Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đưa khái niệm hạ tầng số vào luật, từ đó thấy được tầm quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng tính toán và nhất là tính toán cho AI - hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ và các nền tảng số. Hạ tầng số phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Với việc khai trương Trung tâm dữ liệu Viettel tại Hòa Lạc (Hà Nội), Viettel trở thành đơn vị có hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn (DC) nhất Việt Nam với 14 DC tổng công suất 87MW, trong tổng số 32 DC tại Việt Nam. Riêng Trung tâm dữ liệu Viettel tại Hòa Lạc mới ra mắt có công suất lên tới 30MW. Tại sự kiện, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch – Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, khẳng định Tập đoàn đã có lộ trình tiếp tục đầu tư 40.000 tỷ đồng đến năm 2030, mở rộng quy mô DC lên gấp 3 lần hiện tại, đạt 34.000 rack.
“35 năm hình thành và phát triển, Viettel đã nhiều lần tham gia vào quá trình tạo ra các cuộc bùng nổ và phổ cập các dịch vụ viễn thông và công nghệ. Đã góp phần làm nên cuộc cách mạng về di động, Internet băng rộng, giờ đây, Viettel sẽ góp phần bùng nổ về điện toán đám mây, phổ cập hóa hạ tầng dữ liệu để góp phần vào phát triển kinh tế số của đất nước”, Chủ tịch Tập đoàn Viettel nói.
Từ hạ tầng viễn thông quốc gia
Trở lại trước năm 2004, Việt Nam chỉ có khoảng gần 2.000 trạm phát sóng di động trên toàn quốc. Điện thoại di động là dịch vụ xa xỉ với phí hòa mạng 1,5 triệu đồng, duy trì hoạt động 300.000 đồng/tháng, cước gọi 3.000 – 8.000 đồng/phút. Để so sánh, giá vàng hồi đó chỉ khoảng 5 triệu đồng/lượng.
Ngày 15/10/2004, Viettel Mobile chính thức tham gia thị trường. Ước mơ của những người Viettel khi đó khá ngắn gọn: “Mỗi người Việt Nam có một chiếc điện thoại di động”. Không ít người coi đây là điều không tưởng. Rất khó tưởng tượng một người nông dân, hay một em học sinh, sinh viên cần chiếc điện thoại riêng để “gọi khi cần”. Chi phí “nuôi” chiếc điện thoại di động bằng nuôi một thành viên trong nhà.
Viettel coi đó là mục tiêu cao và cần chinh phục. Chỉ trong 3 năm, số trạm phát sóng của Viettel lớn hơn tổng số trạm phát của tất cả các mạng khác tại Việt Nam, phủ đến tất cả vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Sự đóng góp lớn nhất của Viettel chính là tạo động lực để những doanh nghiệp cùng ngành cùng phát triển. Cuộc đua giành thị phần giúp giá cả giảm theo chiều hướng có lợi cho người sử dụng. Tỷ lệ sử dụng di động từ 5% tăng lên 95% năm 2007, hiện nay là 130%, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Số trạm phát sóng mới tăng thêm hàng năm chỉ ở con số vài trăm trước đây, nay đã chuyển sang tính bằng nghìn. Hết năm 2009, Việt Nam có hơn 40.000 trạm phát sóng, Viettel góp một nửa trong số đó.
Năm 2009, công nghệ internet băng rộng trên 3G được cung cấp tại Việt Nam. Dù cam kết trong hồ sơ thi tuyển 3G sẽ lắp đặt 5.000 trạm phát sóng, Viettel đã hoàn thành 8.000 trạm trước khai trương, gấp hơn 1,5 lần so với cam kết. Số trạm phát sóng nhanh chóng phát triển, Viettel đã phủ sóng tới tận trung tâm huyện và các xã lân cận của 63 tỉnh, thành phố và 90% dân số cả nước đến năm 2011.
Khác với 2G là công cụ liên lạc, Viettel tiếp cận với 3G là công cụ kết nối tốc độ cao phủ để “phủ lõm” Internet tại Việt Nam. Vì thế, bên cạnh vùng phủ lớn là giá cước cũng phải rẻ. Cước phí truy cập 3G mạng Viettel thậm chí còn rẻ hơn 2G – chỉ với 10.000 đồng/tháng. Với tốc độ kết nối cao không thua kém ADSL, 3G được coi là phương tiện nhanh và tiện lợi để phổ cập Internet. Những thiết bị DCOM-3G lần đầu xuất hiện đem đến cơ hội cho 19 triệu hộ gia đình chưa tiếp cận với các kết nối có dây, trong tổng số 23 triệu hộ gia đình khi đó. DCOM-3G được tặng miễn phí cho các trường học tại vùng sâu, vùng xa, góp phần hỗ trợ thầy cô giáo và các em học sinh trong tiếp cận tri thức từ Internet.
Song song với hạ tầng vùng phủ, những ứng dụng CNTT cũng được phát triển. Với phương châm “Đưa công nghệ thông tin – viễn thông vào mọi ngõ ngách của cuộc sống”, các ứng dụng lĩnh vực giáo dục, y tế, quản lý hỗ trợ chính quyền địa phương,… dần được phát triển. Điện thoại di động trở thành công cụ cho những dịch vụ thiết yếu với con người, vượt ra ngoài chức năng nghe gọi ban đầu.
Đến hạ tầng số quốc gia
10 năm trước, hạ tầng viễn thông truyền thống là thiết yếu cho xã hội thì tại thời điểm bây giờ hạ tầng số là yếu tố sống còn của đất nước. Trong đó, các nhà mạng viễn thông với ưu thế về tiềm lực tài chính, con người, và công nghệ đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo hạ tầng số Việt Nam.
“Chưa bao giờ các nhà mạng có những chuyển dịch quan trọng như thế này, có sứ mệnh lớn lao đối với sự phát triển của đất nước như thế này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh về vai trò của doanh nghiệp viễn thông tại Hội nghị Quân chính Viettel đầu năm 2024.
Chủ tịch Tập đoàn Tào Đức Thắng cho biết Viettel đã sẵn sàng góp phần chủ lực trên hành trình chinh phục khát vọng hạ tầng số quốc gia. Những khát vọng về phổ cập dịch vụ di động, bùng nổ Internet, đưa cáp quang đến hộ gia đình, công nghiệp viễn thông,… đã được Viettel cùng với các doanh nghiệp cùng ngành hiện thực hóa.
Trên các thành phần cấu thành hạ tầng số quốc gia đã được Viettel chủ động đầu tư đồng bộ trên nền tảng công nghệ tiên tiến trên thế giới. Với chiều dài cáp quang có thể quấn 9 vòng quanh trái đất, hàng trăm trạm phát sóng di động công nghệ 2G – 5G đến phủ rộng 95% Việt Nam, Viettel sẵn sàng cung cấp mọi kết nối băng rộng của kinh tế số.
Hạ tầng IoT được nghiên cứu phát triển từ sớm, sẵn sàng cho hàng triệu người dùng đồng thời. Hạ tầng điện toán đám mây được Viettel nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi từ năm 2018, hiện tại đã được cung cấp với hệ sinh thái 70 sản phẩm, dịch vụ ở 5 lớp khác nhau. Nền tảng dữ liệu lớn nhất Việt Nam với 14 DC, hơn 60% tổng công suất thiết kế của các DC tại Việt Nam.
“Viettel đã sẵn sàng mọi điều kiện để cùng các doanh nghiệp Việt Nam làm bùng nổ điện toán đám mây, hiện thực hóa khát vọng mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi tổ chức, doanh nghiệp sẽ có nơi tính toán, lưu trữ trên đám mây một cách an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, Thiếu tướng Tào Đức Thắng cho biết.