Từ trái sang: Sáng, Phú, Đạt, Thuận
Còn nhớ, chiều thứ Ba (5-7), khi Thủ đô đón trận mưa giông khủng khiếp khiến “Hà Nội mùa này phố cũng như sông”, Thuận và Phú nhận nhiệm vụ gấp đến Trung đoàn 284 tại Bắc Giang xử lý sự cố hệ thống VQ2.
Mới vào VHT từ tháng 2/2022 nên đây là chuyến đi công tác đầu tiên và bão táp theo đúng nghĩa đen với Phú. Theo như lời Thuận, trên đường đi Bắc Giang, trời mưa to đến nỗi cành cây rơi xuống cửa kính tưởng như vỡ. Ngày hôm sau, khắc phục sự cố đường truyền hệ thống, Thuận đảm nhận việc “khó” là ngồi giữa tiết trời nắng gắt 12 giờ trưa trong suốt 1 tiếng đồng hồ để sửa kết nối còn Phú kiểm tra phần mềm khí tài trong nhà cách đó không xa. Phú vẫn nhớ: “Anh Thuận thương em nên nói với em là chú vào trong đi còn anh ra làm ngoài nắng”. Phú được xem là một gương mặt trẻ, đang trong quá trình bồi dưỡng, kèm cặp bởi Thuận và nhiều đồng nghiệp kỳ cựu khác.
Thuận đã không còn xa lạ với những chuyến công tác đột xuất hay dài ngày tại đơn vị. Để kết nối khí tài phòng không không quân của đơn vị vào hệ thống VQ2 hoặc hướng dẫn đơn vị sử dụng hệ thống hay hực hiện một số việc như khắc phục lỗi, Thuận đã tới rất nhiều trung đoàn và tiểu đoàn khác nhau của Phòng không Không quân, từ Bắc Giang, đến Đà Nẵng hay Phan Rang, Đồng Nai. Anh em bên Trung tâm Chỉ huy điều khiển vẫn thường hay trêu nhau rằng, cứ nhìn nước da là biết đi ít hay đi nhiều.
Cách đây 3 năm, khi mới là thành viên của VHT, trong 3 tháng thử việc đầu tiên có đến hơn một tháng rưỡi Thuận đi công tác, khi đó là giai đoạn nghiệm thu dự án VQ2. Thuận vẫn nhớ ấn tượng lần đầu khi đến làm việc tại đơn vị: “Các anh em cực kỳ nghiêm túc, tác phong nề nếp chuẩn chỉ, sáng 5 rưỡi họ dậy và mình cũng bắt đầu một ngày mới theo họ. Những ngày mới đi đơn vị, mình còn hơi bối rối nhưng bây giờ thì quen rồi, đi công tác nghe tiếng kẻng buổi sáng là cũng thoăn thoắt thực hiện thao tác gấp chăn, màn như ai”.
Đôi chân in dấu tại nhiều đơn vị song chuyến đi tới TP Phan Rang làm việc cùng Trung đoàn 937 khiến Thuận không thể quên. TP Phan Rang chỉ có nắng và gió, Thuận và đồng nghiệp tên Sơn phải đi bộ quãng đường dài 8km tù nhà trạm lên đến quả đồi đặt khí tài để kết nối vào hệ thống. Có hôm, Sơn bị cảm, Thuận mượn xe máy của các anh trong đơn vị rồi đèo Sơn lên đồi làm việc, xong việc, đưa Sơn về nghỉ, Thuận lại lấy xe máy đi vòng vèo mấy chục km chỉ để tìm mua bánh bao và thuốc về cho bạn.
Sau những ngày “mài mặt” tại đơn vị, Thuận làm việc tại văn phòng nghiên cứu hệ thống VQ2. Khi có bất cứ sự cố nào liên quan đến khí tài, đơn vị do Thuận phụ trách sẽ liên hệ với cậu. Sự cố đơn giản, Thuận hướng dẫn anh em qua điện thoại còn nếu khó, cậu dùng máy tính kiểm tra từ xa và trực tiếp di chuyển tới đơn vị nếu cần thiết
Khi còn là sinh viên, Thuận tham gia chương trình OpenDay của VHT. Thuận quyết định gắn bó tại đây dù biết những chuyến đi không mỏi sẽ là phần không thể thiếu với nghề. Nhưng cậu nghĩ, những sản phẩm hay và thiết thực cho đất nước do chính tay Thuận và đồng nghiệp làm ra xứng đáng để cậu đánh đổi sống chung với “nghiệp” của nghề.
Cũng là một “hoa chân” từ năm 2019 tại TTCHĐK, Trần Văn Sáng thường có những chuyến làm việc dài ngày tại các tiểu đoàn hoả lực 122, 124… của sư đoàn 365 quanh khu vực Bắc Giang, Bắc Ninh với mục đích kết nối khí tài vào hệ thống VQ2 và giám sát bức tranh tình huống trên không.
Hàn bản mạch đòi hỏi Sáng sự cẩn thận vô cùng
Có những đợt, để lấy được chính xác dữ liệu của khí tài đưa về hệ thống VQ2 nhằm số hoá hoặc bóc tách dữ liệu buộc Sáng và các anh em phải đi lại giữa cơ quan và đơn vị đến vài tháng. Sáng giải thích rằng, bản chất dữ liệu lấy không phải một tham số mà là nhiều tham số. Trong đó có những tham số lấy rất dễ nhưng có những tham số khi lấy rồi nhưng đưa lên hệ thống có thể xảy ra sai lệch hoặc tốc độ hiển thị không nhanh bằng khí tài khiến kết quả khác nhau nên phải thử nhiều lần. Nếu mình làm sai, anh em lại dò lại xem sai ở bước nào để lấy lại thông số đó theo yêu cầu.
Việc lấy tham số, dữ liệu không phải lần nào cũng thành công ngay; vả lại, nếu muốn thiết bị quân sự đáp ứng nhu cầu sử dụng của đơn vị không đòi hỏi người thiết kế phải hiểu quy trình hoạt động thực tiễn của khí tài để phân tích, từ đó đánh giá tương thích với sản phẩm mình làm ra nên việc đi đi lại lại, ăn ở tại đơn vị là chuyện “thường ở huyện” với Sáng. Sáng tâm sự không ngại đi đơn vị dù có nhiều bất tiện trong sinh hoạt: “Đơn vị nhiều muỗi thì mình móc màn, trời lạnh thì đi mượn đệm, mượn chăn bông của các anh. Điều kiện sinh hoạt thì đương nhiên không thể bằng ở nhà nhưng ăn ở tại đơn vị cũng giúp anh em mình rèn luyện sức khoẻ lắm vì nếp ăn, nếp ngủ điều độ”. Nhìn sản phẩm do chính đôi tay mình và đồng nghiệp làm ra đáp ứng nhu cầu sử dụng của đơn vị, Sáng thấy tự hào. Tự hào vì những cố gắng của mình và đồng nghiệp đã góp phần tạo nên khí tài quân sự hiện đại bảo vệ Tổ quốc. Sáng trải lòng rằng, cậu luôn sẵn sàng cho những chuyến đi phía trước, đi nhiều không đáng sợ, đáng sợ là mình không đem lại giá trị gì.
Tuổi trẻ này mình cùng nhau
Khoác vai đi từ sáng tới đêm
Hát lên như chưa từng được hát
Là la la là lá lá la.....
Mỗi người đều có một bài ca riêng về tuổi trẻ nhưng những gì mà tôi được thấy, được nghe từ những thanh niên trẻ tuổi tại Trung tâm chỉ huy điều khiển chia sẻ thì tôi tin, trong bài ca về thanh xuân của các bạn luôn hiện hữu sứ mệnh và nhiệm vụ đối với Tổ Quốc