Ban tổ chức cho biết, dù thời điểm phát động và nhận tác phẩm dự thi rất gần so với kỳ Giải thưởng năm trước, Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022 – 2023 vẫn nhận được số lượng lớn các tác phẩm gửi tham dự, với 226 tác phẩm. Đây là số lượng lớn nhất trong số các kỳ Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia từ trước đến nay.
Hội đồng chung khảo Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022 – 2023 nhận định: Các tác phẩm tham gia năm nay đều có sự tiến bộ cả về số lượng và chất lượng, đa dạng về nội dung và phong phú về hình thức thể hiện, phản ánh trình độ phát triển của nền kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Một số công trình như nhà chung cư, nhà cho người có thu nhập thấp vốn tham dự không nhiều trong các năm trước nhưng năm nay đã xuất hiện và có chất lượng tốt. Các thể loại công trình công cộng cũng có sự giao thoa giữa tính bản sắc, bản địa của vùng miền và tiếp thu tinh hoa kiến trúc thế giới.
Từ các công trình của người dân đến các công trình lớn của chính phủ, nhiều tác phẩm có sự tiếp cận về tư tưởng sáng tác chung của thế giới và các xu hướng tiến bộ như kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Giải thưởng năm nay cho thấy sự sáng tạo của các kiến trúc sư trẻ cũng như sự cạnh tranh lành mạnh giữa các văn phòng kiến trúc trong và ngoài trước.
Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia là giải thưởng được tổ chức xét chọn, trao giải định kỳ 2 năm 1 lần do Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch tổ chức.
Danh sách 5 Giải Vàng gồm:
Viettel Group Headquarters (Thể loại A2: Kiến trúc công cộng) – Tác giả: Gensler – Công ty GENSLER
Ngôi nhà Đức tại TP Hồ Chí Minh (Thể loại A2: Kiến trúc công cộng) - Tác giả: nhóm KTS Meihard von Gerkan, Nikolaus Goetze, Volkmar Sievers
Trung tâm gốm Bát Tràng (Thể loại A2: Kiến trúc công cộng) - Tác giả: nhóm KTS Hoàng Thúc Hào, KTS Nguyễn Duy Thanh, KTS Đỗ Quang Minh – Công ty CP Kiến trúc Xây dựng 1 + 1 >2
Thiết kế cảnh quan khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải Resort (Thể loại B2: Kiến trúc cảnh quan – Thiết kế đô thị) - Tác giả: KTS Nguyễn Thượng Quân, KTS Bùi Thị Bích Đào, KTS Lê Văn Hoàng, KTS Nguyễn Thị Phương Yến và Cộng sự Công ty CP Kiến trúc FARC (Flamingo)
Quy hoạch chung TP Sóc Trăng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 (Thể loại C1: Quy hoạch đô thị) - Tác giả: Nhóm KTS Cao Thành Nghiệp và Cộng sự – Công ty CP thiết kế và phát triển đô thị Ca SA Đông Dương
Với số phiếu áp đảo 1009, công trình The Kaleidoscope của kiến trúc sư Kosuke Nishijima đã giành chiến thắng hạng mục bình chọn cộng đồng, trở thành công trình được yêu thích nhất trong số các công trình tham gia Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022 – 2023.