Người VHT
Máy móc, tiếng ồn, bản vẽ... là bạn của kỹ sư cơ khí
Hương Nguyễn Lv.4
Trong nhà xưởng rộng khoảng 100 mét vuông tại Hà Đông, giữa tiếng máy phay kim loại, máy CNC, cắt, khoan, tiếng va đập của sắt thép, sau tiếng hô 1,2,3, cụm gập mở cánh trên UAV-2X bung ra, vậy là cuộc thử nghiệm sản phẩm chế tạo của Phạm Trung Đức và đồng nghiệp bước đầu thành công. Hơn 2 tháng nay, công việc đòi hỏi Đức, kỹ sư Trung tâm Công nghệ Cơ khí-Tự động hoá nằm vùng tại nhà xưởng nhằm đảm bảo tiến độ của đề tài UAV-2X.

Là tân binh mới gia nhập VHT đầu năm nay, chàng trai sinh năm 1998 đảm nhận vị trí kĩ sư hỗ trợ cải tiến các hệ thống cơ khí chưa được tối ưu cho người dùng trên UAV-2X.

Tháng 5 vừa rồi, Đức cùng các đồng nghiệp đã dành nhiều thời gian để suy nghĩ phát triển, thử nghiệm các cơ cấu mới có tính ưu việt hơn cho sản phẩm, giúp loại bỏ các thao tác phức tạp trong quá trình sử dụng thiết bị UAV-2X. Đồng hành cùng Đức trong dự án này có hai “gạo cội” khác của đơn vị là Phó giám đốc Trung tâm Lê Đức Dũng và kỹ sư Đinh Trọng Tình.

Đam mê với máy móc và các cơ cấu cơ khí độc đáo, mục tiêu của Đức là nghiên cứu, chế tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, chất lượng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước; do đó, Đức gia nhập đề tài với tâm thế phấn khởi

Thời gian tiến độ đề án gấp gáp, phải hoàn thành trong vòng 1 tháng. Vì vậy, trước khi bắt đầu quá trình thiết kế, 3 anh em cùng ngồi lại với nhau lên ý tưởng. Dựa trên những lời khuyên và hướng thiết kế sát sườn của các anh, Đức đưa ra thiết kế của mình. Song, vì là cơ cấu mới nên đến phiên bản thứ 3, sản phẩm mới có thể hoạt động theo ý muốn. Bắt đầu từ 29/4, làm việc xuyên nghỉ lễ đến 6/5, phiên bản đầu tiên hoàn thành nhưng cần thay đổi vật liệu trong các chi tiết chịu lực. Cùng nhau khắc phục lỗi, phiên bản thứ 2 ra đời. Dẫu vậy, để đạt được kết quả tối ưu, phiên bản này cần thay đổi toàn bộ kích thước kết cấu nhỏ hơn nhằm giảm khối lượng, đáp ứng yêu cầu tích hợp lên máy bay.

IMG_9116

Đức thử nghiệm chế tạo cụm gập mở cánh trên UAV-2X

Đức kể lại: “Từ phiên bản thứ 1 lên phiên bản thứ 3 cũng kỳ công lắm. May mắn là có anh Tình đồng hành cùng em. Dựa trên kinh nghiệm về vật liệu và kết cấu cơ khí, anh Tình đã hướng dẫn em xử lý được nhiều khó khăn gặp phải”. Theo Đức, quá trình thiết kế chỉ có 1 tháng nên không đủ thời gian để tính toán mô phỏng và kiểm bền thiết kế. Anh em bắt tay vào chế tạo ngay do vậy một số chi tiết không đạt bền và biến dạng. Sau khi rút kinh nghiệm từ thực tế cùng với những kiến thức, quá trình trải nghiệm của anh Tình đã đưa ra những mã vật liệu mới đáp ứng được yêu cầu làm việc, khắc phục được nhược điểm biến dạng của chi tiết.

Vừa thiết kế sản phẩm, Đức vừa nằm vùng tại xưởng nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm sau khi gia công cũng như xử lý các vấn đề phát sinh, trực tiếp tham gia vào công tác lắp đặt, thử nghiệm hoạt động của các cơ cấu. Đức tiến hành đo kiểm các chi tiết đã đạt yêu cầu theo bản vẽ không, nếu chưa đạt sẽ yêu cầu kỹ thuật viên tại xưởng làm lại.

Dưới cái nắng lên đến 40 độ của mùa hè cùng tiếng ồn áo của máy móc, làm việc tại xưởng quả thực không phải là điều kiện lý tưởng trong mơ. Thế nhưng, Đức vẫn vui vẻ nói: “Kỹ sư cơ khí nên phải quen với điều đó. Máy móc, tiếng ồn, bản vẽ, bu lông, ốc vít,… xem như là bạn song hành với mình suốt quá trình làm nghề ấy chứ”.

Hàng ngày, Đức di chuyển từ Mỹ Đình sang xưởng tại Hà Đông hoặc thỉnh thoảng là xưởng bên Long Biên, bắt đầu công việc lúc 7 rưỡi sáng và trở về nhà khi trời đã tối. Cũng có những hôm, cậu cùng đồng nghiệp ở lại muộn để thử nghiệm tính năng sản phẩm.

Thử nghiệm ở xưởng xong, Đức chuẩn bị linh kiện, lắp đặt thiết bị mang lên bãi trên Hòa Lạc tiếp tục thử nghiệm. Nhiều khi, UAV hoạt động không như ý muốn, máy bay va đập hỏng, Đức cùng đồng nghiệp lại tháo tháo, lắp lắp sửa từng chi tiết, đánh giá nguyên nhân hỏng.

Là cá nhân xuất sắc tháng 5 liên quan đến đề tài UAV-2X, song chia sẻ về công việc của mình, Đức nói: "Dù mình rất vui vì những đóng góp của mình được mọi người ghi nhận trong đề tài UAV-2X nhưng mình nghĩ mình chưa xứng đáng hoàn toàn bởi đó là công sức tập thể, mình còn cần học hỏi nhiều". Quá trình làm đề tài đem lại cho Đức tới nhiều bài học, đó là thử và sai. Thử và sai từng khiến Đức nản lòng nhưng đó cũng là động lực thôi thúc tiến lên và từng bước từng bước đến gần hơn với mục tiêu, nhất là trong quá trình tiến lên đó có sự góp ý, đồng hành của những người đi trước.

  • 106
  • 2 bình luận
  • 0