Trong bối cảnh thị trường đầy tính cạnh tranh như hiện nay, các tập đoàn lớn trên thế giới thường rất chú trọng vào việc xây dựng chiến lược thương hiệu để đạt được thành công và sự tăng trưởng bền vững. Những “ông lớn” về công nghệ cũng không nằm ngoài làn sóng này.
Đơn cử như tập đoàn Singtel sử dụng chiến lược hybrid brand cho 2 thị trường chính là Singapore và Úc. Tại Singapore, Singtel sử dụng thương hiệu gắn nhãn chung cho các dịch vụ như di động, phần mềm di động, quảng cáo. Ngoài ra, Singtel cũng sử dụng chiến lược thương hiệu bảo chứng cho hoạt động đầu tư quỹ và thương hiệu độc lập cho dịch vụ ICT. Mỗi thương hiệu đều được đăng ký pháp nhân là công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân. Tại thị trường Úc, Singtel mua lại thương hiệu Optus vào năm 2001. Optus được biết đến là thương hiệu tên tuổi trong lĩnh vực viễn thông ở Úc nên Singtel quyết định giữ lại thương hiệu Optus và tiếp tục xây dựng tên tuổi, danh tiếng cho thương hiệu sẵn có. Mỗi thương hiệu đều được đăng ký pháp nhân là công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân.

Hay như tập đoàn Nissan sử dụng thương hiệu Datsun tại Ấn Độ, Indo, Nga, Nam Phi như một chiến lược tiếp cận phân khúc thị trường với điều kiện kinh tế/khả năng chi trả khác so với thị trường chính của hãng. Ở các thị trường này có độ nhạy cảm về giá cao hơn, tiềm năng phát triển của xe ô tô còn lớn, Datsun được định vị là thương hiệu ở mức dễ dàng chi trả (entry-level). Bằng cách tách biệt Datsun và Nissan, công ty có thể đa dạng hoá sản phẩm và tiếp cận tới nhiều phân khúc khách hàng hơn. Ngoài ra, sử dụng thương hiệu Datsun giúp Nissan mở rộng chiến lược kinh doanh ra toàn cầu, đặc biệt ở môt số thị trường Nissan không thể cạnh tranh do cân nhắc về giá.

Lý do các công ty sử dụng các thương hiệu độc lập tại các thị trường khác:
+ Điều chỉnh chiến lược giá phù hợp với từng thị trường, hạn chế khả năng khách hàng so sánh giá của các sản phẩm ở những thị trường khác nhau
+ Thích ứng các môi trường cạnh tranh khác nhau mà không làm tổn hại hình ảnh thương hiệu toàn cầu
+ Sử dụng các thương hiệu khác nhau cho phép các công ty tuân thủ các quy định địa phương, bao gồm cả quy định về giá, mà không ảnh hưởng đến hoạt động ở các thị trường khác.
+ Chiến lược tiếp thị, truyền thông riêng biệt, tạo tương tác, quan hệ chặt chẽ hơn với khách hàng địa phương.

Viettel High Tech xây dựng chiến lược cấu trúc thương hiệu phù hợp nhằm:
- Gia tăng sức mạnh thương hiệu Viettel trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao;
- Nâng cao năng lực cạnh tranh phù hợp với định hướng phát triển kinh doanh tại các thị trường trong nước và quốc tế;
- Đồng thời bảo vệ thương hiệu mẹ khỏi những rủi ro có thể xảy ra về mặt danh tiếng.
Cơ cấu sản phẩm của Viettel High Tech chia làm 3 lĩnh vực: Quân sự - Viễn thông và Dân sự. Mỗi thị trường/sản phẩm có những đặc tính và hành vi mua sắm/sử dụng hoàn toàn khác nhau. Thị trường trong nước/quốc tế, sản phẩm dân sự/quân sự phức tạp, dẫn đến rủi ro khi sử dụng duy nhất thương hiệu Viettel. Việc xây dựng chiến lược thương hiệu bài bản sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ cấu sản phẩm, thị trường và mối tương quan với thương hiệu mẹ.
Việc xây dựng chiến lược thương hiệu mới sẽ giúp:
- Xác định được mối tương quan và tương hỗ giữa thương hiệu Tập đoàn – thương hiệu của Viettel High Tech trên từng phân khúc khách hàng và từng thị trường cụ thể; xác định và phân tích những rủi ro/cơ hội khi sử dụng thương hiệu Viettel nhằm mục đích cao nhất là phát huy và bảo vệ giá trị thương hiệu đồng thời hạn chế rủi ro về danh tiếng đối với thương hiệu Tập đoàn.
- Xây dựng nền tảng định hướng thương hiệu vững chắc cho Tổng Công ty trong trung và dài hạn, giúp gia tăng vị thế danh tiếng của Viettel High Tech trên thị trường trong nước và quốc tế.
- Xây dựng cấu trúc thương hiệu có tính cộng hưởng, nhằm tối ưu giá trị thương hiệu mẹ đồng thời giảm thiểu rủi ro về thương hiệu, danh tiếng của Tổng Công ty và Tập đoàn trong quá trình triển khai mở rộng thị trường kinh doanh.
- Xây dựng chiến lược thương hiệu tiếp cận phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và hành vi của phân khúc thị trường quốc tế, tối ưu hóa nguồn lực và thế mạnh của thương hiệu tập đoàn/đơn vị thành viên song vẫn đảm bảo khả năng hội nhập và tiệm cận với thị trường công nghệ thế giới
Tóm lại, việc xây dựng một chiến lược thương hiệu cụ thể, toàn diện là một yếu tố quan trọng để Viettel High Tech tạo dựng và duy trì sự thành công trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Chiến lược thương hiệu mới không chỉ giúp tạo lợi thế cạnh với các đối thủ trong nước và quốc tế, bên cạnh đó còn giúp định vị Viettel High Tech là thương hiệu phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và hành vi của phân khúc thị trường quốc tế.