Theo một báo cáo mới từ trang tin Japan Times, Nhật Bản đang nuôi tham vọng trở thành nhà sản xuất hàng đầu đối với các loại chip tiên tiến nhất thông qua việc hợp tác với hãng IBM.
Vào tháng trước, 8 công ty lớn của Nhật Bản bao gồm Toyota, Sony, NTT, SoftBank, Kioxia, Denso, NEC và MUFG Bank đã cùng đầu tư vào một công ty mới có tên Rapidus. Mục tiêu của Rapidus là nghiên cứu, phát triển, thiết kế và sản xuất các chip bán dẫn cao cấp tại Nhật Bản. Ngoài sự đóng góp từ các công ty lớn, Rapidus còn được sự ủng hộ từ chính phủ Nhật với khoản trợ cấp lên đến 500 triệu USD cho mục tiêu này.
Đến hôm qua, mục tiêu của công ty này đã tiến thêm một bước nữa với thông báo từ IBM cho biết, công ty Mỹ sẽ hợp tác với Rapidus để phát triển và triển khai công nghệ chip 2nm của IBM. Mục đích của việc hợp tác này là nhằm giúp Rapidus sản xuất chip 2nm tại các nhà máy của họ ở Nhật Bản. Một phần của thỏa thuận này bao gồm việc các nhà khoa học và kỹ sư của Rapidus sẽ làm việc tại khu Phức hợp Albany NanoTech ở New York cùng với các nhà nghiên cứu của IBM cũng như IBM Japan tại Tokyo.
"IBM vinh dự được hợp tác với Rapidus trong việc phát triển công nghệ bán dẫn thế hệ kế tiếp và giúp định vị Nhật Bản như là người dẫn đầu đối với một trong những lĩnh vực công nghệ chiến lược nhất thế giới hiện nay." Darío Gil, Phó chủ tịch và Giám đốc nghiên cứu tại IBM, cho biết. "Việc hợp tác này đặc biệt quan trọng khi giúp đảm bảo cân bằng về địa lý cho chuỗi cung ứng bán dẫn cao cấp, được xây dựng thông qua một chuỗi các công ty và quốc gia có cùng chí hướng."
IBM lần đầu giới thiệu tiến trình chip 2nm của mình vào năm 2021, nhưng việc sản xuất trên quy mô lớn chỉ có thể thực hiện sớm nhất là vào năm 2024. Thông qua việc hợp tác với Rapidus, dự kiến chip 2nm sẽ được sản xuất tại Nhật bằng công nghệ này trước năm 2030.
Hiện tại Đài Loan (Trung Quốc) vẫn là nơi sản xuất phần lớn chip cao cấp nhất thế giới nhưng điều này có thể sẽ dần thay đổi trong những năm tới.
Hiện hãng TSMC đang bắt tay vào việc sản xuất chip ở Arizona với khoản đầu tư lên tới 40 tỷ USD. Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang vươn mình trở thành một trung tâm mới cho việc sản xuất chip tiên tiến trên thế giới. Ngoài ra, cũng không thể không kể đến Trung Quốc khi cho dù đi sau, nước này vẫn đang đầu tư những khoản tiền khổng lồ cho công nghệ chip cao cấp để đảm bảo mục tiêu tự cung tự cấp cho quốc gia mình.