Hạnh hiện đang tham gia dự án VQ2-M2 đảm nhận phân tích nghiệp vụ (BA) kiêm tester. Làm 2 vai, song Hạnh cho rằng, mình không thấy quá tải bởi hai công việc này hỗ trợ qua lại lẫn nhau.
“Nếu mình là một BA tốt, mình sẽ là một tester tốt vì có thể nắm chắc những nghiệp vụ xử lý cũng như nhu cầu của khách hàng. Ngược lại, khi là một tester yêu cầu công việc cần tỉ mỉ, kiên nhẫn giúp mình có thể viết ra những yêu cầu, những tài liệu SRS CR; rồi thực hiện quản lý rồi cũng như viết document chi tiết hơn bởi document không phải viết một lần là xong mà còn chỉnh sửa các kiểu. Một dự án không chỉ có một document”.
Rõ ràng, so với lập trình, tester là một công việc tương đối nhẹ nhàng nhưng cần đức tính cẩn thận, kiên nhẫn. Mặc dù công việc nhẹ nhàng nhưng lại khá hấp dẫn vì luôn có những thách thức.
Tháng 6 vừa qua, Hạnh làm BA, phụ trách xây dựng yêu cầu thay đổi tính năng hệ thống (CR). Đối với Hạnh: “Làm CR khá đau đầu. Mình phải tìm hiểu tính năng đó, tìm đọc các tài liệu có liên quan rồi làm việc với khách hàng để demo tính năng và xin ý kiến". Công việc đòi hỏi Hạnh nghĩ ra nhiều phương án, giải pháp đáp ứng yêu cầu khách hàng và phải xây dựng tài liệu mô tả yêu cầu, xây dựng các luồng xử lý để bao phủ được hết các trường hợp có thể xảy ra. Nghe thì có vẻ tốn nhiều công sức nhưng Hạnh khẳng định cô không thấy nhiệm vụ nào khó, chỉ cần dành thời gian và tâm huyết sẽ ổn. Có những tính năng Hạnh thực hiện chỉ trong vài ngày nhưng cũng có tính năng mất 2,3 tuần tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng. Hạnh nhớ lại, sau khi demo tính năng cho khách hàng, nhiều lần khách yêu cầu cần làm lại. Mỗi lần như thê, Hạnh kiên nhẫn, hỏi chi tiết khách hàng cần gì, muốn thay đổi thế nào.
Vừa làm BA và tester, tiêu chuẩn Hạnh đặt ra đối với sản phẩm rất cao. Hạnh luôn mong muốn hệ thống khi đưa với khách hàng hoàn chỉnh nhất có thể. Chính vì vậy, không ít lần Hạnh và đồng nghiệp tranh luận gay gắt về cách làm. Nhiều lúc, đội thiết kế cho rằng, cách làm của Hạnh không hợp lý, phức tạp. Đặt sự hài lòng của khách hàng là trên hết, mỗi lần như vậy, Hạnh giữ bình tĩnh, trao đổi với anh em trên tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến để đưa ra giải pháp hợp lý nhất.
Tham gia dự án VQ, rồi VQ-M1 rồi đến bây giờ là VQ-M2, Hạnh không nhớ mình đã có bao nhiêu chuyến công tác trong 3 năm công tác tại VHT. Mỗi khi có chương trình huấn luyện đơn vị sử dụng sản phẩm, dù thời gian kéo dài 2-3 tuần, Hạnh không ngần ngại cùng các anh em trong team lên đường, dù là Đà Nẵng, TP Cam Ranh, TP Nha Trang,…
Hạnh còn nhớ, cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm ngoái, nghiệm thu hệ thống VQ2-M1 diễn ra ngay tại Hà Nội song do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Hạnh cùng các anh em khác phải ở lại tập trung tại Trạm khách Quân chủng Phòng không Không Quân. Dù có “thâm niên” đi công tác, nhưng Hạnh vẫn cảm thấy đây là những ngày rất áp lực: “Ở lại Trạm khách, tụi mình không được ra ngoài để bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Là con gái nên có những bất tiện cá nhân và vốn quen “bay nhảy” nên ban đầu mình thấy hơi ngột ngạt. Cùng với đó, với khối lượng công việc khá nhiều, tụi mình làm việc cả ngày thứ 7, chủ nhật nên khá là áp lực. Những rồi khi thấy khách hàng hài lòng với sản phẩm, sự vất vả đó cũng đáng”.
Sau mỗi một chuyến công tác, sau mỗi lần tranh luận với đồng nghiệp về phương án làm sản phẩm,… Hạnh nhận thấy mình lại “hợp đất, hợp người” tại VHT hơn. Hạnh không ngại nếu bị nhận xét là “hung thần” trong mỗi dự án vì với Hạnh, đảm bảo tính chính xác, an toàn và bảo mật trong mỗi sản phẩm mang ý nghĩa an ninh quốc gia là điều quan trọng hơn hết.