Quay trở lại nhiều năm trước, khi các doanh nghiệp đăng tuyển nhân lực liên quan đến toán ứng dụng, anh Nguyễn Văn Lợi lựa chọn Viettel bởi lúc đó anh được biết rằng sản phẩm đầu ra của Viettel là sản phẩm quân sự. Điều này kích thích sự tò mò của anh. Và cuối cùng, tại nơi đây, anh đã trở thành Trưởng phòng Thiết kế hệ thống & Thuật toán, Trung tâm Ra-đa, anh có thể dùng chính những kiến thức toán học của mình cùng các anh em đồng nghiệp giải quyết các vấn đề gắn trực tiếp với sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu khách hàng, từ đó đưa sản phẩm đi vào thực tế. Đó là điều anh luôn mong muốn.
Trò chuyện về công việc với người đàn ông hơn 40 tuổi, tôi nhận thấy sự điềm tĩnh, nghiêm túc trong suy nghĩ và cách nói của anh. Song khi nhắc đến những trải nghiệm với đồng nghiệp tại Trung tâm tâm Ra-đa, giọng nói anh bỗng hồ hởi. Anh vui vẻ khi nhắc đến những giờ nghỉ trưa cùng đồng nghiệp tranh thủ đánh bóng bàn. Anh kể: “Thời gian đầu đánh bóng, anh em cứ cười râm ran, khúc khích cả buổi khiến các chị em phải ra nhắc nhở. Vậy mà, phong trào vẫn kèo dài được đến bây giờ!”.
Anh cũng bật cười khi nhớ đến những lần bản thân cố gắng đánh “đu” theo các anh em trẻ tại Trung tâm Ra-đa trong mỗi lần team building. Và rồi có cả kỷ niệm những lần cùng anh em tại Trung tâm thức đêm để kịp hoàn thành công việc. Mở mắt thức dậy, anh Lợi xem bức ảnh đồng nghiệp chụp lại, thấy mọi người nằm ngủ ngả vào nhau, trên sàn còn chỗ nào trống là mọi người nằm xuống ngả lưng, anh vừa buồn cười, vừa trân trọng. Khoảnh khắc đó, anh nhận thấy sự hoà đồng, trên dưới là một giữa anh em, không câu nệ chỉ huy hay nhân viên. Và trong khoảnh khắc đó, anh cũng nhận thấy, trên đoàn tàu đang chạy của Trung tâm Ra-đa, không một ai không hết lòng vì công việc chung.
Anh tâm sự chân thành rằng: “Cái khó khi làm toán ứng dụng so với toán lý thuyết là phải hiểu hệ thống. Với một hệ thống phức tạp như đài ra-đa thì nếu tự tìm hiểu sẽ mất rất nhiều thời gian, thậm chí có những vấn đề không có trong tài liệu mà chỉ qua thực tế trải nghiệm mới biết được. Nhưng tại Trung tâm Ra-đa mình được Ban Giám đốc và mọi người hỗ trợ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, từ đó tìm được tiếng nói “kỹ thuật” chung với anh em. Hoàn thiện sản phẩm đòi hỏi sự kết nối giữa các thành phần. Một người làm toán bình thường sẽ khó trao đổi với bạn làm về cao tần hoặc ăng-ten. Nhưng qua 5 năm làm việc tại VHT, mình đã hiểu được đồng nghiệp, hiểu hệ thống và sản phẩm của đơn vị”.
Ngoài sự gắn kết giữa các đồng nghiệp, điều khiến anh Lợi tin rằng, lựa chọn của anh 5 năm trước đã đúng, đó chính là cách làm việc tại Trung tâm Ra-đa, cụ thể là sự đề cao tính phản biện. Anh Lợi phân tích, sản phẩm muốn đi vào thực tế đòi hỏi những yêu cầu khắt khe và chỉ có qua phản biện, phản biện qua lại giữa các nhóm, phản biện nội bộ trong từng nhóm mới giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo anh: “Khi mình xây dựng thiết kế hệ thống, đó là quan điểm cá nhân của mình. Khi mình đề xuất, anh em trưởng nhóm sẽ góp ý. Qua đó, mình thấy được những thiếu xót. Tích cực và mạnh dạn phản biện là điều mình nhận thấy đang có ở Trung tâm, dù bạn mới vào hay đã làm lâu năm, ý kiến luôn được tôn trọng. Trong công tác kỹ thuật phải phản biện và không ngại nhận lời phản biện. Phản biện không những tăng chất lượng sản phẩm mà còn tăng sự hiểu biết của từng cá nhân”.
Có lẽ, chính sự hoà hợp trong giao tiếp cùng cách làm việc quyết liệt đã trở thành một trong những yếu tố giúp anh Lợi cùng các đồng nghiệp tại Trung tâm cho ra đời nhiều thế hệ đài ra-đa, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Mỗi một sản phẩm sau khi hoàn thành đều để lại cho anh Lợi cũng như mọi người tại Trung tâm Ra-đa một cảm giác đặc biệt. Cùng nhau tận hưởng cảm giác tuyệt vời ấy, song họ ngay lập tức tiếp tục bắt tay vào hoàn thiện và tối ưu hệ thống cũng như nghiên cứu những sản phẩm mới tiếp theo. Để ra-đa trở thành một ngành như hiện nay, để các sản phẩm ra-đa tiệm cận công nghệ của thế giới, họ chưa bao giờ dừng lại,…