Báo chí 24h
Mô hình mô phỏng và bước trưởng thành từ số 0
Nhật Minh Lv.4
Những năm gần đây, sự xuất hiện thường xuyên của lá cờ Việt Nam trên bục trao giải khiến Army Games – Hội thao quân sự quốc tế thường niên do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức – trở thành một sự kiện được khán giả từ Việt Nam chờ đợi. Trong số đó, tấm Huy chương vàng nội dung Xe tăng hành tiến năm 2020 sẽ còn được nhắc đến như minh chứng cho tinh thần Việt Nam cũng như tính hiệu quả của quá trình huấn luyện, đào tạo ra những chiến sỹ tinh nhuệ ở Binh chủng Tăng thiết giáp. Góp phần trong đó là những mô hình mô phỏng Make in Vietnam, Make by Viettel.

Chia sẻ về những khoảnh khắc đáng nhớ trước khi nhận tấm huy chương vàng tại Army Games 2020, Thượng úy Phan Anh Tuấn, Đại đội 50, Tiểu đoàn 4, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tăng thiết giáp, kể: "Ở thời điểm chuẩn bị bắn pháo 125mm trong hành tiến, trong tiếng hò reo cổ vũ của khán giả, tôi đã bình tĩnh hạ 2/3 bia mô phỏng xe tăng, ngay lập tức, đồng chí lái xe đã phối hợp điều khiển xe về đích với tốc độ thần tốc, có lúc đạt tới 72km/h, giúp chúng tôi hoàn thành phần thi trong thời gian ngắn nhất. Để rồi, khi nhìn lên bảng thông báo, thấy đội về thứ hai là Lào kém Việt Nam tới 10 phút 08 giây cả đội đã ôm nhau bật khóc vì sung sướng, hạnh phúc...".

Cần biết rằng, ở Army Games 2020, do đại dịch Covid-19, thành viên đội tuyển xe tăng Việt Nam không thể xuất ngoại sớm để có thêm thời gian làm quen với thao trường, trang thiết bị thi đấu. Trong khi đó, Ban tổ chức lựa chọn xe thi đấu là loại xe tăng T-72B3 hiện đại. Ở trong nước, đội tuyển chỉ được huấn luyện trên thiết bị mô phỏng.

Đã ra quân là đánh thắng, dù kiến thức đi từ số 0

Năm 2016, Trung tâm Mô hình Mô phỏng, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) được thành lập. Sản phẩm đầu tiên mà đơn vị này nghiên cứu là hệ thống mô phỏng xe tăng T54B, T55, cũng là thực tế xuất phát từ nhu cầu tại Binh chủng Tăng thiết giáp. Khi đó, Binh chủng đang sử dụng hệ thống mô phỏng tăng mua từ Ukraina. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, mô hình này phát sinh một số vấn đề như: hoạt động không ổn định, thường xuyên cần sửa chữa; đồ hoạ chất lượng chưa tốt; nội dung bài tập huấn luyện theo giáo trình nước ngoài, không khớp với bài tập mà Binh chủng đang dạy; cơ cấu mô phỏng chuyển động chỉ là 3 bậc tự do… Binh chủng Tăng thiết giáp và VHT đã cùng xây dựng đề tài nghiên cứu mô hình mô phỏng xe tăng.

1-1

Hệ thống mô phỏng tăng là giải pháp an toàn, hiệu quả và tiết kiệm trong công tác huấn luyện kíp xe tăng.

Lần đầu tiên tiếp cận với công nghệ mới, những kỹ thuật viên tại Trung tâm Mô hình Mô phỏng không tránh khỏi bỡ ngỡ khi đều là những “tay ngang”. Nhưng tình cờ, khi nhìn thấy khẩu hiệu của Binh chủng Tăng thiết giáp “Đã ra quân là đánh thắng”, các kỹ sư của VHT càng quyết tâm không để sản phẩm đầu tiên ra mắt thất bại.

Khối lượng kiến thức trước mắt mà họ cần học hỏi vô cùng nhiều. Nhưng nếu không bắt đầu, công nghệ Mô hình Mô phỏng mãi chỉ là con số 0.

Đồng chí Nguyễn Phương Sáng, Trung tâm Mô hình Mô phỏng, nhớ lại: “Trong giai đoạn đầu, chúng tôi cần tìm hiểu và làm chủ công nghệ mô hình hóa tính toán mô phỏng thời gian thực chuyển động của xe tăng. Bản chất đây là mô hình động lực học, vì vậy phải lập phương trình. Phần bánh của xe tăng là bánh xích, do đó, khi lập phương trình chuyển động của xe với nhiều thành phần, phương trình vô cùng phức tạp. Chúng tôi giải quyết bằng cách xây dựng phương trình dựa trên nguyên lý cơ bản về động lực hệ nhiều vật, tức là VHT sẽ tách toàn bộ xe tăng thành các nhiệm vụ khác nhau và xây dựng mối liên kết giữa nhiệm vụ đó.

Sau khi có phương trình bao quát, chúng tôi tiếp tục hiệu chỉnh hệ số trong phương trình. Hệ số này liên quan đến động học, khối lượng hoặc mô-men để kết quả đầu ra phù hợp với từng loại xe tăng. Việc điều chỉnh hệ số vừa dựa một phần vào xe tăng, một phần có được thông qua đi thử nghiệm, điều chỉnh liên tục để có được mô hình động lực học khớp với kết quả đo đạc thực tế. Ngoài ra, chúng tôi cũng cần nghiên cứu hạng mục cơ cấu mô phỏng chuyển động 6 bậc tự do liên quan đến thuật toán về mô phỏng cảm giác trong hệ tường minh của người”.

2-1

Công nghệ mô phỏng chuyển động 6 bậc tự do của hệ thống này được các kỹ sư của TT Mô hình mô phỏng nghiên cứu và phát triển với rất nhiều tìm tòi, nỗ lực vượt lên trên những kiến thức vốn có.

Đó chỉ là một trong số vô vàn con tính mà các kỹ sư Trung tâm Mô hình Mô phỏng phải đặt ra để giải quyết. Đến nay, với lợi thế là đơn vị trong nước có khả năng tự sản xuất, VHT đã nhanh chóng tuỳ biến sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Cụ thể, ngoài bài tập đã thiết lập sẵn trên hệ thống, Binh chủng Tăng thiết giáp yêu cầu thêm công cụ tự xây dựng bài tập. Đáp ứng mong muốn đó, VHT cũng đã thay đổi phần mềm và bổ sung nhiều tính năng khác.

Với những nỗ lực ứng dụng công nghệ mới vào sáng chế, Mô hình Mô phỏng xe tăng T54B, T55 của VHT được Binh chủng Tăng thiết giáp đánh giá mang nhiều ưu điểm hơn so với hệ thống mô phỏng tăng mua từ nước ngoài trước đó. Phần mềm hiện đại hơn, thiết kế đẹp hơn, cơ cấu chuyển động 6 bậc tự do mô phỏng tốt và mượt mà. Đáng chú ý, hệ thống hoàn toàn bám sát theo giáo trình huấn luyện của Binh chủng Tăng thiết giáp, đem lại hiệu quả cao trong quá trình huấn luyện. Tính đến nay, VHT đã bàn giao cho Binh chủng Tăng thiết giáp là 06 tổ hợp gồm 18 hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp xe tăng T54B, T55.

Những cách làm chưa có tiền lệ khi thông tin có được là số 0

Vào thời điểm VHT nghiên cứu mô hình mô phỏng, đây vẫn là một lĩnh vực mới trong nước. Không có bất kỳ sản phẩm mô hình mô phỏng nào có sẵn tài liệu. Tương tự với mô hình mô phỏng xe tăng, cách tiếp cận của VHT để nghiên cứu thành công hệ thống mô phỏng huấn luyện chỉ huy bay và phi công Su-30MK2 cũng là cách làm chưa có tiền lệ.

Để dựng được mô phỏng máy bay, cách tiếp cận phổ biến là cần có dữ liệu từ nhà sản xuất máy bay nhằm xây dựng hệ thống mô phỏng. Tuy nhiên, khi VHT đề cập vấn đề này với nhà sản xuất tại Nga, câu trả lời chỉ là con số 0.

Người Viettel đã xây dựng bộ dữ liệu máy bay SU-30MK2 của riêng mình bằng cách phối hợp với các chuyên gia của Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) khảo sát nghiên cứu trên mô hình máy bay thật, sau đó xây dựng mô hình số 3D (sử dụng máy scan 3D toàn bộ máy bay), tính toán khí động học trên mô hình số, phối hợp với các chuyên gia, cố vấn của Quân chủng, phi công và dữ liệu từ hộp đen (máy khách quan, NKVS) để hiệu chỉnh tạo ra bộ dữ liệu cho máy bay Su-30MK2. Sau khi hoàn thiện, hệ thống mô phỏng huấn luyện chỉ huy bay và phi công Su-30MK2 được đánh giá có cấu hình và tính năng tương đương với sản phẩm Buồng tập lái máy bay SU-30MK2 của hãng Tranzas, hiện đang được Quân chủng PK-KQ khai thác sử dụng.

7-44

Hệ thống mô phỏng máy bay thế hệ 4.5 có nhiệm vụ huấn luyện phi công bay thực hiện các thuật lái từ đơn giản tới cao cấp, bay trong nhiều điều kiện khác nhau, thực hành xử trí bất trắc trên không…

Theo Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hệ thống đã hoàn thành đầy đủ các nội dung theo bộ chỉ tiêu chiến-kỹ thuật, hệ thống cơ bản đáp ứng yêu cầu huấn luyện cho phi công, kíp dẫn đường và kíp Chỉ huy bay SU-30MK2; đáp ứng yêu cầu huấn luyện kỹ thuật lái dẫn đường trong các điều kiện khí tượng từ giản đơn đến phức tạp và khi có bất trắc trên máy bay; các đài dẫn đường hoạt động tốt, chỉ đúng tham số chuẩn (cự ly, phương vị) trên buồng lái trong quá trình bay, bám sát chỉ tiêu tính năng chiến-kỹ thuật đã phê duyệt. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng rất ấn tượng với các công nghệ được áp dụng trong quá trình nghiên cứu, phát triển tổ hợp mô phỏng huấn luyện SU-30MK2.

Quá trình từ những ngày đầu còn loay hoay tìm hiểu công nghệ Mô hình Mô phỏng cần gì, thế giới đang phát triển ra sao cho đến khi đạt bằng sáng chế của Mỹ về công nghệ Mô hình Mô phỏng là minh chứng rõ nét cho thấy sự kiên trì, quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu chính là chìa khoá để VHT nghiên cứu thành công nhiều mô hình mô phỏng huấn luyện quân sự và dân sự.

Sau 6 năm thành lập, ngày hôm nay, đồng chí Phương Sáng đã có thể tự tin trả lời về những yếu tố cần có để nắm trong tay công nghệ lõi của Mô hình Mô phỏng: “Thứ nhất, hệ thống thiết kế phải rõ ràng, sau đó làm chủ công nghệ lõi của từng thành phần, cụ thể như: Làm chủ công nghệ lõi về mô hình hóa tính toán mô phỏng, công nghệ lõi về chế tạo cơ cấu chuyển động, công nghệ lõi về tạo hình ảnh 3D. Khi làm chủ thành phần công nghệ lõi và thiết kế hệ thống sẽ xây dựng được hệ thống mô phỏng khí tài tương đối hoàn thiện”.

Với sự phát triển của khoa học-công nghệ, Công nghệ Mô phỏng đang đóng vai trò quan trọng trên nhiều mặt của các hoạt động quân sự hiện đại như nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm vũ khí trang bị mới. Sử dụng Công nghệ Mô phỏng cho phép tối ưu hóa tính năng kỹ thuật, chiến thuật và đánh giá hiệu quả trong chiến đấu trước khi quyết định sản xuất mẫu đầu tiên để thử nghiệm trong thực tiễn. Công nghệ mô phỏng cũng cho phép huấn luyện dưới nhiều hình thức, từ đơn giản đến phức tạp, tạo nên những giờ học trực quan, sinh động giúp học viên nâng cao kỹ năng, tâm lý trong sử dụng vũ khí, trang bị. Đồng thời, các hệ thống này mang lại hiệu quả về chi phí so với phương pháp huấn luyện quân sự truyền thống, tránh được những trường hợp rủi ro, nguy hiểm trong điều kiện thực, giảm tác động xấu tới môi trường…

Hiện nay, quân đội nhiều nước đang tăng cường mua sắm các thiết bị mô phỏng và sử dụng trong huấn luyện. Các nhà sản xuất vũ khí sẽ sản xuất các thiết bị mô phỏng đi kèm với vũ khí mới. Ngoài ra, xu hướng hiện nay trên thế giới là tăng cường ứng dụng công nghệ VR/AR nhằm cải thiện chất lượng hệ thống mô phỏng, tăng độ chân thực; đồng thời chuẩn hoá và kết nối hệ thống mô hình mô phỏng các loại với nhau nhằm tạo ra kỹ thuật chiến thuật thích hợp.

4

Hệ thống các sản phẩm mô phỏng hiện đại do VHT nghiên cứu - phát triển đã nhận được sự đánh giá cao từ các đơn vị quân binh chủng.

Đặt mục tiêu song hành với thế giới về công nghệ ngay từ khi thành lập, Trung tâm Mô hình Mô phỏng hiện nhanh chóng áp dụng VR/AR vào trong các sản phẩm của mình, khẳng định vị thế là đơn vị dẫn đầu thị trường Việt Nam.

Kỳ vọng và ước mơ là không thể đủ, thay vào đó chỉ có sự chăm chỉ cùng cống hiến mới đạt được những gì mình mong muốn. Thành quả làm chủ công nghệ lõi mô hình mô phỏng trong lĩnh vực quân sự của VHT từ Hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp xe tăng T-54B/T-55, mô phỏng huấn luyện phi công SU-30MK2, hệ thống sa bàn 4.0, hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp chỉ huy bay, huấn luyện kỹ thuật bắn súng, tác chiến điện tử cho đến mô hình mô phỏng áp dụng trong dân sự như mô phỏng hệ thống lái xe VOTO đã chứng minh chân lý đó.

  • 108
  • 0 bình luận
  • 0
Tổ hợp khí tài chỉ huy điều khiển được xem như bộ não của các loại khí tài. Hệ thống...