Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên TƯ Đảng : Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ LĐTB&XH, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước…
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng nhấn mạnh sau 30 năm hình thành và phát triển, Viettel đã trở thành Tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Viettel cũng lĩnh sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số và là nòng cốt của tổ hợp công nghiệp quốc phòng CNC của Việt Nam. Không chỉ vậy, Viettel cũng luôn đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội của đất nước.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng cũng có một số đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các bộ ban ngành liên quan về các cơ chế chính để tạo động lực phát triển, giúp Viettel thực hiện thành công chiến lược giai đoạn tới, đồng thời tiếp tục trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước.
Qua kiểm tra và lắng nghe báo cáo, ý kiến phát triển, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương sự phát triển nhanh và bền vững của Viettel; đánh giá cao việc Viettel luôn dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, xác định chiến lược và sứ mệnh một cách phù hợp tình hình, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả; đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước; đóng góp trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ.
“Viettel hình thành trong khó khăn, tồn tại trong khó khăn và phát triển trong khó khăn”, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, khẳng định tinh thần “trong nguy có cơ”, “non cao cũng có đường trèo, đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi””, Thủ tướng phát biểu.
Sau khi xác định những nguyên nhân làm nên thành công của Viettel, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ những nhiệm vụ mà Tập đoàn cần hoàn thành trong thời gian tới. Trong đó, có việc nghiên cứu, sản xuất chip phục vụ đắc lực, hiệu quả CĐS quốc gia, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, là một trong những tập đoàn đóng vai trò dẫn dắt quá trình này, làm trung gian thanh toán chuyển mạch, bù trừ điện tử. Cùng với đó, Viettel cần góp phần xây dựng dữ liệu quốc gia, tăng cường an ninh, an toàn mạng, an toàn viễn thông; phát triển các lĩnh vực viễn thám, logistics và thương mại điện tử.
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tổng kết thực tiễn, triển khai đầu tư ra nước ngoài chắc chắn, thận trọng, hiệu quả, đúng quy định của VN và pháp luật nước sở tại; góp phần vào hòa bình, hợp tác, phát triển, xây dựng quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa VN và các nước.
Cùng với đó, Viettel phải tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội, đầu tư cho những nơi khó khăn theo hướng lưỡng dụng vừa phát triển KT-XH, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng; tham gia tích cực vào chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, phát triển kinh tế xanh, thích ứng biến đổi khí hậu. Góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính, đổi mới quản trị quốc gia.
Thủ tướng cũng nêu rõ, bên cạnh những lúc đột phá, sự phát triển của Viettel cũng có lúc chững lại. Thủ tướng lưu ý không được say sưa, thỏa mãn, phải luôn khiêm tốn, phát huy, kế thừa những thành quả đã đạt được, nỗ lực phấn đấu vươn lên.
Trước những đề xuất từ Tập đoàn, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cụ thể từng đề xuất. Với những nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách và trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương, Thủ tướng giao các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất, giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.