Người VHT
Kỹ sư trẻ sinh năm 1999 biết vượt qua "cái tôi" của chính mình
My Vũ Lv.1
Với một người trẻ, không để mất cái tôi của chính mình là điều đáng quý nhưng biết vượt qua cái tôi của bản thân để lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ người khác còn đáng quý hơn gấp nhiều lần. Và với Trần Việt Hưng (sinh năm 1999), kỹ sư điều khiển tự động, Trung tâm Công nghệ Cơ khí-Tự động hóa, cậu học được điều này sau khi đọc xong cuốn sách Chủ nghĩa khắc kỷ.

photo_2022-09-06_16-11-58

Trần Việt Hưng, kỹ sư điều khiển tự động, Trung tâm Công nghệ Cơ khí-Tự động hóa

Trước đây, khi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học Bách Khoa, việc đọc sách với Hưng khá dễ dàng. Hưng thường đọc sách lúc 9h tối trước khi đi ngủ hoặc vào ngày nghỉ, cậu dành thời gian lên thư viện đọc, tìm hiểu sách chuyên ngành. Tuy nhiên, sau này, khi trở thành một kỹ sư thực thụ, công việc đòi hỏi Hưng cần dành nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, để duy trì thói quen của mình, Hưng chuyển sang đọc sách vào cuối tuần hoặc đọc trên app trong giờ giải lao. Khi thấy "pin" sắp cạn mà vẫn muốn duy trì sở thích của mình, Hưng lựa chọn nghe sách nói, Hưng kể: "Trong suốt quá trình làm việc, mắt mình phải hoạt động rất nhiều, chính vì vậy, nghe sách nói là phương pháp hữu ích để mắt mình được thư giãn". Dẫu vậy, cậu tự nhận, cảm giác được cầm trên tay cuốn sách giấy vẫn cuốn hút hơn.

Chia sẻ về những cuốn sách đã đọc, Hưng nói về Đắc nhân tâm, Cha giàu cha nghèo,... Là một chàng trai có tuổi đời khá trẻ nên để lại ấn tượng nhất với Hưng là cuốn sách Chủ nghĩa khắc kỷ bởi theo Hưng, Chủ nghĩa khắc kỷ giúp cậu vượt qua "cái tôi" của chính mình. Hưng khẳng định, vượt qua ở đây không phải đánh mất cái tôi của bản thân. Đối với Hưng, tuổi trẻ gắn liền với sự nhiệt huyết và cả chút "ngông" nhưng nếu biết mình là ai, biết tiếp thu, lắng nghe sự góp ý từ mọi người xung quanh một cách nghiêm túc sẽ giúp mình hoàn thiện bản thân hơn rất nhiều. "Ngoài ra, nội dung cuốn sách cũng giúp mình giải quyết, vượt qua sự lo lắng vô hình luôn tồn tại trong mỗi chúng ta theo cách khách quan, logic, thay vì xử lý bằng cảm tính".

Khi được hỏi rằng, làm như thế nào để Hưng có thể ghi nhớ tất cả các cuốn sách đã đọc và vận dụng chúng vào cuộc sống khi mà công việc bộn bề cũng như lượng thông tin hàng ngày tiếp cận quá lớn? Hưng liền kể về câu chuyện chiếc giỏ đựng than rằng, tại một ngôi chùa, có một tiểu hòa thượng hỏi sư phụ của mình rằng: "Thưa sư phụ, con đã cố gắng đọc những quyển sách như sư phụ nhưng vẫn không thể hiểu nó. Có những đoạn con hiểu, nhưng khi gập sách lại thì quên nó ngay. Vậy đọc sách có ích gì đâu?"

123

Vị sư phụ liền đứng dậy, lấy 1 chiếc giỏ đựng than, sau đó lấy hết than trong giỏ ra và nói:“Con hãy mang chiếc giỏ than này ra ngoài sông mang nước về chùa giúp ta nhé!”. Làm theo lời dặn, nhưng toàn bộ nước chảy ra hết trước khi cậu quay về đến nhà. Một lần, hai lần,… rồi 5 lần nhưng nước vẫn chảy hết ra ngoài giỏ trước khi cậu về đến nhà. Cậu nói với sư phụ: “Sư phụ nhìn này, thật là vô ích”.

Vị Sư phụ nhẹ nhàng đáp: “Con nghĩ nó vô ích nhưng hãy nhìn vào chiếc giỏ kia. Thay vì một chiếc giỏ đựng than cũ kỹ, đen xì và rất bẩn, giờ đây nó đã trông sạch sẽ hơn rất nhiều. Đó là tất cả những gì xảy ra khi con đọc sách. Có thể con không hiểu hoặc không nhớ mọi thứ, nhưng khi đọc, đặc biệt là những cuốn sách hay, bổ ích, nó sẽ làm thay đổi bên trong tâm hồn con. Giống như nước sông là làm sạch chiếc giỏ than đen xì kia vậy".

Kể xong câu chuyện, Hưng thẳng thắn bày tỏ, đọc sách là thay đổi nhận thức, tác động đến con người một cách lâu dài. Chính vì vậy, chưa bao giờ Hưng có ý định dừng lại việc "làm bạn" với những cuốn sách.

  • 141
  • 0 bình luận
  • 2
Cùng khám phá không gian đọc sách cực "chill" tại các trụ sở VHT cùng Ban biên tập...