Thời sự
Chàng trai 19 tuổi không để bại não thể co cứng hạ gục trước cuộc đời và mong ước của người bố: Con có thể về làm tại Viettel
Trà My Lv.1
Câu chuyện này không phải về 1 thành viên VHT nhưng Ban Biên tập VHTTekway xin gửi tới độc giả câu chuyện về em Nguyễn Đức Thuận (19 tuổi, Bắc Ninh) bởi đây là một chàng trai mắc bệnh bại não thể co cứng nhưng vô cùng nghị lực, là sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực Tin học, là 1 trong 6 cá nhân được vinh danh tại Vinh quang Việt Nam. Và bố của em – một người lính, cũng mong em có một ngày đầu quân trở thành người Viettel. Hy vọng rằng, câu chuyện thực tế về cuộc đời của Thuận, niềm đam mê với tin học của em sẽ mang tới nhiều năng lượng tích cực tới mỗi VHTers, để chúng ta nhìn cuộc đời này thêm lạc quan hơn, trân trọng những gì đang có và đừng bao giờ bỏ cuộc bởi chúng ta – thực sự còn may mắn hơn rất nhiều hoàn cảnh khác.

Trò chuyện với bố của Nguyễn Đức Thuận, một trong 6 nhân vật điển hình trong chương trình Vinh quang Việt Nam, bác Nguyễn Văn Quỳnh (55 tuổi) niềm nở hơn khi biết VHT muốn lắng nghe câu chuyện về gia đình bác. Bác liền nói: “Tôi cũng là đồng nghiệp của các cậu. Tôi là lính, công tác tại Tổng công ty 319. Tôi cũng muốn con trai mình sau này có cơ hội về Viettel. Tôi vẫn thường nói với em rằng bố muốn con sau này làm tại Viettel. Viettel là doanh nghiệp quân đội, mang trong mình truyền thống quân đội. Viettel đã đóng góp rõ rệt tới sự phát triển của đất nước nên tôi rất tin tưởng nếu con mình có ngày làm việc tại đây".

Thuan_Vinh-Quang-Vie

Em Nguyễn Đức Thuận

Trò chuyện với tôi, đôi mắt bác vẫn không quên dõi về vị trí nơi Thuận ngồi. Bác kể, Thuận là con thứ 2 trong gia đình. Trước khi sinh Thuận, cô Hoài San - mẹ của Thuận đã rất yếu nên xảy ra tai biến sau đẻ. Không giống với những đứa trẻ bình thường, Thuận sinh ra không khóc. 2 ngày sau, tiếng khóc đầu tiên mới cất lên. Nói về hoạt động bình thường của một đứa trẻ, dân gian ta có câu: 3 tháng biết lẫy, 6 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi nhưng điều đó là không thể với Thuận.

Sau sinh, mẹ phát hiện em xuất hiện sự co quắp tím tái, cổ em không thể cứng nên cơ thể không giữ được thăng bằng. Tình trạng ấy cứ kéo dài đến tận 4 năm trời. Chưa kể, Thuận lại thêm 5 tháng bị quặm bẩm sinh buộc em phải trải qua phẫu thuật mắt. Cũng giai đoạn đó, bác sĩ kết luận về bệnh tình của Thuận: Bại não thể co cứng. Lên ba tuổi người Thuận vẫn dẻo như cọng bún. Đưa con đi châm cứu đến tận 6 tuổi dù kết quả không khả quan, gia đình bác Quỳnh vẫn kiên định với quan điểm để Thuận tham gia các hoạt động tập thể như một người bình thường. Sở dĩ như vậy, bởi bác Quỳnh biết rõ cậu con trai mình vẫn có khả năng tiếp thu kiến thức và Thuận có một nghị lực phi thường.

Mỗi lần đi châm cứu tại bệnh viện ở Hà Nội, những đứa trẻ khác phải nằm duỗi tay chân, bị buộc vào dụng cụ để ngăn vùng vẫy. Còn Thuận, theo như lời bác Quỳnh, chỉ cần vỗ nhẹ là nằm im cho hơn 40 cây châm, trong đó có chín cây dài cỡ gang tay, cắm lên người. Cho đến năm 13 tuổi, Thuận không thể đứng lên được mà phải di chuyển giống như cách ếch nhảy.

47700196263a05fa7b4726d72075dcaf

Nguyễn Đức Thuận là 1 trong 6 cá nhân được vinh danh tại Vinh quang Việt Nam

Bác nói: “Nghĩ đến con, tôi nhớ về câu chuyện Trí khôn của ta đây. Câu chuyện giữa con người, con hổ và con trâu và câu chuyện đó chứng tỏ rằng, bằng trí tuệ, con người ta có thể chinh phục thiên nhiên. Rồi tôi nhớ cả câu chuyện về ông trạng lợn mà bố tôi từng kể khi ông còn sống. Trước đây, có một người đàn ông rất nghèo đi chăn lợn thuê, thường đứng ngoài lớp học học lỏm. Tuy vậy, học đến đâu ông nhớ đến đó nên mọi người gọi là ông trạng lợn. Trí não con tôi vẫn phát triển, tôi muốn Thuận được tiếp cận với cuộc sống một cách bình thường ”. Vì vậy, thay vì học trường dành cho trẻ khuyết tật, từ nhỏ, Thuận theo học tại các ngôi trường bình thường như bao trẻ em khác.

Ngày học lớp 1, tay Thuận vẫn yếu không cầm được bút. Bạn khác viết được một dòng thì Thuận mới viết được một chữ. Song môn Toán Thuận thông minh đến mức ngay cả học sinh lớp 5 cũng không so được, Thuận đã được cô giáo nhận xét như vậy.

Bác Quỳnh nhớ lại, ngày còn bé, đồ chơi mà bố mẹ dành cho Thuận khi ấy chỉ có chiếc đàn bé xíu chạm vào phát ra tiếng nhạc để con chơi cho đỡ buồn. Ngồi gõ bàn phím máy tính làm việc, bác Quỳnh liên tưởng đến con trai mình. Hôm đưa Thuận lên công ty bố chơi, có chiếc bàn phím hỏng, Thuận rất thích sờ vào. Bác Quỳnh tính, có khi nào dùng máy tính để con học mặt chữ.

Khi Thuận học lớp 5, chương trình giải toán trên mạng được tổ chức. Song Thuận không nằm trong danh sách tham dự vì sức khỏe không cho phép. Nhưng cậu bé đó đã nhờ bạn cõng lên phòng cô hiệu trưởng và xin được tham gia. Từ đó, gia đình nghĩ tới việc để Thuận tiếp cận với công nghệ nhiều hơn. Bác Quỳnh bày tỏ rằng: “Quả thực, công nghệ giúp con người ta khắc phục những vấn đề liên quan đến sức khỏe, làm thay đổi cuộc sống, giải phóng sức lao động”.

Nuôi một đứa trẻ không bình thường chẳng phải điều dễ dàng, nhất là để đứa trẻ nên người. Mọi người thường hay nói đùa rằng, gia đình bác Quỳnh là “gia đình sĩ quan nghèo nhất tỉnh Bắc Ninh”. Để chăm sóc Thuận, bác Hoài San quyết định nghỉ làm ngay từ khi em còn nhỏ. Bất kể nắng mưa, người mẹ ấy vẫn cõng con trên lưng đến lớp học dù là học chính hay học thêm. Còn bác Quỳnh, bất kể bận rộn, người cha ấy vẫn đồng hành cùng con trong mọi cuộc thi có xa, có gần. Con đi một bước, cha theo một bước. Có một lần, Thuận giao lưu đội tuyển ở Hải Phòng, hai bố con đi xe máy từ 7h tối để tránh mưa. Nhưng khi mới đi tới Chí Linh, Hải Dương, trời mưa tầm tã. Cứ đi được một đoạn, bác Quỳnh dừng lại lau nước mưa. Vậy mà, núp sau lưng bố, hai bố con cũng đến nơi khi đồng hồ đã chỉ 12 giờ đêm.

IMG_1147

IMG_1149

Bác Quỳnh lặng lẽ đồng hành cùng con trong suốt chương trình Vinh quang Việt Nam

Nhìn về phía con, bác nói: “Thuận lạc quan lắm. Ngày bé, con cũng bị bắt nạt vì ngoại hình, con cũng căng thẳng, sợ hãi nhưng thực sự con rất nghị lực. Bố mẹ còn phải thua Thuận về khoản đó. Làm cha, làm mẹ, đương nhiên sẽ lo lắng cho tương lai của con mình, nhất là trong hoàn cảnh này nhưng sự nghị lực, lạc quan của Thuận làm chúng tôi yên tâm phần nào”.

Còn Thuận, tôi nhìn thấy sự tự tin, lạc quan và muốn làm chủ cuộc đời mình trong từng hành động nhỏ của em.  Ngày tổng duyệt chương trình Vinh quang Việt Nam, Ban Tổ chức đã đề nghị để bác Quỳnh đỡ Thuận và cầm quà giúp em vào khoảnh khắc trao giải nhưng em đã khẳng định: “Em tự làm được, em cầm được”. Và khẳng định mong muốn: “Em muốn cầm”.

Ngồi hàng ghế khán giả, tôi cũng nghe nhiều người nói: “Để bạn kia đứng một mình lâu thế, không ai đỡ, ngã thì sao?” và cuối cùng, Thuận đã không ngã, em chứng minh tự mình có thể đứng được dù thời gian em tự làm được điều đó không nhiều.

Thuận là sinh viên năm hai khoa Công nghệ thông tin, Đại học quốc gia Hà Nội, Thuận cũng là 1 trong 15 học sinh xuất sắc đại diện dự thi Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương. Em còn là thành viên ra đề thi cho cuộc thi Oympic Tin học miền Trung – Tây Nguyên diễn ra đầu năm 2022. Và chắc chắn, Thuận sẽ còn đạt được nhiều điều hơn mà mọi người có thể nghĩ về em, bởi những gì em đã đạt trong thời gian qua chứng minh kỳ vọng đó có cơ sở.Hy vọng rằng, có một ngày, Thuận cũng sẽ trở thành đồng nghiệp của chúng ta như những gì bố em mong muốn.

  • 77
  • 0 bình luận
  • 2