Xuất phát là một người đam mê mày mò, từ những năm đại học, chàng trai sinh năm 1990 Chu Quang Khánh đã bắt tay nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Theo Khánh, những dự án, sản phẩm tự tay thực hiện là điểm cộng của anh giữa những bạn học cùng lứa tham gia thi loại vào Viettel thời điểm đó.
“Anh Nguyễn Vũ Hà, lúc ấy là Phó Viện trưởng đã trực tiếp phỏng vấn mình, các nhân sự hôm đó có người đỗ, người không nhưng các bạn được phỏng vấn nhanh lắm, khoảng 5-10 phút đã thấy ra khỏi phòng. Riêng mình được “hỏi xoáy đáp xoay” tới 25 phút, nhưng không khí rất thoải mái. Anh Hà hỏi về các dự án mình đã làm, mong muốn là gì, còn mình thì say sưa chia sẻ. Thú thật thời điểm đó, mình nộp hồ sơ vào Viettel vừa là vì thu nhập hấp dẫn, vừa vì mục tiêu học hỏi, tìm hiểu mọi thứ”, Chu Quang Khánh, Trưởng phòng Phát triển hệ thống phần cứng số hiệu năng cao, chia sẻ về những ngày đầu gia nhập Viện nghiên cứu và phát triển Viettel, tiền thân của TCT Công nghệ cao Viettel (VHT) bây giờ.
Chu Quang Khánh khát khao làm ra những sản phẩm có chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế mang tên Viettel.
Sau gần 10 năm vào Viettel, mục tiêu của Khánh không phải là lương nữa. Khánh khẳng định mục tiêu hiện nay của mình là muốn làm ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế và có thể tương đương với các sản phẩm hiện đại của nước ngoài. Chàng trai 32 tuổi vừa vinh dự là một trong 49 thành viên của Viettel vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ vừa qua với công trình “Nền tảng công nghệ vô tuyến điện quân sự thế hệ mới phục vụ chế tạo, sản xuất trang bị thông tin hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng” - góp phần đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia trên thế giới sở hữu công nghệ này.
Không nhiều người biết rằng lò vi sóng, kính mát hay internet... - những thiết bị, ứng dụng khá phổ biến với mọi người hiện nay có nguồn gốc từ các nghiên cứu để sử dụng trong quân đội.
Từ trước tới nay, công nghệ ứng dụng cho quân sự luôn đi tiên phong với mục tiêu tạo ra các khí tài, phương tiện có thể nắm ưu thế trước đối phương. Khi những công nghệ mới ra đời, các công nghệ cũ hơn tìm thấy chỗ đứng mới trong các ứng dụng dành cho dân sự thì lúc đó những người như Khánh mới có thể chia sẻ một chút về công việc của mình.
“Bình thường mình hiếm khi chia sẻ chuyện công việc với bạn bè, người thân. Bố mẹ hay các bác hỏi làm gì ở Viettel, mình thường hay nói đùa là con đi kéo cáp, lúc thì trêu mình đi bán sim, lúc bảo con ngồi ở quầy giao dịch, lúc thì trực tổng đài… Hôm nhận giải thưởng Hồ Chí Minh là lần đầu tiên bố mình mới biết rõ hơn chút về công việc của mình và đồng nghiệp ở Viettel”.
Với Khánh, việc không chia sẻ được với gia đình không phải là một vấn đề quá lớn, bởi anh thường xuyên trao đổi với đồng nghiệp, lãnh đạo và cả cấp dưới của mình ở VHT. Từ thời điểm vào chỉ có một phòng thiết kế phần cứng với quân số khoảng 6-8 người, bây giờ Trung tâm Thông tin và Tác chiến điện tử, nơi Khánh đang làm việc đã lên 100 người, riêng phần cứng đã tách ra thành hai phòng phần cứng số, phần cứng cao tần.
Trưởng thành từ vị trí của một nhân viên, khi giữ cương vị quản lý, Khánh cho rằng hai yếu tố quan trọng nhất để duy trì tình yêu của một nhân sự với tổ chức là: Động lực và mối quan hệ với lãnh đạo trực tiếp.
“Trên cơ quan, trong công việc, mình là quản lý nhưng sau đó, mình luôn coi các bạn như những người thân thiết với mình. Mọi người đều quan tâm, chia sẻ với nhau rất cởi mở, rõ ràng, khi gặp vấn đề thì mình cố gắng xử lý cho các bạn ổn thoả để mọi người yên tâm công tác. Mình luôn đảm bảo sự công bằng trong nhóm và sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ các thành viên. Khi mình đã nỗ lực hết sức như vậy, nếu thành công thì cả tập thể cùng chung vui, nhưng nếu không được thì các bạn cũng sẽ hiểu và thông cảm”.
Điều Khánh tự hào nhất là từ thời điểm năm 2019 đến nay, 8 nhân sự của Phòng Phát triển hệ thống phần cứng số hiệu năng cao vẫn gắn bó và chiến đấu cùng nhau.
Từ năm 2017 - 2020, năm nào Khánh cũng dành 2-3 ngày về trường Đại học Bách Khoa để tham gia Hội đồng bảo vệ tốt nghiệp của các sinh viên. Thấy bạn nào ấn tượng, nói năng lưu loát hay có kiến thức, Khánh sẽ trực tiếp trao đổi và mời về Viettel.
Khi được hỏi về điều cần chuẩn bị nhất để gia nhập mái nhà chung Viettel, Khánh chia sẻ quan trọng nhất là tinh thần học hỏi và luôn luôn phải làm việc hết mình. Đã nhận là làm, không làm thì thôi, không làm thì nói thẳng thắn và có lý do tại sao. Đã làm là phải làm hết mình, bởi theo Khánh: “Khi mình coi nhiệm vụ được giao là việc của mình rồi thì không phải làm kiểu đối phó”.
Với sinh viên bây giờ, Khánh đánh giá cao khả năng lắng nghe, tiếp thu và cách giải quyết vấn đề. Ngoài ra, theo Khánh, tiếng Anh là một tiêu chí quan trọng để đọc hiểu tài liệu và học hỏi tri thức mới.
“Mình từng viết một vài bài trên kênh cá nhân để tuyển dụng, lúc gián tiếp, lúc trực tiếp. Có một lần mình đăng tin về bóng đá với hình ảnh Nhâm Mạnh Dũng lúc làm thủ môn, lúc làm tiền đạo; Quế Ngọc Hải lúc trung vệ lúc thủ môn. Như mọi người thấy đấy, người Viettel không có gì là không thể, người Viettel cái gì cũng có thể. Chúng tôi là người Viettel dù ở vị trí nào cũng có thể làm tốt nhiệm vụ. Mình chia sẻ nội dung đấy trên diễn đàn của trường Bách Khoa. Mục tiêu của mình là muốn truyền thông điệp: người Viettel cái gì cũng có thể làm được”, Khánh tiết lộ.
Chia sẻ về kỉ niệm suýt chút nữa chia tay với Viettel vào năm 2018 với một trong những lý do chính là có một công ty lớn bên ngoài chào mời lương gấp đôi, Khánh kể rằng người giữ chân Khánh ở lại với Viettel cũng chính là anh Nguyễn Vũ Hà - người đã dành thời gian phỏng vấn Khánh 25 phút 5 năm trước đó. Thời điểm đó, anh Vũ Hà ở cương vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Phát triển Viettel, nhưng đã dành hơn hai tiếng đồng hồ để nói chuyện với Khánh.
Khánh nói: “Mình quyết định ở lại, dù rất nhiều người hỏi mình sao lại làm như thế. Mà mình cũng không hề có yêu cầu kiểu ra điều kiện như em ở lại thì anh phải cho em cái này, cái kia hay mai cho em lên vị trí quản lý. Chính cuộc gặp với anh Hà đã khiến mình cảm thấy mình là một phần của đơn vị, cảm thấy có động lực gì đó và quyết tâm ở lại”.
Những thiết bị vô tuyến điện quân sự được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan trực tiếp tại khu vực triển lãm trong hội trường Bộ Quốc phòng.
Suốt vài năm sau đó, Khánh tập trung thiết kế rất nhiều sản phẩm mà trước đó chưa ai làm nếu xét về mặt kỹ thuật. Thời điểm đó, Khánh cũng không có chức danh quản lý, dưới Khánh chỉ có một bạn sinh viên mới ra trường hướng dẫn và đào tạo trực tiếp, cả 2 làm ngày làm đêm. Có giai đoạn gần như cứ cách ngày, Khánh lại ở cơ quan cả đêm, liên tục trong một tháng để thiết kế một bộ mạch. “Bình thường, phần cứng thiết kế phải vài phiên bản, nhưng ngay bản đầu tiên của mình đã “chạy” luôn, chỉ cần tinh chỉnh thêm chút để hoàn thiện”.
Từ trải nghiệm của bản thân, Khánh đúc kết 3 yếu tố quan trọng nhất khi đi làm: Thứ nhất là mục tiêu và kiến thức mình gặt hái, tiếp cận được. Thứ hai là cơ hội để mình phát triển. Và thứ ba là thu nhập.
“Làm việc ở môi trường đặc thù, không nói rõ với bên ngoài thì đồng nghiệp Viettel chính là những người mà mình chia sẻ bất cứ lúc nào. Bản thân mình cũng học hỏi cách quản lý từ anh quản lý trực tiếp trước đó và hiện tại của mình: môi trường trao đổi cởi mở. Thế nên mình cũng tạo cho những người trong phòng mình môi trường như thế”, Khánh kể và không quên nhắn nhủ, nếu muốn đồng hành lâu dài cùng nhau, khi có vấn đề, nếu bạn nói ra, chắc chắn sẽ có cách giải quyết.