Không là “bản sao”của bất cứ sản phẩm nào trên thế giới
Năm 1905, kỷ lục bơi tự do 100m (loại đường bơi dài 50m) ở nam là 1 phút 5 giây. Suốt nhiều năm liền, người ta vẫn tin rằng đó là giới hạn cao nhất của con người có thể đạt được trong bơi lội. Hơn 100 năm sau, kỷ lục đó đã bị xô đổ vớithành tích 46 giây 91, được thiết lập vào năm 2009 bởi vận động viên trẻ người Brazil Cesar Cielo.
Là người VHT, bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng câu chuyện bứt phá, phá vỡ mọi giới hạn kia không chỉ có ở các môn thể thao, mà nằm ở từng dự án của người VHT. Mỗi một dự án có đặc thù, vất vả, thách thức khác nhau nhưng điểm chung trong các dự án là tinh thần kiên định, sự sáng tạo không ngừng đổi mới,… Đài quang điện tử tầm xa cung cấp cho Quân chủng Phòng Không - Không quân là một trong những minh chứng cho điều đó.
Đài quang điện tử tầm xa do các kỹ sư VHT làm chủ khi so sánh với sản phẩm tương đương cùng loại của Canada có cấu hình vượt trội nhưng giá bán chỉ bằng 57% so với sản phẩm của nước ngoài.
Quang điện tử vẫn hay được ví von là “mắt cú” của người lính. Là đài quang điện tử “Make in Vietnam” đầu tiên cung cấp cho Bộ Quốc phòng, việc làm chủ khí tài này được xây dựng dựa trên nhu cầu của chính khách hàng; do vậy, đây không là “bản sao” của bất cứ sản phẩm nào trên thế giới. Phải khẳng định rằng, quang điện tử là lĩnh vực hết sức cần thiết để Quân đội nhân dân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại.
Ngay từ năm 2018, các kỹ sư VHT đã bắt tay triển khai đề tài Đài quang điện tử tầm xa. 2 năm đầu, họ tập trung làm chủ những công nghệ cốt lõi. Năm 2020, bằng sự tin tưởng năng lực nghiên cứu VHT, Quân chủng Phòng không Không quân đã đặt ra bài toán cụ thể là phát triển Đài quang điện tử hướng tới cảnh giới phòng không với những mục tiêu rất thách thức.
Có công nghệ lõi trong tay là một lợi thế, song để đáp ứng tiến độ hoàn thiện trong vòng 1 năm theo yêu cầu của khách hàng không phải chuyện đơn giản. Đồng chí Vũ Quang Vinh (kỹ sư tại TT Quang điện tử) nhớ lại: “Quãng 1 năm đó dù có công nghệ lõi trong tay nhưng khi chế tạo sản phẩm mới, chúng tôi phải đáp ứng tính năng theo định hướng của khách hàng là hướng tới cảnh giới phòng không. Hơn nữa, một sản phẩm mới không thể tránh khỏi lỗi mà gói gọn trong một năm, chúng tôi phải giải quyết được tất cả những vấn đề đó. Với ngần ấy thời gian, chúng tôi đã thử nghiệm 3 phiên bản trước khi ra đến phiên bản cuối cùng đưa vào sản xuất hàng loạt”.
Nhắc đến những công nghệ lõi Đài quang điện tử tầm xa sở hữu không thể không nhắc đến công nghệ ống kính quang học hồng ngoại phóng đại liên tục với tỉ số phóng đại lớn. Làm chủ công nghệ này đã đem về cho nhóm kỹ sư quang điện tử bằng sáng chế độc quyền được chứng nhận tại Mỹ.
Khi bước sang giai đoạn thử nghiệm sản phẩm, Quân chủng PKKQ đặt ra một tiêu chí rất cao về chỉ thị mục tiêu, thời điểm ấy, các khí tài khách hàng hiện có cũng chưa đạt được chỉ tiêu này. Trong bối cảnh như vậy, trưởng nhóm thiết kế hệ thống Hoàng Minh Anh đã ngày đêm nghiên cứu và thử nghiệm phương án thiết kế. Với sự sáng tạo của mình, anh tạo ra phương án hiệu chỉnh hoàn toàn mới đã hoàn toàn thuyết phục được khách hàng và khiến họ kinh ngạc.
Tích hợp 5 ngày xuống còn 1 ngày
Ít ai biết rằng, dù đã trải qua tương đối nhiều “thăng trầm” trong quãng thời gian nghiên cứu R&D nhưng khi bước sang giai đoạn sản xuất hàng loạt, các kỹ sư Trung tâm Quang điện tử bước tới một cánh cửa “khó lường hơn” khi dịch Covid-19 đang trong giai đoạn cao điểm nhất. Tình thế buộc họ phải tham gia “3 cùng” tại nhà máy để vừa sản xuất, vừa bảo đảm tối ưu quy trình. Một ngày làm việc “3 cùng” của họ bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc 12 giờ đêm. Đặc biệt, những ngày ấy, quá trình tích hợp ống kính quang học cần 5 ngày để hoàn thành trong khi việc mua vật tư linh kiện bị chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nếu theo cách làm cũ, chắc chắn không bảo đảm tiến độ hoàn thành sản phẩm. Một kỹ sư trẻ trong nhóm quang học là Nguyễn Văn Đạt đã quyết tâm nghiên cứu thử nghiệm các phương án để xây dựng một quy trình tích hợp khác và đưa ra các giải pháp kỹ thuật thay thế. Kết quả là đã giảm thời gian tích hợp một ống kính từ 5 ngày xuống 1 ngày và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Bắt đầu nghiên cứu đề tài Quang điện tử tầm xa từ khi chỉ là một kỹ sư cơ khí rồi đến phụ trách sản xuất và sau này đảm nhận nhiệm vụ chủ nhiệm đề tài khi Đài quang điện tử bước sang giai đoạn sản xuất hàng loạt năm 2021, đối với kỹ sư trẻ 27 tuổi Vũ Quang Vinh, khí tài này là “đứa con đẻ”, là sự tự hào của những kỹ sư tại Trung tâm Quang điện tử. Là cá nhân đại diện nhóm dự án đứng trên bục nhận Giải Nhì Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội 2023, Vinh vui mừng bởi nỗ lực của tất cả các kỹ sư Quang điện tử được Bộ Quốc phòng ghi nhận. Sản phẩm là kết tinh của sự sáng tạo và không bỏ cuộc của tập thể những kỹ sư quang điện tử. Những người đã cùng nhau trải qua nhiều đêm không ngủ để thiết kế hệ thống, tìm tòi công nghệ lõi, trải qua nhiều tháng ngày ròng rã xa gia đình ở lại xưởng thực hiện “3 cùng” sản xuất đài.
“Được trao quyền sáng tạo mỗi ngày” là điều mà Vinh nhắc đến khi nói về công việc của một kỹ sư tại VHT. Vũ Quang Vinh bật mí rằng: “Hồi còn là sinh viên, mình đã thích tham gia nghiên cứu tại các dự án ở phòng lab ở trường để mò mẫm, thiết kế những sản phẩm mới. Thật may mắn khi vào VHT 3 năm trước, mình lại tiếp tục “sống” trong “không gian” mà trước đây mình từng theo đuổi”.
Thành công với đài Quang điện tử tầm xa, đây sẽ là nền tảng để những kỹ sư quang điện tử tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm đài Quang điện tử khác, thực hiện mục tiêu đưa nền quốc phòng Việt Nam tiến dần lên hiện đại.