tham gia của TCT VHT đã hiệp đồng chặt chẽ với Quân chủng Phòng không - Không quân, Cục Tác chiến điện tử, triển khai các đài giám sát radar - quang điện tử và các tổ hợp tác chiến điện tử trinh sát - chế áp PTBKNL. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Viettel triển khai Hệ thống quản lý chiến trường cấp chiến thuật kết nối tới tất cả các khí tài, đảm bảo chỉ huy tác chiến thông suốt từ Ban chỉ đạo diễn tập, sở chỉ huy các cấp xuống tới từng phân đội.
Không có hệ thống quản lý chiến trường này, không thể đánh được UAV
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên chúng ta kết hợp hệ thống quản lý chiến trường cấp chiến thuật, các khí tài trinh sát radar, quang điện tử và các tổ hợp tác chiến điện tử trong một đội hình hiệp đồng hoàn chỉnh. Điều này đặc biệt quan trọng.”
Hiện nay, tại Quân chủng PK-KQ đang triển khai hệ thống tự động hóa chỉ huy VQ cũng do VHT phát triển. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của hệ thống quản lý chiến trường là khả năng cơ động triển khai tại trận địa, sẵn sàng trang bị cho các lực lượng cấp chiến thuật của từng Quân chủng, Quân khu, Quân đoàn. Thượng tướng khẳng định nếu không có sở chỉ huy này, chúng ta không thể đánh được PTBKNL.
Hệ thống hỗ trợ tổ chức nhiệm vụ chính xác, hiệu quả
Là người trực tiếp sử dụng hệ thống BMS trong chỉ huy điều hành tác chiến, Đại tá Nguyễn Viết Tùng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 84, Cục Tác chiến điện tử nhận xét: “Hệ thống trinh sát, kiểm soát chiến trường của Viettel cho phép tích hợp các nguồn dữ liệu từ nhiều trang bị thu thập khác nhau, xử lý hợp nhất các mục tiêu, đồng thời đưa ra các cảnh báo giúp người chỉ huy đánh giá tình hình điện tử theo thời gian thực, từ đó hạ quyết tâm chiến đấu một cách chính xác. Hệ thống đã hỗ trợ tổ chức nhiệm vụ tác chiến điện tử có hiệu quả, phòng chống tốt các PTBKNL”.
Hệ thống quản lý chiến trường của Viettel đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong lần đầu tiên tham gia một cuộc diễn tập, thể hiện tầm nhìn đón đầu xu hướng của các cấp lãnh đạo Tập đoàn, Tổng Công ty VHT và chất lượng sản phẩm của đội ngũ kỹ sư công nghệ cao Viettel. Những kết quả xuất sắc trong thực nghiệm là cơ sở để Bộ Quốc phòng tiếp tục tin tưởng, giao phó những trọng trách cho VHT, tiếp tục hiện thực hóa vai trò “hạt nhân” của Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng công nghệ cao Việt Nam.