Người phụ nữ không nỡ giận chồng
Nhắc đến kỹ sư Đặng Anh Quang, nhóm anh em tham gia dự án Ra-đa cảnh giới biển tầm trung VRS-CSX không ai là không biết câu chuyện nên duyên vợ chồng của anh chị. Bắt đầu từ tháng 9/2017, Kỹ sư Đặng Anh Quang, thực hiện triển khai thử nghiệm đài VRS-CSX tại Đà Nẵng trong vòng 1 năm trời. Những ngày tháng đội nắng, phơi mưa tại mảnh đất miền Trung đã gắn kết nhân duyên anh với người vợ của mình. Đồng nghiệp vẫn thường đùa anh một cách hóm hỉnh rằng, ngoài thành công của sản phẩm chính là đài ra-đa VRS-CSX, riêng anh Quang còn có thêm một sản phẩm “phụ”.
Vợ chồng kẻ Bắc, người Nam là điều mà cả hai trước đó chưa từng nghĩ tới. Vậy nên, đến với nhau, họ vô cùng trân trọng mối lương duyên này. Đến bây giờ, kể về hoàn cảnh gặp gỡ người bạn đời của mình, anh Quang vẫn tủm tỉm cười: “Khi triển khai đài VRS-CSX tại Đà Nẵng, mình đi vào đầu tiên để setup quá trình thử nghiệm. Vợ mình là lễ tân ở nhà hàng trong khách sạn nơi anh em ở. Mình chủ động bắt chuyện làm quen vợ. Thời gian thử nghiệm hơn 1 năm. Ban đầu, mình 1 tháng ở Hà Nội, 1 tháng ở Đà Nẵng, thời gian tiếp xúc với vợ ngày càng nhiều. 4 tháng cuối của giai đoạn thử nghiệm, mình ở Đà Nẵng hoàn toàn. Nghiệm thu xong đài VRS-CSX mình cũng... "chốt" luôn vợ”.
Những ngày tháng làm quen và tìm hiểu nhau tại Đà Nẵng, chị Na hiểu thêm về tính chất công việc của người chồng tương lai, chị biết khi nào anh làm đêm tối sẽ không ra quán café gặp chị, chị cũng hiểu dưới cái nắng, cái gió miền Trung có khắc nghiệt cỡ nào thì anh vẫn cùng đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ. Gạt đi những lo lắng lấy chồng xa, sẽ một thân một mình ra Bắc; đồng thời, chấp nhận những khó khăn có thể lường trước về công việc của anh, chị đồng ý kết hôn.
Đã có những xác định rõ ràng ngay từ đầu, vì vậy, từ khi lấy nhau, chị Na chưa bao giờ cằn nhằn về việc anh Quang đi làm về muộn. Có những hôm 3,4 giờ sáng thấy chồng vẫn ngồi làm việc, chị dậy pha café cho anh. Chị chia sẻ rằng: “Đi làm đêm, anh thường gọi về cho vợ con trước khi đi ngủ. Anh cũng an ủi mình rằng, anh cũng rất muốn về nhà nhưng công việc như vậy nên mong vợ thông cảm. Có những lúc, đang ăn cơm, điện thoại anh rung, đồng nghiệp gọi, mình biết anh phải đi. Như vậy, để giận chồng thì không đành. Có những lúc 5 tháng trời anh đi liền tù tì, 1,2 giờ sáng mới về. Lo mình buồn, anh nói mình đi về ngoại khoảng 1 tháng, đợi anh giãn việc anh vào đón rồi cùng nhau đi du lịch”.
Khi được hỏi rằng, đặc thù công việc của anh không thể chia sẻ quá nhiều, vả lại những giai đoạn cao điểm, anh không có nhiều thời gian dành cho gia đình, vậy lý do nào để chị đặt niềm tin trọn vẹn vào anh? Chị trả lời nhẹ nhàng: “Anh Quang là người khá hoạt ngôn. Ban đầu, mình cũng sợ con trai dẻo miệng lắm. Vậy nhưng, tiếp xúc nhiều với đồng nghiệp của chồng khi các anh làm việc tại Đà Nẵng cũng như sau này trong những chuyến đi chơi cùng nhau, mình biết các anh vui tính nhưng cũng thẳng tính nên yên tâm hơn”, chị Na bày tỏ.
Không có Viettel, không có vợ và rồi nhờ có vợ, tiếp tục có Viettel
Có một điều may mắn trong cuộc sống hôn nhân mà hai anh chị cùng thừa nhận, đó là nhận được sự hỗ trợ từ ông bà nội. Chị Na cũng hay đùa với anh Quang rằng, lấy chồng giá trị nhất là mẹ chồng chứ không phải anh. Lý do là bởi, chị bán hàng online nên có thể dành thời gian chăm sóc gia đình nhưng cũng kéo theo hạn chế về các mối quan hệ ngoài xã hội. Do vậy, để chị đỡ cảm thấy tủi thân khi lấy chồng xa, không bạn bè, không họ hàng, mẹ chồng chị thường xuyên chia sẻ, nói chuyện cùng con dâu. Những việc như cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, bà cùng chị làm.
Đối với anh Quang, gia đình chính là nơi đóng cửa mọi giông bão bên ngoài. Anh tâm sự thật lòng rằng: “Mình thật sự cần gia đình”. Gia đình yên ấm là chỗ dựa vững chãi để mình yên tâm làm việc và từ đó, cố gắng đem những gì tốt nhất về với những người thân yêu". Những ngày làm việc xa nhà, con ốm, thử hỏi anh sẽ yên lòng thế nào nếu không nhận được tin nhắn: “Em lo được, có ông bà nữa. Việc cần thì mới phải đi. Anh đừng lo”, những lời nhắn nhủ đó nhiều đến mức anh Quang không nhớ mình đã nhận bao nhiêu lần.
Ngày mới quen nhau, nhờ làm tại Viettel, anh quen chị. Sau này, cũng vì chị, anh tiếp tục cống hiến tại Viettel. Đã có giai đoạn, anh Quang muốn chuyển công tác; dẫu vậy, suy nghĩ của anh đã thay đổi khi nhận lời chia sẻ từ quan điểm của vợ: “Để tìm được những người làm việc được với nhau không dễ, em mong anh nên suy nghĩ lại. Anh phải tính toán kỹ vì đã có gia đình rồi, anh nói rằng anh cũng thích công việc của mình. Mà đồng nghiệp anh em thấy hòa đồng, giúp đỡ anh trong công việc. Anh xem xét lại công việc mới như nào, có nên không? Anh quyết định thế nào em cũng tôn trọng!”
Anh Quang khẳng định: “Mình trân trọng tất cả những gì vợ làm”. Bù đắp cho gia đình sau những giờ làm việc bận rộn, vào cuối tuần, anh Quang dành trọn thời gian cho người thân. Phút giây đó, chỉ đơn giản cùng nhau thức dậy, ăn sáng, cùng nhau ăn cơm, nghe tiếng con trò chuyện,… vậy là quá đủ. Thi thoảng, để thay đổi không khí và muốn vợ thư giãn hơn, hai vợ chồng sẽ đi picnic tại công viên cùng các đồng nghiệp của anh. Động lực của anh Quang để trở thành một người chồng tốt hơn, một kỹ sư giỏi hơn cũng xuất phát từ những niềm vui bình dị ấy.